Các cơ sở ngoài công lập gặp khó khăn vì dịch Covid-19
Đến nay, học sinh các trường từ mầm non đến THCS trên địa bàn tỉnh đã nghỉ học được gần 2 tháng nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Trong khi các trường công lập, chính sách cho giáo viên vẫn đảm bảo thì ở các cơ sở giáo dục tư thục nguồn trả lương cho giáo viên đã bị giảm do không còn nguồn thu vì học sinh nghỉ học. Vì vậy, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang đối mặt với gánh nặng lớn về tài chính, đời sống giáo viên không đảm bảo.
Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Tuyên Quang), trường học tư thục bậc Tiểu học đầu tiên của tỉnh hiện nay đang phải đối mặt với khó khăn lớn về việc chi trả lương cho giáo viên. Trước đây, khi học sinh chưa nghỉ học, trung bình mỗi tháng trường chi trả cho tổng số cán bộ, giáo viên với số tiền hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, học sinh nghỉ học, không còn nguồn thu nên trường phải cân đối lại, việc trả lương giảm xuống chỉ còn khoảng 50%, một số ít giáo viên căn cứ vào hoạt động và hiệu quả công việc vẫn được trả 100% thu nhập. Bà Chu Thị Thành, Nhà đầu tư trường Tiểu học Lê Văn Tám cho biết, nếu việc nghỉ học diễn ra trong 2, 3 tháng thì có thể khắc phục được. Tuy nhiên nếu tình hình kéo dài hơn là rất khó khăn vì nguồn thu nhập chính của giáo viên lấy từ nguồn thu học phí của học sinh. Mong rằng Nhà nước và tỉnh có cơ chế hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục tư thục về lương và bảo hiểm xã hội cho giáo viên trong giai đoạn khó khăn này.
Giáo viên trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Tuyên Quang) vệ sinh trường,lớp học trong thời gian học sinh nghỉ học.
Trong thời gian nghỉ học, giáo viên trường Tiểu học Lê Văn Tám vẫn duy trì hoạt động chuyên môn, trong đó đẩy mạnh dạy học cho học sinh qua hình thức trực tuyến, qua internet và mạng xã hội.
Các cơ sở giáo dục tư thục mầm non cũng không nằm ngoài khó khăn chung về việc hỗ trợ tiền lương cho giáo viên trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch. Nói là nghỉ song thực tế, các thầy cô vẫn phải “bám lớp, bám trường” để vệ sinh khuôn viên trường lớp, tổ chức sinh hoạt nghiệp vụ… trong khi chế độ hỗ trợ đã không còn được như trước. Cô giáo Phạm Thị Lan ở xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang), dạy học tại trường Mầm non Hoa Hồng có hoàn cảnh rất khó khăn khi con cô mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị rất tốn kém. Từ ngày học sinh nghỉ học, nguồn thu nhập hàng tháng của cô giảm chỉ còn hơn 1 triệu đồng, cuộc sống gia đình cô Lan càng trở nên khó khăn hơn.
Chị Dương Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Trạng Nguyên ở thị trấn Sơn Dương bày tỏ, do không còn nguồn thu trong khi số tiền vay đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học vẫn còn nợ nhiều nên nhà trường đã có đơn đề nghị đơn vị cho vay hỗ trợ giảm lãi suất, giãn thời gian thu hồi nợ gốc.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 35 cơ sở giáo dục tiểu học, mầm non ngoài công lập, trong đó có 1 trường tiểu học, 4 trường mầm non và 30 nhóm trẻ. Sở đã chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 1/8/2019 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập. Từ đó, góp phần hỗ trợ một phần kinh phí trả lương cho giáo viên và kinh phí mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất.