Các chuyên gia đề xuất bốn trụ cột đột phá cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển toàn diện, tập trung vào phát triển doanh nghiệp tư nhân, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính, phát huy sức bật từ địa phương, bảo đảm sự ổn định xã hội.

Kinh tế tư nhân được đặt nhiều kỳ vọng bứt phá và phát triển, đưa kinh tế đất nước vững mạnh bước vào kỷ nguyên mới. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Trong bối cảnh toàn cầu đang vận động không ngừng với những chuyển dịch sâu rộng về kinh tế, công nghệ và địa chính trị, Việt Nam đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức lớn trên hành trình phát triển.
Các chuyên gia kinh tế nhận định để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và đạt hai con số trong thập kỷ tới, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện, tập trung vào bốn trụ cột then chốt là phát triển doanh nghiệp tư nhân, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính, phát huy sức bật từ địa phương và bảo đảm sự ổn định xã hội.
Phát huy động lực tăng trưởng
Một trong những trọng tâm được nhấn mạnh là vai trò của doanh nghiệp tư nhân - lực lượng xung kích trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tiến sỹ Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng khu vực doanh nghiệp tư nhân hiện đóng góp hơn 51% GDP và 82% việc làm của cả nước nhưng vẫn đối mặt với nhiều rào cản về quy mô nhỏ, năng suất thấp, thiếu liên kết chuỗi và khó tiếp cận các nguồn lực đất đai, vốn và nhân lực.
Trước thực tế đó, Tiến sỹ Đậu Anh Tuấn đề xuất sáu nhóm giải pháp đột phá, trong đó nhấn mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ triệt để tình trạng chồng chéo pháp luật, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, phát triển quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và các sàn chứng khoán riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được coi là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Liên quan đến vấn đề nguồn lực tài chính phục vụ tăng trưởng, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, chỉ rõ để đạt mức tăng trưởng cao, Việt Nam cần huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính tương đương 38% GDP giai đoạn 2026-2045, tức khoảng 240-245 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, khu vực tư nhân và các nguồn lực khác cần đóng góp khoảng 65%.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế tài chính, phát triển mạnh mẽ thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu, đồng thời thúc đẩy các hình thức tài chính xanh, tài chính số và ứng dụng công nghệ mới vào lĩnh vực tài chính.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng cho rằng, vai trò của việc kiểm soát rủi ro tài chính, nâng cao chất lượng tín dụng và cải thiện hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm tài chính và khuyến khích tiết kiệm nội địa cũng là những yếu tố then chốt.

Sản xuất ngành dệt may xuất khẩu sang châu Âu. (Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN)
Khai thác sức bật địa phương
Từ góc độ địa phương, ông Trần Duy Đông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, hướng tới 10-11% những năm tiếp theo.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng sáu nhóm giải pháp trọng tâm, bao gồm rà soát và huy động tối đa nguồn lực, tập trung cho các ngành kinh tế động lực như công nghiệp công nghệ cao, logistics và dịch vụ. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ nhanh các vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, giao thông kết nối.
Song song với đó, tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo lao động kỹ thuật phục vụ cho các ngành nghề mới nổi. Trước các biến động kinh tế toàn cầu, tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường xuất khẩu và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh yếu tố kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Chiện, Tổng Biên tập Tạp chí Xã hội học Việt Nam, phân tích quá trình tăng trưởng kinh tế cao nếu không đi kèm các giải pháp xã hội đồng bộ sẽ dẫn tới gia tăng bất bình đẳng, phân hóa xã hội, thất nghiệp và các vấn đề về an ninh trật tự.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Đức Chiện, cần xây dựng chiến lược phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội, thúc đẩy phát triển nông thôn bền vững, tăng cường an sinh xã hội và kiểm soát các rủi ro xã hội. Ngoài ra, việc phát triển đồng bộ hệ thống giáo dục, y tế, văn hóa, tạo điều kiện để mọi tầng lớp dân cư được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng cũng được coi là những yếu tố thiết yếu.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới, Việt Nam cần tập trung xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ giữa cải cách thể chế, phát triển doanh nghiệp tư nhân, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính, phát huy sức bật từ địa phương và bảo đảm ổn định xã hội.
Việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh sẽ là những yếu tố quan trọng hỗ trợ quá trình phát triển. Với cách tiếp cận đồng bộ, chủ động và linh hoạt, Việt Nam có cơ sở vững chắc để bứt phá mạnh mẽ, hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và thịnh vượng trong những thập kỷ tới./.