Cách mạng xanh 4.0 không là lựa chọn mà là tất yếu

Nếu thế giới không chia sẻ trách nhiệm và lợi ích một cách công bằng thì sẽ không thể đòi hỏi các quốc gia có thu nhập thấp gìn giữ tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.

Việt Nam, từ thiếu lương thực đến quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu

Sáng 17/4, phát biểu tại phiên thảo luận về nội dung “Bắt nhịp cách mạng xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực cho kỷ nguyên bền vững” trong khuôn khổ Diễn đàn P4G, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam Đỗ Đức Duy khẳng định: “Nếu thế giới không chia sẻ trách nhiệm và lợi ích một cách công bằng, thì sẽ không thể đòi hỏi các quốc gia có thu nhập thấp gìn giữ tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững”.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, cách mạng xanh 4.0 là sự kết hợp của các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học và số hóa trong sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu của cuộc cách mạng này không chỉ là tăng năng suất mà còn là giảm phát thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo sinh kế cho người dân.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, Việt Nam là một minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ. Từ một quốc gia từng phải đối mặt với đói nghèo và thiếu lương thực, nay Việt Nam đã vươn lên thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, hiện diện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn khi chỉ có khoảng 13 triệu ha đất nông nghiệp có thể sử dụng. Sự suy thoái đất, biến đổi khí hậu và áp lực dân số khiến việc phát triển nông nghiệp xanh, thông minh và bền vững trở nên cấp thiết.

Chính phủ Việt Nam đã triển khai hàng loạt chính sách trọng điểm như:

- Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến 2030, tầm nhìn 2050

- Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững

- Đề án phát triển khoa học và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp

- Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long

- Từ công nghệ đến chính sách – Từ nông dân đến doanh nghiệp

Từ công nghệ đến chính sách

Từ góc nhìn của ông Lawrence Sai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Nam Phi, thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ hiện tượng El Ninõ, đe dọa trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực tại nhiều quốc gia, trong đó có Nam Phi.

Theo ông Lawrence Sai, việc phụ thuộc quá mức vào tài nguyên thiên nhiên đã khiến hệ thống lương thực toàn cầu trở nên mong manh. Chuyển đổi mô hình nông nghiệp - thông qua ứng dụng công nghệ, giống cây chịu hạn, tái chế nước thải và quản lý tài nguyên hiệu quả - là những giải pháp then chốt.

“Ngành nông nghiệp không chỉ là nạn nhân của biến đổi khí hậu mà còn là tác nhân gây phát thải lớn, chiếm khoảng 22% khí thải nhà kính toàn cầu. Với khoảng 690 triệu người sống dưới mức nghèo khổ và hơn 83 triệu người đối mặt với rủi ro an ninh lương thực do El Ninõ, do vậy, việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp bền vững là bắt buộc. Công nghệ chỉ có ý nghĩa khi nó giúp cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là nông dân quy mô nhỏ”, ông Sai nói.

Các đại biểu quốc tế đều thống nhất rằng, chuyển đổi hệ thống lương thực đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ chuỗi giá trị. Từ nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư, cho đến người nông dân - tất cả cần cùng hành động.

Theo Phó Chủ tịch Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) Donald Brown, công nghệ không chỉ là công cụ mà còn là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Ông đề cập các sáng kiến như nông nghiệp chính xác, nền tảng kỹ thuật số, biotechnology và quản lý tài nguyên thông minh như nước và đất, nhằm tối ưu hóa năng suất, giảm thiểu chất thải và duy trì tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Khuyến nghị về chính sách, Phó Chủ tịch IFAD cho rằng, cần có sự hợp tác toàn diện giữa các bên công - tư - nông dân để xây dựng một hệ thống lương thực bền vững.

Từ nông dân đến doanh nghiệp

Chia sẻ kinh nghiệm từ Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thị Ngọc Điệp giới thiệu về sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là trong việc chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang mô hình nông nghiệp xanh, sử dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Dự án VnSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững) đã giúp nông dân giảm lượng giống, sử dụng phân bón sinh thái, và quản lý dịch hại theo phương pháp IPM (Quản lý dịch hại tổng hợp). Các giải pháp này đã giúp tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, và giảm ô nhiễm môi trường. Cần Thơ cũng tham gia vào dự án 1 triệu ha lúa xanh, với việc triển khai mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Các mô hình thí điểm có hiệu quả trong việc giảm giồ́ng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Rơm rạ cũng được tận dụng trong việc trồng nấm và sản xuất phân bón hữu cơ, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”, bà Ngọc cho biết.

Về các giải pháp trong tương lai, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp như chuyển đổi số, liên kết chuỗi giá trị, và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Cùng với đó là nâng cao năng lực hợp tác xã để tạo nền tảng vững mạnh cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ.

Đánh giá về chuyển đổi sang nông nghiệp xanh tại Việt Nam, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Rix nhấn mạnh, việc Việt Nam đã thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho thấy Chính phủ đang hướng tới một chiến lược phát triển nông nghiệp toàn diện, kết hợp giữa bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

“Đan Mạch có hơn 90% nông dân sử dụng công nghệ nông nghiệp chính xác như máy móc điều khiển GPS và AI trong việc quản lý dinh dưỡng cây trồng, giảm phát thải khí nhà kính và tăng năng suất. Sự hợp tác lâu dài giữa Đan Mạch và Việt Nam trong việc thúc đẩy nông nghiệp bền vững, bao gồm việc giảm phát thải, sản xuất chăn nuôi ít phát thải và mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Đan Mạch cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển các dự án nông nghiệp xanh thông qua các hợp tác chiến lược và đầu tư vào đổi mới công nghệ”, Đại sứ khẳng định.

Đại sứ Đan Mạch Nicolai Rix cũng nhận định, cách mạng xanh 4.0 không chỉ là sự tiến bộ công nghệ mà là một cam kết tập thể để bảo vệ hành tinh và đảm bảo lương thực cho các thế hệ tương lai

Lê Kiều Linh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cach-mang-xanh-40-khong-la-lua-chon-ma-la-tat-yeu-post1192716.vov
Zalo