Vụ sữa giả 500 tỷ đồng: Có 'vùng xám quản lý' không ai chịu trách nhiệm giám sát

Vụ việc sản xuất sữa giả là hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ về đạo đức kinh doanh còn về năng lực thể chế. Nếu không chấn chỉnh quyết liệt, hậu quả tương tự sẽ còn tái diễn.

Việc làm giả hàng trăm loại sữa – vốn là sản phẩm thiết yếu, đặc biệt dành cho những đối tượng yếu thế như trẻ em, người già và phụ nữ mang thai – không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là hành vi phi nhân tính, xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và lòng tin xã hội.

Nhưng vấn đề cần suy nghĩ nhiều hơn là tại sao một đường dây với quy mô lớn như vậy lại có thể hoạt động trong suốt 4 năm mà không bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời? Điều này cho thấy lỗ hổng trong nhiều khâu: Từ quản lý chất lượng sản phẩm, kiểm tra thị trường đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng tại địa phương. Những lỗ hổng này đều cần được khắc phục.

VietNamNet xin giới thiệu tới độc giả bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Lợi nhuận quá lớn mà rủi ro quá nhỏ, tội phạm sẽ không sợ luật

Trước hết, lỗ hổng về an toàn thực phẩm không chỉ nằm ở văn bản pháp luật, mà chủ yếu nằm ở khâu thực thi.
Về mặt quản lý, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của ta vẫn đang phân tán và chồng chéo. Nhiều bộ, ngành cùng chịu trách nhiệm nhưng thiếu một cơ quan đầu mối thống nhất. Khi trách nhiệm bị chia cắt, việc quy trách nhiệm khi xảy ra vi phạm trở nên khó khăn, và không ai thực sự chịu trách nhiệm cuối cùng.

Về giám sát, hiện nay còn nặng về hình thức, chủ yếu dựa vào các đợt thanh tra định kỳ, trong khi vi phạm thường diễn ra tinh vi, có tổ chức, và biến hóa liên tục. Thiếu cơ chế giám sát chủ động, cảnh báo sớm và phản ứng nhanh là một điểm yếu chí tử.

Bên cạnh đó, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Với những hành vi như làm giả thực phẩm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người, thì mức phạt hành chính hay thậm chí mức án hình sự hiện nay vẫn còn quá nhẹ so với mức độ nguy hại. Khi lợi nhuận quá lớn mà rủi ro quá nhỏ, thì tội phạm sẽ không sợ luật.

Và cuối cùng, chúng ta còn thiếu một nền tảng đạo đức kinh doanh bền vững. Nếu chỉ dựa vào pháp luật mà không xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần trách nhiệm xã hội và lòng trắc ẩn với người tiêu dùng, thì luật dù chặt đến đâu cũng có thể bị lách.

Công nhân đóng hộp thành phẩm sữa bột tại cơ sở sản xuất, chuẩn bị tung ra thị trường. Ảnh: BCA

Công nhân đóng hộp thành phẩm sữa bột tại cơ sở sản xuất, chuẩn bị tung ra thị trường. Ảnh: BCA

Để khắc phục lỗ hổng này có thể cân nhắc bốn hướng đi căn cơ:

Thứ nhất, thống nhất đầu mối quản lý an toàn thực phẩm – hoặc tối thiểu là thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả với trách nhiệm rõ ràng.

Thứ hai, chuyển từ quản lý thủ công sang quản trị thông minh, sử dụng dữ liệu lớn, truy xuất nguồn gốc, và công nghệ số để giám sát toàn chuỗi cung ứng.

Thứ ba, tăng chế tài và xử lý nghiêm minh, nhất là với những hành vi có tổ chức và mang tính nguy hiểm cao.

Thứ tư, khơi dậy trách nhiệm đạo đức trong kinh doanh, thông qua giáo dục, truyền thông và khuyến khích các chuẩn mực “thực phẩm có trách nhiệm”.

Nói cách khác, cần song hành giữa thể chế thông minh và văn hóa kinh doanh có trách nhiệm thì mới có thể thu hẹp được lỗ hổng trong quản lý an toàn thực phẩm.

