Các hãng sản xuất ô tô tại Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới?
Kế hoạch áp thuế 25% lên ô tô nhập khẩu của chính quyền Donald Trump gây ra sự bất định lớn cho ngành ô tô và khó có thể thúc đẩy sản xuất trong nước trong ngắn hạn. Chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp và sự thiếu ổn định chính sách đang khiến các hãng xe Mỹ như Ford, GM và Stellantis gặp khó khăn trong việc ứng phó.
Theo Giáo sư John Paul MacDuffie - Giám đốc Chương trình Đổi mới về Phương tiện và Di chuyển của Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), kế hoạch áp thuế nhập khẩu ô tô của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang khiến các nhà sản xuất ô tô hoang mang và chính sách thuế này cũng không giúp mang lại những thay đổi nhanh chóng trong một ngành có chuỗi cung ứng phức tạp trải dài toàn cầu.
Mức thuế nhập khẩu 25% đối với ô tô sẽ bắt đầu được thực hiện từ ngày 2/4, tiếp nối mức thuế 25% áp dụng đối với thép và nhôm nhập khẩu từ tháng 3. Mục tiêu của các chính sách này là đưa hoạt động sản xuất trở lại Hoa Kỳ, nhưng theo Giáo sư MacDuffie, điều này khó có thể xảy ra trong thời gian ngắn.
Ông MacDuffie chia sẻ: “Nếu các hãng ô tô đưa ra quyết định về nguồn cung ứng linh kiện (chưa nói đến địa điểm xây dựng các nhà máy trong tương lai), họ cần một mức độ chắc chắn nhất định và khung thời gian phù hợp với tốc độ vận hành của ngành. Sự bất ổn hiện tại đang khiến toàn ngành bị tê liệt".
Ngành sản xuất ô tô đòi hỏi kế hoạch dài hạn với chuỗi cung ứng xuyên quốc gia. Các nhà sản xuất ô tô Mỹ hiện nhập khoảng 45% linh kiện từ Mexico và 10% từ Canada. Các hãng xe Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức có nhà máy tại Mỹ cũng phụ thuộc vào nguồn cung từ Canada và Mexico.

MacDuffie nhấn mạnh: “Tất cả các hãng sản xuất ô tô tại Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng bởi chính sách này, nhưng các hãng xe của Mỹ sẽ bị thiệt hại nhiều nhất, đặc biệt là các hãng như Ford, General Motors và Stellantis. Trong ngắn hạn, họ có thể đang phải tích trữ hàng tồn kho một cách khẩn trương để tránh bị ảnh hưởng chi phí ngay lập tức từ thuế quan".
MacDuffie chỉ ra rằng các thỏa thuận thương mại tự do điều chỉnh ngành công nghiệp ô tô đã tồn tại từ những năm 1990 và từng được điều chỉnh nhiều lần, tạo nên sự ổn định tương đối suốt ba thập kỷ qua. Sự ổn định đó đã thúc đẩy nhiều quyết định đầu tư giúp Bắc Mỹ hình thành một chuỗi cung ứng tích hợp và hiệu quả. Vì thế, chính sách mới như giáng một đòn mạnh phá vỡ toàn bộ cấu trúc đó.
Theo MacDuffie, sự bất ổn do quy định thuế quan mới tạo ra sẽ khiến các công ty trì hoãn các khoản đầu tư lớn và không sẵn sàng tái cấu trúc toàn bộ hoạt động bởi họ e ngại chỉ một quyết định của chính quyền mới lên thay cũng có thể đảo chiều tất cả. Tình trạng “nửa vời” xoay quanh thuế quan cũng làm thay đổi cách các nhà đầu tư đánh giá bối cảnh hiện nay. Nếu trước đây thuế được coi là một công cụ đàm phán ít khi dùng đến, thì giờ đây nó đã trở thành một mối đe dọa thực sự. Điều này khiến ngành công nghiệp không thể dự đoán trước được mức thuế tiếp theo là gì và chi phí ra sao.
Cuối cùng, Giáo sư kết luận rằng trong ngắn hạn, chính sách thuế này khó mà đạt được mục tiêu như đã đề ra. Sự bất ổn hiện nay đang đẩy các hãng xe vào tình thế khó xử. Họ không muốn công khai phản đối chính quyền nhưng đồng thời cũng không muốn bị đổ lỗi cho việc giá bán tăng lên.