Tây Ban Nha: Các cặp đôi lớn tuổi chọn 'không sống cùng nhà'
Valle và Remi chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, trừ việc sống chung dưới một mái nhà. 'Chúng tôi làm dự án cùng nhau, nhưng không chia sẻ không gian sống', Valle, một luật sư người Tây Ban Nha 58 tuổi, nói. Bà đã duy trì mối quan hệ ổn định và tốt đẹp suốt hơn 3 năm với Remi, một nhà khoa học máy tính người Hà Lan sống cách xa hàng nghìn cây số.
Khoảng cách địa lý không phải lý do họ lựa chọn lối sống "Living Apart Together" (LAT - không sống cùng nhà). "Đây là quyết định chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất với nhau", Valle giải thích.
Theo bác sĩ tâm lý và xã hội học Ángel Castro, mô hình LAT ngày càng phổ biến ở Tây Ban Nha, đặc biệt trong tầng lớp thượng lưu của xã hội hiện đại.
"Mối quan hệ LAT ở người lớn tuổi là một hiện tượng xã hội mới nổi. Khi xã hội ngày càng già hóa, nhiều người lớn tuổi đang tận hưởng cuộc sống với chất lượng cao hơn bao giờ hết và trong thời gian dài hơn. Điều này có thể giải thích cho sự gia tăng của lối sống này", Castro nói.
Duy trì tình yêu với cảm giác độc lập
José Luis, 80 tuổi, một giáo sư Mỹ thuật đã nghỉ hưu đến từ Gipuzkoa, cho biết: "Cảm giác tự do và mong muốn tận hưởng cuộc sống lâu nhất có thể là điều rất quan trọng với tôi".
José đã có mối quan hệ bền chặt với Mercedes, 66 tuổi, cư dân Vizcaya, trong nhiều năm. Cả hai hài hước gọi quốc lộ A8 - con đường nối hai ngôi nhà ở Gipuzkoa với Vizcaya của họ - là "nơi bảo vệ lý tưởng cho mối quan hệ". Con đường này giúp cặp đôi duy trì sự độc lập cá nhân trong khi vẫn nuôi dưỡng tình yêu.
"Khoảng cách 120km không phải là trở ngại để chúng tôi có thể chia sẻ cuộc sống một cách liên tục và trọn vẹn. Chúng tôi gặp nhau đều đặn mỗi hai tuần, di chuyển bằng ô tô, xe buýt, đôi khi là dịch vụ Blablacar", Mercedes, quản lý một trung tâm nghiên cứu công nghệ, cho biết.
José và Mercedes tìm thấy tình yêu muộn màng nhờ niềm đam mê chung với nghệ thuật. Họ gặp nhau tại một triển lãm ở Gipuzkoa, nơi cả hai ngay lập tức bị thu hút bởi đối phương. "Lúc đó tôi 63 tuổi, vừa nghỉ hưu, góa chồng 15 năm và không tìm kiếm mối quan hệ nào khác. Tôi đã rất hài lòng với ngôi nhà ấm cúng và cuộc sống hiện tại của mình", Mercedes kể lại.
Đối với José, lần gặp đầu tiên có tác động mạnh mẽ hơn. Tính cách và ngoại hình của Mercedes đã thu hút ông nhưng sau đó ông không liên lạc với bà ngay lập tức.
"Phải một tháng sau, tôi mới gửi tin nhắn qua WhatsApp cho Mercedes. Và từ đó, chúng tôi bắt đầu một mối quan hệ đầy niềm vui - đầu tiên là qua điện thoại, sau đó là những lần gặp mặt trực tiếp với khoảng cách là quốc lộ A8 ở giữa", José kể.
Đây là mối quan hệ ổn định đầu tiên của José kể từ khi vợ ông qua đời 20 năm trước. Dù có nhiều mối quan hệ, gồm con cháu, anh chị em và bạn bè, cùng nhiều sở thích, José vẫn cảm thấy trọn vẹn hơn khi gặp Mercedes 2 năm trước.
Cả hai thống nhất không sống chung bởi họ đều có nhiều dự định cá nhân, cam kết với gia đình, sở thích riêng và muốn tận hưởng một cuộc sống độc lập nhưng vẫn gắn bó.
"Khi ở bên nhau, chúng tôi hoàn toàn dành trọn vẹn cho nhau. Khi xa nhau, điện thoại giúp kết nối mọi lúc mọi nơi", Mercedes khẳng định. Những tin nhắn WhatsApp ban ngày và cuộc trò chuyện dài ban đêm đã xóa nhòa khoảng cách 120km, mang đến cho cặp đôi một tình yêu trọn vẹn ở tuổi xế chiều.
Xu hướng lối sống LAT ở người lớn tuổi
Nhiều người lớn tuổi sở hữu ngôi nhà mà họ đã gắn bó suốt hàng chục năm, chứa đựng bao ký ức, trải nghiệm và kết nối cảm xúc sâu sắc với bản thân. Quan trọng hơn, những ngôi nhà này không chỉ là nơi ở mà còn đại diện cho lịch sử và thành quả cá nhân của họ, khiến họ không muốn rời đi hay chia sẻ không gian sống với bạn đời mới.
Bằng cách duy trì nơi sống riêng biệt, nhiều người có thể tận hưởng mối quan hệ lãng mạn bền vững mà không cần hy sinh tính độc lập hay không gian cá nhân. Đây chính là lý do khiến ngày càng nhiều người lớn tuổi lựa chọn LAT.