Tự công bố sản phẩm mà không thể hậu kiểm, lỗ hổng nghiêm trọng

Trong vụ viêc có tới 305 sản phẩm sữa do doanh nghiệp tự công bố sản phẩm ở Hòa Bình, theo cơ quan chức năng, doanh nghiệp nộp hồ sơ tự công bố sản phẩm, được chứng nhận, nhưng sau đó không bán hàng ở địa phương nên không thể hậu kiểm. Đây là một lỗ hổng nghiêm trọng trong cơ chế hậu kiểm và quản lý nhà nước đối với các sản phẩm tự công bố – một mô hình vốn được thiết kế nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhưng lại đang bị lợi dụng để né tránh trách nhiệm pháp lý và kiểm soát chất lượng.

Về bản chất, tự công bố sản phẩm là cơ chế dựa trên sự tin cậy và trách nhiệm: Doanh nghiệp chủ động công khai thông tin, còn cơ quan nhà nước sẽ hậu kiểm nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm. Nhưng trong vụ việc này, niềm tin ấy đã bị lạm dụng, khi các doanh nghiệp dùng chiêu “đổi pháp nhân liên tục” và “nộp hồ sơ một nơi, bán hàng nơi khác” để thoát khỏi vòng giám sát.

Sữa giả bị lực lượng công an triệt phá. Ảnh: VTV.

Sữa giả bị lực lượng công an triệt phá. Ảnh: VTV.

Khi một địa phương như Hòa Bình cho rằng “không thể hậu kiểm vì doanh nghiệp không bán hàng tại địa phương”, thì rõ ràng đang có vấn đề ở cấp hệ thống, không chỉ ở một khâu thực thi. Theo tôi có 2 nhận định:

Thứ nhất, cơ chế hậu kiểm hiện nay thiếu liên thông và phân công rõ ràng giữa các địa phương, khiến có những “vùng xám quản lý” – nơi không ai thực sự chịu trách nhiệm giám sát.

Thứ hai, thiếu một cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung để theo dõi, kiểm tra chéo giữa các tỉnh, và phát hiện dấu hiệu bất thường như việc một doanh nghiệp liên tục đổi tên, đổi pháp nhân nhưng công bố hàng trăm sản phẩm chỉ trong thời gian ngắn.

Vì vậy, theo tôi cần khắc phục ngay bằng cách:

Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về sản phẩm tự công bố, kết nối từ trung ương tới địa phương, liên thông với dữ liệu đăng ký doanh nghiệp và hệ thống kiểm tra thị trường. Khi một doanh nghiệp thay đổi pháp nhân bất thường, hoặc đăng ký số lượng sản phẩm vượt ngưỡng hợp lý, hệ thống phải có cảnh báo sớm.

Xác lập rõ trách nhiệm hậu kiểm theo nơi tiêu thụ sản phẩm, thay vì nơi nộp hồ sơ. Một sản phẩm khi lưu hành ở đâu, thì cơ quan quản lý thị trường tại địa phương đó phải có thẩm quyền kiểm tra, xử lý, kể cả khi hồ sơ công bố ban đầu được nộp ở tỉnh khác.

Áp dụng chế tài nghiêm khắc với hành vi “đánh lận pháp nhân”, lợi dụng kẽ hở pháp lý để né kiểm tra. Cần xem đây là hành vi gian lận có tổ chức và xử lý không chỉ ở mức hành chính, mà cả hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Tự công bố sản phẩm là một bước tiến hướng tới môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi. Nhưng nếu không có hệ thống giám sát đủ thông minh, thì chính sách tốt cũng có thể bị biến thành công cụ cho vi phạm. Vụ việc lần này là một bài học sâu sắc, để chúng ta thiết kế lại hệ thống kiểm soát không dựa trên niềm tin mù quáng, mà dựa trên niềm tin có kiểm chứng.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vu-sua-gia-500-ty-dong-co-vung-xam-quan-ly-khong-ai-chiu-trach-nhiem-giam-sat-2394421.html
Zalo