Các chính sách giáo dục có tác động lớn trong năm 2024
Năm 2024, ngành giáo dục có nhiều điều chỉnh liên quan đến chính sách, tác động lớn tới người dạy và người học. Trong đó, các vấn đề nổi cộm như: Dự thảo Luật nhà giáo, điều chỉnh phương án tuyển sinh lớp 10; không cấm dạy thêm, học thêm, bỏ thi thăng hạng giáo viên…
Dự thảo Luật Nhà giáo
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trình bày trước Quốc hội nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo với nhiều nhóm chính sách thúc đẩy sự phát triển lực lượng nhà giáo.
Trong đó, chính sách tiền lương và đãi ngộ có đề cập gồm: lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; có chế độ ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác đối với nhà giáo cấp học mầm non.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng có nội dung giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Chính sách tuyển dụng, sử dụng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Quy định việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.
Cũng với dự thảo này, lần đầu tiên xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập nhằm giúp “lấp đầy” khoảng trống về pháp lý với nhà giáo ngoài công lập khi Luật Viên chức chỉ có chế tài với “người Việt Nam được tuyển dụng và làm việc trong cơ sở giáo dục công lập”.
Bỏ thi thăng hạng giáo viên
Theo quy định mới, từ ngày 15/12, giáo viên sẽ không còn phải thi thăng hạng chứng danh nghề nghiệp. Thay vào đó, có thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện để xét thăng hạng cho giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học. Quy định mới là căn cứ pháp lý quan trọng để địa phương tiếp tục triển khai việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ nhà giáo. Đây là chính sách được các nhà giáo ủng hộ vì trước đây, giáo viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn phải trải qua kỳ thi thăng hạng. Tuy nhiên việc thi thăng hạng được cho là hình thức, không phản ánh được việc cần thiết nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Đề xuất quay vòng môn thi thứ 3 vào lớp 10
Năm 2024, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, trong đó tiếp tục lấy ý kiến về việc thi lớp 10 THPT theo chương trình mới với 3 bài thi, trong đó môn thi thứ ba thay đổi qua các năm.
Năm học này là năm đầu tiên, học sinh lớp 9 xét và thi tuyển lên lớp 10 theo chương trình GDPT 2018. Do đó, để các địa phương có được định hướng, thống nhất trong việc đưa ra phương án thi, Bộ GD&ĐT dự thảo quy chế với những quy định chung. Cụ thể, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT chưa chốt phương án cuối cùng tuy nhiên dự thảo đã gây ra nhiều tranh cãi. Bởi một số người cho rằng, môn thi thứ 3 nên là môn ngoại ngữ thay vì các môn học khác. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến ủng hộ quan điểm, môn thi thứ 3 là môn bất kỳ nhằm đảm bảo nội dung giáo dục toàn diện cho học sinh bậc THCS.
Thay đổi phương án thi tốt nghiệp THPT với loạt điểm mới
Năm 2024 cũng là năm Bộ GD&ĐT đưa ra phương án thi Tốt nghiệp THPT từ 2025 theo chương trình mới. So với trước đây, phương án thi mới, học sinh sẽ chỉ thi 4 môn gồm Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn, giảm 2 môn và 1 buổi thi. Chưa kể, ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi này.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng có điểm khác biệt nữa là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước. Đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Theo đó sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.
Riêng môn Ngữ văn có sự thay đổi lớn đó là đề thi sẽ không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để thi, chấm dứt việc đồn đoán đề trước kỳ thi như những năm qua. Bộ GD&ĐT cũng tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50% để đánh giá sát hơn về năng lực người học theo Chương trình GDPT 2018.
Trao quyền chọn sách giáo khoa cho giáo viên
Sau nhiều lần thay đổi, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh Thông tư quy định, từ ngày 12/2, các cơ sở giáo dục, giáo viên được chọn sách giáo khoa thay vì trước đây, quyền chọn sách giao cho Hội đồng của UBND tỉnh. Các nhà trường được phép chủ động chọn các đầu sách trong danh mục sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Quy định này được sự ủng hộ của các giáo viên, nhà trường cũng như xã hội vì xóa bỏ nghi ngại các nhà xuất bản có thể “đi đêm” với Hội đồng lựa chọn sách của địa phương.
Không cấm dạy thêm học thêm
Sau nhiều ồn ào, năm qua, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo về dạy thêm học thêm trong đó quy định nhiều nội dung mới như: Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; giáo viên công lập được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khóa.
Tuy nhiên phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học thêm; Hiệu trưởng, hiệu phó cũng được dạy thêm ở ngoài nhà trường; Yêu cầu giáo viên dạy thêm ở ngoài không sử dụng ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Nhiều địa phương miễn, giảm học phí
Ngoài chính sách miễn học phí cho học sinh tiểu học, năm qua, nhiều địa phương miễn học phí từ 50% -100% cho học sinh từ mầm non đến lớp 12 ở các trường công lập. Cụ thể, các địa phương hiện đang miễn, giảm học phí cho học sinh như: Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Nam…
Chính sách kể trên giúp giảm áp lực kinh tế cho người dân khi có con ở độ tuổi đến trường.