Cà phê: Ngôi sao sáng của xuất khẩu nông sản Việt Nam
Cà phê đã trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tại Việt Nam và ngày càng khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cà phê đã trở thành một trong số cây công nghiệp chủ lực tại Việt Nam. Tính đến tháng 10/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt gần 27,5 tỉ USD, trong đó xuất khẩu cà phê chiếm 4,5 tỉ USD, tương đương 1/6 tổng kim ngạch. Điều này đã khẳng định vị thế quan trọng của cà phê như một mặt hàng chiến lược, không chỉ đối với ngành nông sản mà còn với nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Câu chuyện cà phê Việt Nam đã phá hàng loạt kỷ lục mới, đưa Việt Nam lên vị trí "cầm cán" trên thị trường cà phê toàn cầu sẽ được giải mã qua 4 yếu tố: thị trường, chính sách, chính trị, sản xuất.
Niên vụ "thần kỳ" của cà phê Việt Nam
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, niên vụ 2023 - 2024 (từ tháng 10 năm 2023 đến tháng 9 năm 2024) ghi nhận một bước tiến vượt bậc của ngành cà phê Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 5,43 tỉ USD, mức cao nhất trong lịch sử. So với niên vụ 2022 - 2023, khi Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,66 triệu tấn cà phê với kim ngạch 4,08 tỉ USD, niên vụ này ghi nhận sự sụt giảm nhẹ về khối lượng (1,45 triệu tấn) nhưng giá trị lại tăng mạnh.
Đây là sự tăng trưởng ấn tượng, tương đương mức tăng hơn 33%. Những con số này là minh chứng cho sự chuyển dịch từ sản xuất số lượng lớn sang tập trung vào chất lượng cao và giá trị gia tăng. Đây là hướng đi phù hợp để Việt Nam khẳng định vị thế và thương hiệu của cà phê Việt Nam trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu.
Nguồn dữ liệu: Nguồn: Tổng cục Thống kê, Hiệp hội Cà phê - Cacao
Việt Nam (Vicofa)
Đặc biệt, năm 2024 được coi là năm thuận lợi cho ngành cà phê khi giá cà phê Việt Nam lần đầu tiên cao nhất thế giới. Giá cà phê trung bình trong 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt mức 4.243 USD/tấn, cao hơn nhiều so với các năm trước. Riêng trong tháng 9/2024, giá cà phê cán mốc kỷ lục 5.469 USD/tấn.
Nguồn dữ liệu: Tổng cục Thống kê
Vì sao giá cà phê tăng "phi mã", lập kỷ lục cao nhất lịch sử?
Mức giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt kỷ lục vào năm 2024 có thể được lý giải qua một số yếu tố quan trọng. Trước hết là về yếu tố thị trường, khi nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu tiếp tục tăng mạnh, nhưng nguồn cung cà phê Robusta - dòng cà phê chủ đạo mà Việt Nam xuất khẩu lại có xu hướng giảm.
Yếu tố thị trường ảnh hưởng đến mức giá xuất khẩu cà phê Việt Nam. Biên tập video: Mỹ Hạnh, Lệ Thanh
Sự mất cân đối giữa nhu cầu và cung cấp này đã đẩy giá cà phê Robusta lên cao, tạo cơ hội cho Việt Nam - quốc gia chiếm đến 40% sản lượng cà phê Robusta toàn cầu - gia tăng giá trị xuất khẩu.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, Ban, ngành trong công tác nâng cao năng lực chế biến, mở rộng thị trường, tổ chức lại xuất khẩu, các mô hình hợp tác… đã góp phần quan trọng giúp cho cà phê trở thành ngành hàng nông sản chủ lực, có diện tích được chứng nhận lớn nhất hiện nay.
Không những vậy, cà phê hiện là 1 trong 2 ngành nông sản khá toàn diện khi có hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột…, các viện nghiên cứu chuyên ngành, ban điều phối, các doanh nghiệp xuyên quốc gia và các tổ chức quốc tế hỗ trợ, đầu tư.
Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê. Đây là lợi thế vô cùng lớn, giúp Việt Nam không chỉ là trung tâm trồng trọt mà còn có thể là trung tâm sản xuất cà phê của thế giới. Nhờ ưu đãi về thuế quan đối với cà phê chế biến - từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư vào các hoạt động chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nói riêng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nói chung.
Trả lời truyền thông, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, nguyên nhân khác khiến giá xuất khẩu cà phê tăng cao được cho là do căng thẳng chính trị trên thế giới đã đẩy chi phí vận chuyển tăng cao khi hàng hóa phải vận chuyển đường vòng. Cuộc khủng hoảng địa chính trị tại Trung Đông giữa Israel và Hamas đã chọc phá bằng nhiều cú tấn công tàu chở hàng từ các nước cung cấp nguyên liệu trên vùng Biển Đỏ.
