'Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt'
Mùa 'gặt' không chỉ đơn thuần là thu hoạch lúa, mà đó còn là 'gặt' hái sự thành công sau chuỗi ngày dài chịu khó, nỗ lực, vất vả của những người nông dân chất phác…
Vượt khó làm giàu
Chúng tôi đến vùng lúa Tánh Linh vào đúng thời điểm thu hoạch rộ vụ đông xuân. Cánh đồng Suối Tum ở thôn 2, xã Bắc Ruộng như thảm lụa vàng dưới ánh nắng sớm. Nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa này là nhà anh Cáp Kim Thành, đang rộn ràng tiếng nói cười của nhiều nông dân. “Hôm nay chúng tôi đi tham quan mô hình lúa sản xuất VietGAP, sử dụng giống lúa mới của anh Thành để học tập cách tiết giảm chi phí sản xuất lúa sạch” - một nông dân nói trong tiếng cười. Rồi nhìn anh Thành nghiêm túc: "Phải học cách làm giàu của anh Thành mới được".

Anh Cáp Kim Thành (phải) trao đổi về năng suất lúa trong mô hình với lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh.
Anh Thành chia sẻ: “Hiện tại, gia đình trồng sầu riêng, xoài 3,5 ha và 11 ha trồng lúa nước, cùng với làm dịch vụ máy nông nghiệp, kinh doanh lúa giống xác nhận, rơm cuộn…”. Căn nhà cấp 4 của gia đình được xây dựng khá đơn giản, nhưng rộng rãi. Sau nhà là hàng chục cây sầu riêng đang mùa thu hoạch trái, ao nuôi cá. Phía trước ngõ, ngay mép chân ruộng lúa đang chín vàng là mấy dãy cây xoài cát đang chuẩn bị cho thu hoạch. Cơ ngơi ấy, dễ hiểu khi thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí của gia đình anh đạt gần 1 tỷ đồng/năm. Cùng với giải quyết việc làm mùa vụ cho 10 - 18 lao động địa phương, với mức lương dao động từ 9 - 14 triệu đồng/ tháng/người.

HTX DVNN Bắc Ruộng 1 canh tác lúa sạch, an toàn.
Đó là thành quả mà với người ở lứa tuổi 50 như anh là một quá trình. "Quê tôi ở xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng trị. Gia đình có truyền thống làm nông, sau khi theo bố mẹ vào lập nghiệp tại vùng đất Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh từ khi còn nhỏ, cuộc sống rất nhiều khó khăn, thiếu thốn". Từ năm 1996, khi mới ở tuổi 24 và sau khi lập gia đình được 1 năm, vợ chồng anh khai hoang đất khu vực Suối Tum, cách nhà 3 km. Vì đây là vùng đất đồi gò cao nên vừa khai hoang, vừa cải tạo chuyển đổi dần để trồng lúa... Có đất, vợ chồng vay vốn đầu tư trồng 2 vụ lúa xen 1 vụ bắp và đào 1 ha ao nuôi cá, nhưng thất bại và thua lỗ cả trăm triệu đồng nên anh đã chuyển qua trồng 3 vụ cây lúa…
Vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, và hiện tại anh Thành là Chủ tịch Hội Nông dân xã. Bởi thế, chị Tám – vợ anh vẫn là người quán xuyến mọi việc vào thời gian anh đi làm. Tối đến, hai vợ chồng lại mang theo đèn pin… đi thăm đồng, mở, tháo nước chăm sóc cho từng đám ruộng. Thành quả có được, ở vụ đông xuân năm nay, bình quân năng suất lúa đạt khoảng 85 tạ/ha, cá biệt một số ruộng lúa được chăm sóc tốt, đạt năng suất lên đến 92 tạ/ha.
Một lão nông ghé nói nhỏ với tôi: "Vợ chồng anh Thành còn là thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Bắc Ruộng 1 đạt chuẩn VietGAP. Chị Tám – vợ anh Thành còn tự mình lái máy cày khi cao điểm mùa vụ”.
Từ năm 2010 đến nay, anh đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Suốt mấy năm qua, gia đình anh cùng một số thành viên HTX áp dụng sản xuất giống lúa mới. Điển hình như năm nay chủ yếu giống OM 18 cho năng suất cao, kết hợp quy trình sản xuất sạch, cùng với một số thành viên tạo nên thương hiệu gạo Bắc Ruộng đang ngày càng được thị trường ưa chuộng.

Tham quan mô hình lúa tại Bắc Ruộng.
Mở đường tương lai cho thương hiệu gạo Tánh Linh
Tánh Linh là một trong những vựa lúa phía Nam của tỉnh. Ngay ở vụ đông xuân này, diện tích sản xuất lúa của huyện đã hơn 9.000 ha, năng suất bình quân 75 tạ/ha, sản lượng gần 69.000 tấn. Trong đó, tại xã Bắc Ruộng, việc đầu tư sản xuất lúa chất lượng cao đang được bà con chú trọng. Đơn cử ở vụ đông xuân 2025, xã Bắc Ruộng đã gieo trồng 1.300 ha, trong đó chủ yếu cây lúa với 1.100 ha.

