Làn sóng chỉ trích tiếp tục diễn ra ở Iran nhằm chống lại dự án đầy triển vọng giữa Moskva và Tehran liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt qua Azerbaijan để trung chuyển khí đốt của Nga.
Tờ báo hàng đầu Iran Jahan-e Sanat đã đăng một bài viết có tựa đề “Vấn đề kỳ lạ với xuất khẩu khí đốt của Nga”, trong đó các nhà phân tích gọi dự án này là một trong những chương trình hợp tác bất lợi nhất đối với Cộng hòa Hồi giáo.
Trong bài đăng nói trên, các chuyên gia đặt câu hỏi tại sao một quốc gia có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới lại quyết định nhập khẩu khí đốt Nga thay vì tăng sản lượng và xuất khẩu sản phẩm của chính mình.
Tác giả bài báo đặt câu hỏi: “Chính quyền Iran có thừa nhận rằng khí đốt của chúng ta sẽ không bao giờ được khai thác từ biển và sa mạc để bán cho Ấn Độ hoặc các nước khác hay không”?
Giới nhà phân tích cũng gọi thỏa thuận này là vô lý và chỉ ra rằng nó có thể dẫn đến việc Iran phụ thuộc hơn nữa vào khí đốt của Nga để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Sự chỉ trích cũng liên quan đến nghĩa vụ đầu tư của Nga. Theo nhiều chuyên gia Iran, Tập đoàn Gazprom của Nga, thay vì đầu tư vào phát triển và hiện đại hóa ngành khí đốt của Iran, lại bị cáo buộc đang cố gắng hất cẳng Tehran khỏi thị trường năng lượng thế giới.
Những gì diễn ra làm gia tăng sự bất mãn, đặc biệt trong bối cảnh Cộng hòa Hồi giáo rất nỗ lực củng cố vị thế của mình trên thị trường năng lượng quốc tế.
Bên cạnh đó, ấn phẩm kinh tế do chính phủ kiểm soát Tejarat News cũng chỉ trích gay gắt thỏa thuận này. Các nhà báo gọi đó là bằng chứng cho thấy Iran phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Hơn nữa, bài báo nhấn mạnh rằng một thỏa thuận với Moskva có thể làm suy yếu vị thế của Tehran tại các thị trường trọng điểm, bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc - những nước quan tâm đến việc nhập khẩu khí đốt từ Iran.
Điều này cho thấy rõ mặc dù được xem là đồng minh thân thiết nhưng quan hệ giữa Nga và Iran có nhiều vướng mắc, từ khi “va chạm lợi ích” tại Syria cho đến thời điểm hiện nay.
Bạch Dương
Theo Jahan-e Sanat