Cà tím chữa bệnh gì?
Cà tím là một loại thực phẩm có mặt gần như thường xuyên trong các bữa ăn của người Việt Nam, tuy vậy không phải ai cũng biết đến những lợi ích vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của cà tím, ngoài làm thực phẩm cà tím còn là một vị thuốc nam được nhân dân tin dùng để chữa nhiều loại bệnh.
Cà tím còn có tên nuy qua (hán Việt), cà nâu hay cà dái dê… Tên khoa học là Solaum melongena L, thuộc họ cà (Solanaceae), cùng họ với một số loại thực phẩm như cà chua, khoai tây...
1. Đặc điểm sinh học của cà tím
Cà tím là cây một năm, thân cây thường có gai. Cây cà tím ưa nhiệt, cao 50 -150cm, lá phiến rộng, mặt dưới có lông tơ bao phủ. Hoa có màu trắng hoặc tím nhạt, nhị hoa vàng. Quả mọng, mọc đơn lẻ, hình thuôn dài từ 15 - 23cm, đường kính quả khoảng 4 - 5cm hoặc lớn hơn tùy giống cà. Vỏ quả mỏng có màu tím, bên trong có hạt nhỏ, là loại quả mọng chứa nhiều cùi thịt màu trắng hoặc hơi vàng, vỏ màu tím đậm hoặc màu trắng.
Bộ phận dùng làm thức ăn và thuốc là khi quả đã trưởng thành.

Cà tím được sử dụng trong các bài thuốc điều trị chứng nhiệt, giải độc, tiểu ra máu…
2. Giá trị dinh dưỡng của cà tím
BSCK2. Trần Ngọc Quế, Chủ tịch Hội Đông y Quảng Bình cho biết, trong cà tím chứa nhiều nước, nhiều chất chống oxy hóa, hàm lượng calo thấp, khá thích hợp trong chế độ ăn của người muốn giảm cân.
Trong 100g cà tím cung cấp khoảng 35 kcal, nhưng giàu các chất dinh dưỡng khác như chất xơ, chất béo, protein, các nguyên tố vi lượng như canxi, magie, sắt, photpho, kali, natri, kẽm, mangan, đồng, vitamin C, K, B6, B1, B2, niacin, pantothenic acid, folate, lutein và zeaxanthin, vitamin K...
3. Ứng dụng cà tím trong chữa bệnh
Cà tím là một loại rau phổ biến được biết đến với màu tím đậm, giàu dinh dưỡng. Do đó, ngoài tính linh hoạt trong ẩm thực, cà tím còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và chữa bệnh.
Theo y học cổ truyền, cà tím có tính hàn (lạnh), vị ngọt, không độc (lành tính). Về công dụng của cà tím, BSCK2 Trần Ngọc Quế cho biết, cà tím có tác dụng dụng lợi tiểu, thanh can giáng hỏa, nhuận tràng, hóa đàm, chỉ huyết, thanh nhiệt, giải độc.
Cà tím được sử dụng trong các bài thuốc điều trị: Chứng nhiệt, giải độc, tiểu ra máu, viêm phế quản cấp, đại tiện táo kết, tiêu thực, tan ứ, giảm mỡ, hạ huyết áp… mang lại hiệu quả cao.
Trong hệ thống y học Ayurveda cổ đại của Ấn Độ, cà tím được sử dụng để giúp kiểm soát bệnh tiểu đường, trong khi rễ của cây đôi khi được sử dụng để làm giảm các triệu chứng hen suyễn. Những cách sử dụng truyền thống này cho thấy cà tím từ lâu đã được coi trọng không chỉ như một loại thực phẩm mà còn vì những lợi ích tiềm năng cho sức khỏe.
4. Cách chế biến và bảo quản cà tím
Trước khi nấu cà tím: Rửa sạch và cắt bỏ hai đầu. Vỏ quả có thể ăn được, nhưng nếu thấy quá dai, có thể lột vỏ.
Cà tím có thể có vị hơi đắng: Để giảm vị đắng, rắc muối lên các miếng cắt và để yên trong khoảng 30 phút. Muối giúp loại bỏ nước đắng và cũng ngăn cà tím ngấm quá nhiều dầu khi nấu. Sau đó hãy rửa sạch muối trước khi nấu.
Cà tím rất đa năng: Bạn có thể nướng, hấp hoặc xào… rất phù hợp với các món ăn như cà ri và súp. Nếu bạn muốn nướng cả quả cà tím, hãy dùng nĩa đâm vài lần vào vỏ, nướng trong khoảng 30 phút, sau đó múc phần mềm bên trong ra để nhồi hoặc nghiền vào súp, món hầm hoặc nước chấm.
Chỉ nên cắt cà tím trước khi đã sẵn sàng nấu, vì cà tím sẽ nhanh hỏng sau khi cắt. Bảo quản cà tím nguyên quả trong tủ lạnh, chúng sẽ tươi trong tối đa một tuần.