Sản phẩm gạo sạch Bắc Ruộng đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Như lời đánh giá của ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, sở dĩ sản xuất lúa đông xuân ở huyện thành công, là nhờ nguồn nước phục vụ sản xuất khá thuận lợi. Thêm vào đó là sự quan tâm hỗ trợ mô hình khuyến nông tỉnh và nguồn vốn hỗ trợ đất lúa tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn chủng loại giống sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương...
Trở lại với sự thành công của hộ nông dân Cáp Kim Thành, khi gặp gỡ chúng tôi, anh vội “khoe” thành quả đạt được sau bao nỗ lực của gia đình anh và cả HTX Dịch vụ nông nghiệp Bắc Ruộng 1. Đó là “Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm” vừa được Chi cục Chất lượng nông sản và Phát triển nông thôn Bình Thuận trao vào trung tuần tháng 4/2025. Trước đó, trong năm 2023, Tổ hợp tác sản xuất lúa giống xác nhận xã Bắc Ruộng đã được trao giấy chứng nhận VietGAP, nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông. Anh Thành còn giới thiệu sản phẩm mang thương hiệu “Gạo sạch Bắc Ruộng” của HTX DVNN Bắc Ruộng 1 là sản phẩm OCOP 3 sao, đang từng ngày thay đổi mẫu mã, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch, an toàn của người tiêu dùng. Đó là loại gạo OM 18, ST25... có màu trắng đặc trưng cho từng giống, được đóng gói 5 kg, 10 kg. Điều tôi cảm nhận được khi từng thưởng thức thương hiệu gạo còn nguyên cám này là cơm chín dẻo, thơm ngon...
Dẫu biết để sản xuất sạch không hề dễ dàng. Nhưng gia đình anh và các thành viên trong HTX đều hướng đến mục đích tạo ra nông sản an toàn cho bản thân và người tiêu dùng. Đó cũng chính là lý do gia đình anh Thành là một trong số hộ dân tiên phong tham gia mô hình “sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương – Cánh đồng không dấu chân” với quy mô 10 ha tại xã trong vụ đông xuân 2025 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện. Mục tiêu hướng đến là hỗ trợ nông dân quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, tạo ra sản phẩm an toàn, giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất canh tác.
Lãnh đạo UBND huyện Tánh Linh khi đánh giá vụ đông xuân 2025, cũng nhìn nhận một số khó khăn trong sản xuất lúa trên địa bàn. Đó là tình trạng sạ dày của người dân vẫn còn, chưa thể khắc phục được, dẫn đến dễ xảy ra dịch bệnh và ảnh hưởng năng suất. Mặt khác, trong liên kết sản xuất còn gặp khó khăn do diện tích của người dân manh mún, nhỏ lẻ. Hơn thế, việc cung ứng các trang thiết bị máy móc như máy cấy, máy sạ hàng còn hạn chế phải liên hệ thuê ở các địa phương khác ở xa vận chuyển đến… Sau vụ đông xuân này, nông dân trong tỉnh, cùng với Tánh Linh đang chuẩn bị xuống giống cho vụ hè thu vào khoảng giữa tháng 5/2025 với nhiều giải pháp về cơ cấu giống, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, củng cố thủy nông... để có thêm một vụ mùa bội thu.
Sau chuyến đi Bắc Ruộng trở về không lâu, tôi lại nhận được cuộc hẹn gặp mặt của anh Cáp Kim Thành ngay ở Phan Thiết. Cuộc trò chuyện vội buổi sáng sớm khiến tôi càng khâm phục anh. Một người "tham công tiếc việc", lại chịu khó tham dự từ đầu đến cuối lớp tập huấn của Hội Nông dân Bình Thuận dành cho cán bộ nông dân toàn tỉnh. Từ chứng kiến gương sản xuất giỏi thực tế của gia đình anh, cùng với vai trò cán bộ Hội Nông dân xã mà anh đang đảm nhiệm, tôi vẫn luôn tin rằng, sắp tới sẽ có thêm nhiều nông dân ở Tánh Linh được tiếp cận thêm nhiều kiến thức, phương pháp sản xuất ứng dụng khoa học tiên tiến để tăng thu nhập, vươn lên làm giàu từ nông nghiệp. Họ cùng hướng đến sự bứt phá, gặt hái thành công, phát triển bền vững trên chính mảnh đất quê hương – vựa lúa phía Nam Bình Thuận - nơi “đồng lúa hẹn hò những mùa gặt”.
Ở mô hình sản xuất lúa VietGAP và tương đương, bà con được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như sạ cụm, phun thuốc bằng máy bay không người lái. Tại mô hình do anh Thành thực hiện, năng suất thực thu ở vụ đông xuân cao hơn 3,8 tạ/ha so với ngoài mô hình. Hơn thế, hiệu quả của bón lót phân hữu cơ sạ thưa giúp cây khỏe, phát triển tốt, do đó hạn chế bệnh hại nên giảm chi phí đầu tư...
Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết.