Phát triển thủy sản nước ngọt ở Hà Tĩnh: Từ truyền thống đến công nghệ cao
Hà Tĩnh phát huy tiềm năng, mở rộng đối tượng nuôi trồng và thực hiện các giải pháp khác để sản xuất 4.677 ha ao, hồ nước ngọt cho sản lượng khoảng 7.600 tấn, giá trị 306 tỷ đồng.

Người dân xã An Dũng (Đức Thọ) nuôi cá lóc và rô đồng đầu vuông trong ao, hồ.
Thị trấn Vũ Quang và xã Thọ Điền được hưởng lợi nhiều nhất từ hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang cùng hệ thống ao, hồ xung quanh để nuôi cá nước ngọt. Mấy năm gần đây, hai địa phương này có 285 hộ nuôi cá trên lòng hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang và các ao, hồ xung quanh với tổng diện tích khoảng 31 ha.
Nhờ nguồn nước sạch từ thượng nguồn chảy về, nguồn nước cấp được lắng lọc và thay đổi thường xuyên, vùng mặt nước thoáng, nhiều phù du, ít dịch bệnh, vùng lồng bè có sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi theo hướng hàng hóa… nên năng suất ở đây đạt 2 tấn/ha/năm, cao hơn mặt bằng chung của huyện (1,7 tấn/ha/năm) và của tỉnh (1,57 tấn/ha/năm). Cùng với các loại cá truyền thống như: trắm, chép, mè, rô phi đơn tính, cá lóc… một số hộ đã mạnh dạn đầu tư nuôi các loài mới để cho hiệu quả sản xuất cao hơn.

Người dân thị trấn Vũ Quang nuôi các loài cá có giá trị cao trong lồng bè ở lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vũ Quang Trần Lê thông tin: “Bình quân hàng năm, Vũ Quang nuôi trồng gần 177 ha ao hồ, sản lượng khoảng 300 tấn, cho giá trị sản xuất gần 11 tỷ đồng. Ngoài các đối tượng nuôi truyền thống, nuôi theo hình thức quảng canh, huyện cũng đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ nuôi trồng nước ngọt mạnh dạn vay vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng hàng hóa và đưa các loài giống mới như: cá lăng, cá leo, cá trắm giòn, các chép giòn, cá tầm... vào sản xuất.
Hiện nay, trong vùng lòng hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang đang có 1 HTX, 3 tổ hợp tác, 6 hộ tư nhân nuôi thâm canh 48 lồng cá các loại có giá trị cao, mỗi năm cho lãi hàng trăm triệu đồng/mô hình và trở thành nơi học tập kinh nghiệm, thí điểm làm ăn, tạo điểm nhấn trong bức tranh nuôi trồng nước ngọt trên địa bàn”.

Anh Trần Phi Châu thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi trong vùng nước ngọt.
Sau nhiều năm nuôi cá kết hợp nuôi ngan, ngỗng, vịt nhưng lợi nhuận chỉ đạt khoảng 30 triệu đồng/ha/năm, anh Trần Phi Châu (chủ trang trại ở thôn Thái Hòa, xã Phù Lưu, huyện Thạch Hà) đã dần chuyển đổi đối tượng nuôi. Cách đây hơn 2 năm, anh Châu mạnh dạn thuần dưỡng nuôi thí điểm 2/9 hồ (khoảng 1,5 ha) tôm thẻ chân trắng (loài này chủ yếu nuôi ở nước mặn lợ) và cho những kết quả khả quan.
Với phương châm “vừa làm vừa học”, “lấy lợi nhuận từ tôm nuôi tôm”, hiện nay, anh Châu đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng 6/9 hồ (khoảng 6ha, chiếm 2/3 tổng diện tích trang trại) theo hình thức quảng canh cải tiến, mật độ 15 – 30 con/m2. Nhờ được đầu tư cơ bản về ao hồ, đầy đủ điện và nước, lựa chọn nguồn giống tốt, cho lượng thức ăn phù hợp nên mỗi năm anh Châu sản xuất từ 2 – 3 vụ, xuất bán 10 – 13 tấn tôm thương phẩm, cho lợi nhuận gấp 2 lần so với nuôi cá và gia cầm trước đây.

