Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt quốc tế đối với Syria
Ngày 24/1, Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út Faisal bin Farhan đã có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Syria Ahmed Al-Sharaa ở Damascus, trong đó ông kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Syria.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Ngoại trưởng Faisal tới Syria kể từ khi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ vào tháng 12/2024. Tại đây, ông đã có các cuộc thảo luận với các quan chức hàng đầu trong chính quyền mới của Syria.
Trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo trên thực tế của Syria Al-Sharaa, hai bên tập trung thảo luận vấn đề "hỗ trợ an ninh, ổn định và thống nhất của Syria".
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ả-rập Xê-út nêu rõ: "Các cuộc thảo luận đã đề cập đến việc hỗ trợ các lĩnh vực chính trị, nhân đạo và kinh tế của Syria. Đồng thời, Ả-rập Xê-út kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Syria và cung cấp mọi hình thức hỗ trợ tài chính để giúp Syria khôi phục sự ổn định trên toàn bộ lãnh thổ và tái thiết các thể chế quốc gia".
Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Syria Asaad Hassan Al-Shaibani, ông Faisal nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh "dỡ bỏ và đóng băng tất cả các biện pháp trừng phạt" đối với Damascus.
Ông cũng cho biết Ả-rập Xê-út đang tích cực đối thoại với tất cả các quốc gia liên quan, bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời ghi nhận những tín hiệu tích cực từ các cuộc thảo luận này.
Trong nhiều tuần qua, chính quyền chuyển tiếp của Syria đã vận động các cường quốc phương Tây bãi bỏ các hạn chế nhằm vào chính quyền của cựu Tổng thống Al-Assad. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế vẫn do dự trong việc bãi bỏ các biện pháp này, với nhiều quốc gia bao gồm cả Mỹ cho biết đang chờ chính quyền mới của Syria thực thi quyền lực như thế nào trước khi đưa ra hành động.
Đầu tháng 1 này, Mỹ tuyên bố sẽ kéo dài thời hạn tạm hoãn lệnh trừng phạt đối với một số lĩnh vực của Syria trong 6 tháng tới để tạo điều kiện cho chính quyền, người dân Syria tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao của EU về ngoại giao và chính sách an ninh, bà Kaja Kallas, cho biết EU có thể bắt đầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt nếu chính quyền chuyển tiếp của Syria thực hiện các bước để thành lập một chính phủ bao trùm bảo vệ các nhóm thiểu số.
Trong diễn biến khác, ngày 24/1, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty và tân Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai nước để thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Trung Đông.
Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết nội dung này đã được hai bộ trưởng đưa ra trong một cuộc điện đàm trong khuôn khổ những hoạt động trao đổi liên tục giữa Cairo và chính quyền mới của Mỹ sau lễ nhậm chức gần đây của Tổng thống Donald Trump.
Tại điện đàm, hai Ngoại trưởng đã thảo luận cách thức tăng cường hợp tác, bao gồm duy trì đối thoại chiến lược thường xuyên giữa hai nước.
Liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, ông Abdelatty nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước đối với vấn đề Palestine. Về phần mình, ông Rubio hoan nghênh vai trò trung gian của Ai Cập ở Trung Đông nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza và tạo điều kiện trao đổi tù nhân và con tin, cũng như hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza.
Quan chức ngoại giao Mỹ tái khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước để thúc đẩy kế hoạch hậu xung đột nhằm quản lý và duy trì an ninh ở Gaza.
Liên quan đến vấn đề Syria, hai ngoại trưởng có chung quan điểm rằng cần phải ngăn chặn Syria bị lợi dụng làm căn cứ cho chủ nghĩa khủng bố hoặc gây ra mối đe dọa cho các nước láng giềng. Đề cập đến cuộc khủng hoảng ở Sudan, ông Abdelatty và ông Rubio kêu gọi gây sức ép buộc các bên tham chiến chấm dứt thù địch và mở rộng khả năng tiếp cận nhân đạo.
Hai bên cũng bàn về nhu cầu cấp thiết của Ai Cập đối với an ninh nguồn nước và tầm quan trọng của việc thúc đẩy giải pháp ngoại giao về sông Nile vì lợi ích của tất cả các bên.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)