Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này
Dữ liệu sản xuất được công bố trong tuần này có thể cung cấp thông tin về tình hình các nền kinh tế lớn đang ứng phó với tình trạng gián đoạn thương mại.

Chỉ số sản xuất
Sau khi các dữ liệu sản xuất (PMI) tháng 4 đã chỉ ra sự chậm lại trong tăng trưởng toàn cầu xuống mức thấp nhất trong 17 tháng, dữ liệu PMI tháng 5 dự kiến sẽ cho thấy mức độ ảnh hưởng từ thuế quan vẫn tiếp tục sau nỗ lực sắp xếp lại hệ thống thương mại toàn cầu của Tổng thống Donald Trump.
Dữ liệu PMI của S&P Global được công bố vào thứ Năm (22/5) sẽ cung cấp thông tin ban đầu về hoạt động tại các nền kinh tế bao gồm Úc, Nhật Bản, khu vực đồng euro, Anh và Mỹ.
"Môi trường thương mại quốc tế rõ ràng vẫn còn rất bất ổn trong bối cảnh lo ngại về tác động của các mức thuế quan còn lại do Mỹ và Trung Quốc đặt ra, vốn được dự đoán rộng rãi sẽ làm giảm tăng trưởng toàn cầu và làm tăng lạm phát", các nhà kinh tế tại S&P Global cho biết.
Thuế quan
Câu chuyện hàng đầu trên thị trường vẫn là vấn đề liên quan tới căng thẳng thương mại. Tin tức về việc Mỹ tạm hoãn áp thuế quan trong 90 ngày với Trung Quốc đã khiến giá cổ phiếu tăng vọt vào tuần trước và thúc đẩy một số chiến lược gia Phố Wall lạc quan hơn về triển vọng đối với thị trường cổ phiếu.
Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ thiết lập mức thuế quan cho các đối tác thương mại trong vài tuần tới.
Tom Lee, giám đốc nghiên cứu của Fundstrat cho biết, nếu các thỏa thuận thuế quan sớm được công bố, cổ phiếu có thể phục hồi hơn nữa. Nhưng các chiến lược gia cũng lưu ý rằng hầu hết các mức thuế quan chỉ tạm dừng, với các cuộc đàm phán về các thỏa thuận thực tế vẫn đang diễn ra. Điều này khiến thị trường vẫn còn nhiều bất ổn về chính sách.
"Tôi cho rằng chúng ta vẫn cần phải thận trọng cho đến khi có được một thỏa thuận chắc chắn hơn, không chỉ với Trung Quốc mà còn với cả châu Âu. Và điều đó vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ", Victoria Fernandez, chiến lược gia thị trường trưởng của Crossmark Global Investments cho biết.
Phát biểu của các quan chức Fed
Một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ phát biểu trong tuần này, ngay sau khi Tổng thống Trump chỉ trích quyết định giữ nguyên lãi suất của ngân hàng trung ương trong cuộc họp chính sách gần đây nhất. Fed cho biết đang theo dõi tác động kinh tế của thuế quan khi xem xét dữ liệu sắp tới về lạm phát và thị trường lao động.
Bên cạnh đó, nhiều nhà kinh tế đã lập luận rằng tỷ lệ suy thoái đã giảm đáng kể trong tuần qua sau lệnh tạm dừng áp thuế quan mới nhất. Điều này trùng hợp với sự thay đổi trong kỳ vọng của thị trường đối với Fed trong năm nay.
Theo Công cụ FedWatch của CME, các nhà đầu tư kỳ vọng rằng đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào tháng 7. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy thị trường hiện chỉ định giá hai đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong cả năm, giảm so với ba đợt cắt giảm trong tuần trước.
Với dữ liệu mới hạn chế trong tuần này, trọng tâm sẽ chuyển sang các bài phát biểu theo lịch trình từ các quan chức Fed. Nhưng nhà kinh tế Aditya Bhave của Bank of America cho rằng các nhà đầu tư sẽ không nhận được nhiều thông tin mới về cách tiếp cận chờ đợi và quan sát của Fed.
"Chúng tôi không mong đợi một sự thay đổi lớn về thay đổi quan điểm từ những bài phát biểu của các quan chức Fed, hầu hết họ sẽ có thể sẽ nhấn mạnh vào sự kiên nhẫn, nêu bật sự không chắc chắn sắp tới và tầm quan trọng của việc xem xét tổng thể các chính sách, không chỉ thuế quan…Để cắt giảm, Fed sẽ cần thấy bằng chứng rõ ràng rằng thị trường lao động đã xấu đi đáng kể hoặc lạm phát đã bắt đầu giảm bớt sau tác động của thuế quan. Không có kết quả nào có vẻ sắp xảy ra", ông cho biết.
Hiện tại, việc Fed cắt giảm lãi suất bị hoãn lại đã không làm rung chuyển thị trường vì các nhà đầu tư đã đổ tiền vào các tài sản rủi ro trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng lạc quan hơn đối với nền kinh tế Mỹ.