Theo nghiên cứu của giáo sư Yang Hu đến từ Đại học Lancaster và tiến sĩ Rory Coulter ở Đại học College London, các cặp đôi lớn tuổi chọn không sống chung sẽ được hưởng những lợi ích về sức khỏe tâm thần tương tự như khi kết hôn.
Tuy nhiên, họ không có những xích mích hàng ngày, cam kết chăm sóc hoặc nghĩa vụ pháp lý có thể làm phức tạp như với mối quan hệ truyền thống. Nghiên cứu cho thấy đây là "hình thức quan hệ bền vững hơn", đặc biệt là đối với những người trên 60 tuổi.
Bảo vệ quyền tự chủ và thói quen cá nhân
"Dự án cuộc sống" của Valle và Remi đã xác nhận những quan sát của các nhà xã hội học về mô hình LAT. Valle chia sẻ: "Chúng tôi có dự án chung về cuộc sống, mặc dù không ở chung nhà".
Cặp đôi giải thích rằng, công việc, gia đình và các mối quan hệ xã hội, bao gồm cả con cái và cha mẹ già, khiến họ không thể chuyển đến sống cùng nhau ở một quốc gia khác. Valle cho biết quyết định không sống chung "được cân nhắc kỹ lưỡng".
Cặp đôi duy trì kết nối thông qua gọi video, WhatsApp và điện thoại khi không thể ở bên nhau vì lý do làm việc hoặc cá nhân, dù ở Hà Lan hay Tây Ban Nha. Valle cho biết: "Ngày chúng tôi nghỉ hưu, ai biết được mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào.
Ở độ tuổi này và với tất cả những gì chúng tôi có, cuộc sống của chúng tôi hiện rất đầy đủ và có nhiều điều thú vị. Mô hình này giúp tôi không phải lựa chọn. Không phải lúc nào cũng ở bên cạnh nhau giúp chúng tôi giữ gìn mối quan hệ, nhớ nhung và thực sự mong muốn được gặp nhau".
Không phải đưa ra lựa chọn giữa tình yêu và độc lập cá nhân chính xác là điều Valle hướng tới. Bà nói: "Chúng tôi không phải là cặp vợ chồng theo nghĩa truyền thống. Chúng tôi là hai cá thể tự do lựa chọn dựa vào nhau trong mọi việc và trong chừng mực khoảng cách cho phép".
Theo nhà xã hội học Ángel Castro, điều định nghĩa một cặp đôi ngày nay không chỉ là việc sống chung nhà mà là mong muốn chia sẻ mối quan hệ tình cảm với người khác, dù họ có sống cùng nhà hay không.
Mô hình LAT đang nhận được sự công nhận rộng rãi về mặt xã hội và pháp lý, với khả năng công nhận quan hệ đối tác của các cặp đôi không sống chung nhà.
Trong khi quyết định theo đuổi lối sống LAT ở người trẻ có thể là lựa chọn tạm thời do hoàn cảnh công việc hoặc kinh tế, thì đối với người cao tuổi, lý do chính là bảo vệ quyền tự chủ và thói quen cá nhân.
Điều này được thể hiện qua câu chuyện của Blanca, một phụ nữ tự kinh doanh 59 tuổi ở Zaragoza, người đã có mối quan hệ lâu dài với José, 66 tuổi, cũng sống tại thành phố này trong suốt 11 năm qua.
Blanca chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi trải nghiệm ý nghĩa của việc sống một mình sau khi ly hôn và tôi yêu thích điều đó. Khi bắt đầu mối quan hệ mới, các con tôi vẫn sống với tôi và tôi không muốn chia sẻ không gian của mình".
Blanca cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi sống trong ngôi nhà mà bà đã bỏ công sức và tâm huyết xây dựng. Cả bà và José đều giữ được sự độc lập và mong muốn duy trì không gian riêng của mình. Cả hai tin tưởng tuyệt đối vào nhau, vì vậy việc sống xa nhau không gây ra ghen tuông hay bất an.
Blanca nói: "Chúng tôi có những thói quen riêng, nếu thay đổi sẽ gây khó chịu và có thể dẫn đến xích mích". Mặc dù không sống cùng nhau, tình cảm giữa họ vẫn nồng nhiệt và mỗi lần gặp gỡ lại mang đến cảm giác háo hức như thuở ban đầu.
Đối với José, một người làm việc tự do, cũng thấy rằng mô hình LAT mang lại nhiều lợi ích hơn là bất tiện. Nó giúp ông có thời gian dành cho công việc và bạn bè mà không phải sắp xếp lịch trình liên tục.
Tuy nhiên, José cũng thừa nhận rằng, về lâu dài, ông muốn mối quan hệ giữa mình và Blanca phát triển theo hướng gần gũi hơn.
Ông nói: "Nếu không thể sống chung một nhà thì ít nhất tôi muốn chúng tôi sống gần hơn để có thể dành nhiều thời gian cho nhau mà không cần phải di chuyển qua nhiều thành phố".
Báo cáo "Quản lý sự thân mật trong xã hội kỹ thuật số" năm 2020 ghi nhận, 4% người Tây Ban Nha trong độ tuổi 50 - 59 có bạn đời nhưng không sống chung. Nhiều người trong nhóm tuổi này từng trải qua các mối quan hệ lâu dài và hiện nay, sau ly hôn hoặc góa bụa, họ muốn bắt đầu mối quan hệ mới mà không từ bỏ sự độc lập của mình.
Nguồn: La Vanguardia