Các hãng hàng không Trung Quốc 'tấn công' mạnh thị trường châu Âu

Do được bay qua không phận Nga, các hãng hàng không Trung Quốc đang chiếm ưu thế so với các hãng bay của châu Âu...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ba hãng hàng không quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc đang tích cực mở rộng mạng bay và công suất tại thị trường châu Âu, nhờ việc được bay qua không phận Nga, mang lại lợi thế về chi phí cho các hãng này so với các đối thủ trong khu vực - tờ báo Financial Times nhận xét.

Các hãng hàng không phương Tây đã cắt giảm các chuyến bay thẳng đến Trung Quốc, trong đó Scandinavian Airlines, Lufthansa, British Airways và Virgin Atlantic đều tạm dừng một số tuyến đến đại lục trong năm 2024, với lý do áp lực chi phí khi phải tránh không phận Nga.

Moscow đã cấm hầu hết các hãng hàng không châu Âu đi qua không phận Nga vào năm 2022 để đáp trả lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga sau khi xung đột quân sự Nga-Ukraine nổ ra. Lệnh cấm này kéo dài thời gian của các chuyến bay đến các điểm đến châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, và đẩy chi phí nhiên liệu lên cao hơn. Các hãng hàng không Trung Quốc, vốn không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm không phận của Nga, đã gấp rút lấp đầy khoảng trống, tăng công suất và cung cấp vé rẻ hơn dù liên tục báo lỗ.

TIẾN MẠNH VÀO THỊ TRƯỜNG CHÂU ÂU

Chuyên gia ngành hàng không David Yu tại Đại học New York Thượng Hải, nhận định: “Các hãng hàng không châu Âu không còn khả năng cạnh tranh”.

Theo nhà phân tích Jason Sum của công ty DBS, công suất ghế hành khách - được đo bằng số km ghế có sẵn (ASK - tính bằng số ghế sẵn có nhân với khoảng cách bay) - giữa Trung Quốc và Tây Âu của ba hãng hàng không liên lục địa chính của Trung Quốc gồm Air China, China Eastern và China Southern - trong tháng 10/2024 đã tăng 18% so với cùng tháng năm 2019.

Theo công ty tư vấn hàng không Ishka, các chuyến bay theo lịch trình của ba hãng nói trên đến Anh, Tây Ban Nha và Italy đã tăng mạnh, với mức tăng từ 25% đến 45% trong 9 tháng đầu năm 2024 so với năm 2019.

Các hãng này cũng có thể đưa ra mức giá vé cạnh tranh hơn nhờ lợi thế về chi phí do được bay qua không phận Nga. Theo nhà phân tích Eric Lin của UBS, giá vé của ba hãng hàng không lớn nói trên rẻ hơn khoảng 5% đến 35% so với giá vé của các hãng hàng không châu Âu đối với các chuyến bay thẳng khứ hồi giữa Trung Quốc và Tây Âu.

Các hãng hàng không châu Âu phàn nàn rằng các hãng hàng không Trung Quốc có lợi thế không công bằng và đang chiếm lĩnh các tuyến bay giữa hai khu vực.Trong khi đó, các hãng hàng không Mỹ đã vận động thành công Chính phủ nước này hạn chế chặt chẽ số lượng chuyến bay thẳng khứ hồi đến Trung Quốc để ngăn chặn sự xâm nhập sâu hơn từ các hãng hàng không lớn của Trung Quốc.

Trong một tuyên bố, hãng hàng không Đức Lufthansa cho rằng các hãng hàng không châu Âu đang “ở vị thế cạnh tranh cực kỳ bất bình đẳng với Trung Quốc” - nơi Lufthansa cho là các hãng bay được hưởng lợi từ chi phí thấp hơn và sự hỗ trợ lớn hơn của Chính phủ, cũng như việc được bay qua Nga.

“Việc Lufthansa hiện phải loại bỏ một trong những tuyến bay lâu đời nhất của mình, tuyến Frankfurt-Bắc Kinh, khỏi lịch bay của hãng cho thấy cán cân cạnh tranh quốc tế đang thay đổi đến mức nào”, tuyên bố có đoạn viết.

Trong các cuộc trò chuyện riêng tư, các nhà điều hành trong ngành hàng không phương Tây đã đặt ra mối nghi ngờ về lượng nhu cầu đối với các chuyến bay của các hãng hàng không Trung Quốc, trong đó có những ý kiến cho rằng nhu cầu đó đang ở mức gây thua lỗ. Giới phân tích cho rằng động cơ chính trị cũng đang giữ một vai trò, khi Bắc Kinh mở rộng kế hoạch miễn thị thực để thu hút khách du lịch quay trở lại.

“Nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, du lịch vẫn chưa trở lại hoàn toàn mức cũ và hoạt động kinh doanh vẫn đang phục hồi. Cần phải tăng cường kết nối để tăng dòng người đến Trung Quốc”, một nhà điều hành doanh nghiệp hàng không ở Trung Quốc nói.

Một số hãng hàng không phương Tây nói rằng nhu cầu đối với các chuyến bay ra khỏi Trung Quốc đang ở mức thấp, nhưng ngân hàng UBS cho biết nhu cầu của hành khách quốc tế đối với các hãng hàng không lớn của Trung Quốc đã đạt gần bằng mức trước đại dịch.

Các hãng bay lớn của Trung Quốc cũng đã tăng cường các chuyến bay thẳng đến Trung Đông trong những tháng gần đây trong bối cảnh hoạt động kinh doanh mở rộng giữa nền kinh tế lớn nhất châu Á và khu vực vùng Vịnh, cũng như mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc hơn giữa hai bên, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Saudi Arabia.

Theo Ishka, các chuyến bay theo lịch trình trong 9 tháng đầu năm 2024 của ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc đến Saudi Arabia đã tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2019, trong khi các chuyến bay đến Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tăng 40%.

THUA LỖ NỐI TIẾP THUA LỖ

Các nhà phân tích của Ishka nhận định ba hãng hàng không lớn đều có ý nghĩa rất quan trọng đối với Chính phủ Trung Quốc vì ngành hàng không “được coi là động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế”, đồng thời cho biết thêm rằng các hãng này đều được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp tuyến bay và quyền sở hữu nhà nước có nghĩa là các hãng này có sẵn trong tay cơ sở lớn vốn tín dụng.

Air China có trụ sở tại Bắc Kinh, China Eastern tại Thượng Hải và China Southern tại Quảng Châu ra đời vào những năm 1980 khi độc quyền hàng không nhà nước bị phá vỡ và ngành này trải qua một quá trình hợp nhất. Cả ba công ty đều có cổ phiếu niêm yết kép ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

Ba hãng hàng không Trung Quốc này đang tận dụng lợi thế về chi phí so với các đối thủ châu Âu, nhưng sự phục hồi kinh tế không đều của nước này sau đại dịch Covid-19 đồng nghĩa rằng nói chung ba hãng vẫn đang thua lỗ.

Trong khi các hãng hàng không hàng đầu ở châu Âu và các quốc gia châu Á khác đồng loạt báo lãi lớn trong năm 2023, ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc đã ghi nhận khoản lỗ tổng cộng 13,3 tỷ nhân dân tệ (1,8 tỷ USD). HSBC và DBS tin rằng Air China và China Eastern có thể tiếp tục báo lỗ vào năm 2024.

Các nhà phân tích cho biết các hãng hàng không lớn của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề do tiêu dùng chậm lại ở Trung Quốc cũng như sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các hãng hàng không giá rẻ trên các tuyến nội địa. Theo nhà cung cấp dữ liệu hàng không ForwardKeys, giá vé trong năm 2024 cho các chuyến bay khởi hành từ các sân bay Trung Quốc giảm hơn 20% so với năm 2023 đối với cả các chuyến bay nội địa và quốc tế.

Theo chuyên gia Sum của DBS, triển vọng của ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc sẽ tiếp tục ảm đạm trong năm 2025, do cạnh tranh tại thị trường trong nước sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên mức lợi nhuận tính trên mỗi hành khách, trong khi sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có thể dẫn tới suy giảm nhu cầu đi lại cao cấp.

Chuyên gia Lin tại UBS nhận định sự phục hồi chậm chạp của các chuyến bay đến thị trường quan trọng của ba hãng hàng không trên là Bắc Mỹ cũng sẽ làm tăng thêm áp lực suy giảm lợi nhuận. Theo UBS, Canada vào tháng 10 vừa qua mới dỡ bỏ hạn chế đối với các chuyến bay đến Trung Quốc, trong khi các chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ vào thời điểm đầu tháng 11 chỉ đạt khoảng 30% so với mức của năm 2019, so với mức hồi phục đạt hơn 90% đối với các chuyến bay giữa Trung Quốc và châu Âu.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cac-hang-hang-khong-trung-quoc-tan-cong-manh-thi-truong-chau-au.htm
Zalo