Các doanh nghiệp châu Âu sẽ không bỏ Việt Nam lại phía sau

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam khẳng định, hiện chưa có doanh nghiệp nào nói rằng sẽ đóng cửa nhà máy vì thuế quan. Đồng thời khăng định, ông tin chắc rằng sẽ không có doanh nghiệp châu Âu nào bỏ lại Việt Nam phía sau.

Ngày 11/4, tại Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức tọa đàm đặc biệt “Trực diện thách thức- Hành động kịp thời”, nhằm phân tích những tác động của thuế quan Hoa Kỳ, mang đến góc nhìn rõ ràng, phối hợp chặt chẽ và quan điểm thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm

Doanh nghiệp cần tận dụng 90 ngày để có kế hoạch ứng phó

Chia sẻ tại tọa đàm, Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier cho biết, EU cảm thấy rất tiếc cho quyết định áp thuế của Hoa Kỳ cho các quốc gia. Điều này là không công bằng. Nó sẽ làm cho lạm phát tăng lên, tăng chi phí cho các doanh nghiệp.

Ông cho biết, EU sẽ cố gắng để tìm các cơ hội, giải pháp đàm phán với Hoa Kỳ, tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi của EU qua các biện pháp đối ứng và đối kháng, đẩy mạnh mối liên kết thương mại với các đối tác thông qua các FTA.

Dưới quan điểm của đơn vị tư vấn, ông Nguyễn Lương Hiền - Phó Tổng Giám đốc dịch vụ Tư vấn chiến lược - Tư vấn thương vụ (PwC Việt Nam) cho rằng, thuế quan đối ứng sẽ tác động nhiều hơn đến các công ty xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các DN xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, có thời gian tạm hoãn 90 ngày để đàm phán. Đây là khoảng dư địa thời gian để các DN lập kế hoạch hành động, tránh gián đoạn chuỗi cung ứng và thị trường.

“DN xuất khẩu cần tận dụng 90 ngày để sắp xếp lại kế hoạch và hệ thống để có thể đạt được những kỳ vọng. Còn đối với các công ty chỉ định hướng trong nước thì cũng cần dự đoán trước tăng trưởng và sức mua của người tiêu dùng để đề ra kế hoạch ứng phó” - ông Hiền nhấn mạnh.

Thông điệp cho Việt Nam

Nói lên quan điểm thực tiễn từ cộng đồng DN châu Âu, Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert cho biết, mặc dù thế giới đang trong bối cảnh rất xáo trộn về thương mại nhưng góc nhìn về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam của các DN châu Âu rất lạc quan. Các DN châu Âu đã xác định, trong kịch bản xấu nhất (Việt Nam bị áp thuế cao), thì 20% doanh thu của các DN sẽ bị “ném qua cửa sổ”. Rất nhiều DN đã áp dụng chiến lược phòng vệ.

Chủ tịch EuroCham - ông Bruno Jaspaert

Chủ tịch EuroCham - ông Bruno Jaspaert

Tuy nhiên, điều này sẽ không thể khiến các DN rút lui khỏi thị trường Việt Nam. “Một DN không phải là 1 cái ô tô, có thể rẽ trái , rẽ phải được ngay mà phải mất thời gian. Thời gian phản ứng của DN rất khác so với thời gian phản ứng thay đổi hàng ngày của Tổng thống Trump. Hiện chưa có DN nào nói rằng sẽ đóng cửa nhà máy. Tôi tin chắc rằng sẽ không có DN EU nào bỏ lại Việt Nam phía sau. Hầu hết các thành viên cho biết là đang chờ và xem xét” - ông Bruno nói.

Theo ông, chuỗi cung ứng không phải muốn chuyển là được mà phải có cơ sở về kinh tế. Tổng quan các thành viên EuroCham là lạc quan thận trọng. Nếu Việt Nam “chơi đúng bài” và các DN châu Âu đi nhanh thì hoàn toàn có cơ hội để phát triển.

Thậm chí, ông còn cho rằng, Việt Nam chắc chắn có khả năng trở thành nước có lợi thế trong vấn đề này, khi có tới 1/4 DN được hỏi tin rằng điều này sẽ mang lại cơ hội.

Thêm khẳng định cam kết với Việt Nam, Đại sứ Julien Guerrier nói: “EU là đối tác ổn định và chúng tôi muốn duy trì sự ổn định đó tại Việt Nam. Chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam cũng như rất nhiều các đối tác khác để có thể đảm bảo rằng hệ thống thương mại đa phương vẫn tiếp tục được thực hiện”.

Đại sứ cho biết, Các DN EU đã đầu tư tại Việt Nam không chỉ để xuất khẩu sang Hoa Kỳ mà để phục vụ thị trường Việt Nam, thị trường châu Á- Thái Bình Dương, thị trường EU.

Hoa Kỳ chỉ chiếm 13% tổng thương mại toàn thế giới, còn 87% ở các khu vực khác. Do đó, 2 năm tới, hai bên cần phối hợp với nhau để bù lại phần đã bị phá hủy.

“EU coi trọng Việt Nam. EU là một đối tác ổn định, đáng tin cậy mà Việt Nam cần. Chúng tôi sẽ không để Việt Nam thất vọng, các doanh nghiệp EU sẽ không để Việt Nam thất vọng. Chúng ta phải phối hợp để vì thịnh vượng chung và vì ổn định của hệ thống thương mại toàn cầu” - Đại sứ Julien Guerrier khẳng định.

Chủ tịch Eurocham cho biết: "Dù lĩnh vực xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng nhưng trong 3 năm tới Việt Nam vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng. Việt Nam là quốc gia có tính tự cường, khả năng chống chịu rất cao, có những giai đoạn còn tồi tệ hơn, Việt Nam vẫn vượt qua và phát triển được. Vì vậy, tôi rất tin tưởng rằng, tăng trưởng 8% của Việt Nam là rất khả quan và hoàn toàn có thể đạt được".

Thảo Miên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cac-doanh-nghiep-chau-au-se-khong-bo-viet-nam-lai-phia-sau-174384.html
Zalo