Một số hộ nuôi trồng nước ngọt ở Phù Lưu (Thạch Hà) đã mạnh dạn đầu tư mặt bằng, kinh phí, mở rộng đối tượng nuôi để vừa sản xuất vừa kinh doanh (câu cá dịch vụ, trải nghiệm).
Sau khi các mô hình nuôi trai lấy ngọc ở thành phố Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên và một số nơi khác thành công, anh Hồ Phi Thủy (quê ở xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà) đã mạnh dạn đầu tư nuôi thí điểm loài nhuyễn thể trên vùng ao hồ của Dự án Làng Thanh niên xung phong nuôi trồng thủy sản Thạch Kênh trước đây, nay đã bàn giao lại cho địa phương quản lý.
Anh bắt đầu xuống giống từ tháng 8/2024, hiện nay, đã thực hiện sản xuất 7 hồ nuôi (mỗi hồ khoảng 5ha). Qua theo dõi cho thấy, trai lấy ngọc tại vùng hữu ngạn sông Nghèn này đang phát triển khá tốt, các ao xuống giống sớm sắp được cấy ngọc để chuyển sang chu kỳ nuôi mới.

Xu hướng nuôi trai lấy ngọc trong ao, hồ nước ngọt đang khá phát triển, bước đầu đã cho những tín hiệu khả quan. (Ảnh chụp ở vùng nuôi xã Thạch Kênh).
Ông Nguyễn Duy Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh (Thạch Hà) cho biết: “Chúng tôi đang rất kỳ vọng vào mô hình thí điểm nuôi trai lấy ngọc của anh Thủy bởi anh đã nuôi thành công ở nhiều tỉnh miền Nam và ở đây điều kiện thời tiết, nguồn nước, hạ tầng… được đánh giá khá tốt. Nếu thành công, địa phương sẽ mở rộng diện tích cho thuê và kêu gọi các nhà đầu tư khác vào nuôi phủ kín toàn bộ 120 ha đất ao hồ do Tỉnh đoàn bàn giao lại cho xã. Tiếp đó, chúng tôi sẽ vận động người nuôi trồng nước ngọt trong vùng liên kết với doanh nghiệp nuôi loài này để được hưởng lợi tối đa về kinh nghiệm sản xuất, khoa học kỹ thuật, nguồn giống, thị trường tiêu thụ…”.
Chị Nguyễn Thị Duyên – cán bộ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thạch Hà thông tin: “Ngoài lấy hoạt động nuôi trồng vùng nước mặn lợ ven biển làm nòng cốt thì huyện cũng đang quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ để các hộ nuôi trồng vùng nước ngọt ổn định sản xuất, nâng cao sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích, đa dạng đối tượng nuôi gắn với ưu tiên mở rộng các loài có giá trị kinh tế cao. Năm nay, toàn huyện sẽ thực hiện nuôi trồng 670 ha ao, hồ vùng nước ngọt và phấn đấu đạt sản lượng 1.006 tấn, cho giá trị sản xuất hàng chục tỷ đồng”.

Mô hình nuôi trai lấy ngọc của ông Trần Đình Đức ở xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) đang phát triển tốt.
Năm 2024, toàn tỉnh nuôi trồng 4.662 ha thủy sản nước ngọt, đạt năng suất 1,57 tấn/ha, sản lượng hơn 7.320 tấn, cho giá trị sản xuất gần 268 tỷ đồng; năm nay phấn đấu tăng diện tích nuôi lên 4.677 ha, sản lượng 7.600 tấn, cho giá trị khoảng 306 tỷ đồng. Hiện nay, ngoài thay đổi hình thức nuôi quảng canh các đối tượng trồng truyền thống như cá nước ngọt (cá chép, cá trắm cỏ, cá rô đồng, cá quả, cá rô phi đơn tính…), tôm càng xanh, ếch, cua đồng, ốc bươu đen… thì nhiều hộ ở một số vùng nuôi trồng đã mạnh dạn nuôi thâm canh, quảng canh cải tiến và đưa các loài mới (cá trắm giòn, cá chép giòn, cá lăng, trai lấy ngọc...) để cho giá trị kinh tế cao hơn.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả, đảm bảo an toàn, sản xuất bền vững trong vùng nước ngọt, ngành nông nghiệp các huyện, chính quyền các cấp và người nuôi trồng toàn tỉnh đang tập trung cải tạo ao, hồ, ưu tiên hơn trong đầu tư nâng cấp hạ tầng, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng đối tượng nuôi, kiểm soát chất lượng con giống và thức ăn, kiểm soát dịch bệnh… Qua đó, góp phần đảm bảo nguồn thu nhập từ 35 – 50 triệu đồng/ha/năm, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.