Điều này đã và đang làm gián đoạn khoảng 10% khối lượng thương mại đường biển toàn cầu, bao gồm các mặt hàng quan trọng như ngũ cốc, cà phê và dầu thô. Các hãng tàu biển không còn cách nào khác là phải điều sang hướng khác với hải trình dài và đắt đỏ hơn, cộng với giá dầu thô lên trên 80 đô la/thùng, đẩy chi phí vận tải tăng, làm trầm trọng thêm giá cả hàng hóa và lạm phát. Trong khi đó, hơn 50% sản lượng cà phê của Việt Nam được xuất khẩu sang châu Âu.
Để đạt mức giá xuất khẩu kỷ lục, bên cạnh các yếu tố về thị trường, vấn đề chính trị, chính sách nhà nước và các hiệp định thương mại, cà phê Việt Nam còn sở hữu nhiều điều kiện sẵn có để phát triển giống cây này. Theo anh Trần Hòa Bình - nhà sáng lập C.O.C Legacy Specialty Coffee, đồng thời là chủ xưởng rang, phân phối cà phê tại khu vực Hà Nội cho biết: "Khí hậu Việt Nam rất phù hợp để trồng cà phê, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên vì vị trí địa lý nằm gần đường xích đạo. Vùng thấp ở Việt Nam sẽ phù hợp để trồng Robusta và vùng cao phù hợp với Arabica. Song, sản lượng trồng và xuất khẩu chủ yếu của nước ta hiện nay là Robusta. Giai đoạn gần đây, khi giá cà phê tăng cao, nhiều vùng cũng có xu hướng trồng lại giống cây này.
Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu để chiết xuất caffeine. Khi tiến xa ra thị trường quốc tế, các nước đều có các tiêu chuẩn về chất lượng khác nhau, tùy vào thị trường mục tiêu để chúng ta cân nhắc các chứng chỉ phù hợp. Có một số thị trường chính bắt buộc yêu cầu các tiêu chuẩn riêng như Mỹ với USDA hay Châu Âu với EUDR".
Với những yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính nhất trên thế giới, chất lượng cà phê Tây Nguyên đã khẳng định được vị thế của mình khi được quốc tế công nhận qua hàng loạt chứng nhận danh giá như: 4C, Rainforest, UTZ (nay là Rainforest Alliance), VietGAP,... Đây là minh chứng rõ nét khẳng định vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường, cam kết mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường và có trách nhiệm với xã hội. Không những vậy, Tây Nguyên có nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm, tạo nên nền tảng vững chắc cho cà phê.
Cà phê Việt Nam - Triển vọng xuất khẩu sau giai đoạn đỉnh cao
Ông Nguyễn Quang Bình - Chuyên gia nghiên cứu thị trường cà phê dự đoán: "Xu hướng xuất khẩu cà phê Việt Nam trong những năm tới sẽ giữ vững ở mức 1,6 triệu bao/năm. Tuy nhiên, giá cà phê trên thị trường xuất khẩu dự báo sẽ giảm, không duy trì được mức cao như những tháng đầu năm 2024, khi các nước tăng cường cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu."
Theo chuyên gia, để giữ vững thành tích xuất khẩu 5,43 tỉ USD như hiện nay và hướng đến những kỷ lục mới, Nhà nước, Bộ Nông nghiệp, Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam cùng các nhà vườn cần đồng lòng đặt ra lộ trình nâng tỉ lệ cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản từ 1–2% hiện tại lên 20%. Trong khi Brazil đã đạt con số này, Việt Nam dù có điều kiện thuận lợi vẫn chưa tận dụng tốt. Vì vậy, vị thế xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang bị đe dọa bởi Brazil – đối thủ mạnh trong lĩnh vực cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản.
Chuyên gia nhận định điều này không phải do thiếu trình độ mà nằm ở chính sách và cách làm. Thế giới ngày càng đòi hỏi các sản phẩm cà phê đạt chuẩn cao hơn, trong khi Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu cà phê tiêu chuẩn cơ bản. Các thương hiệu cà phê Việt Nam chỉ có thể được xây dựng khi chúng ta sản xuất ra những hạt cà phê chất lượng cao, có đặc trưng riêng, được các nhà rang xay tâm huyết đưa ra thị trường quốc tế với giá trị cao gấp nhiều lần so với giá thông thường. Vì vậy, ngành cà phê Việt Nam cần xây dựng nền sản xuất bền vững, tập trung cải thiện chất lượng để đáp ứng yêu cầu của từng thị trường. Đây sẽ là yếu tố quyết định giúp Việt Nam giữ vững, nâng cao vị thế và mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế.