Kỳ vọng xuất khẩu cà phê đạt hơn 5,5 tỷ USD
Với diễn biến thị trường như hiện nay, xuất khẩu cà phê có thể đạt hơn 5,5 tỷ USD - con số cao nhất từ trước tới nay, kể từ khi ngành hàng này tham gia thị trường cà phê thế giới.
Năm 2024 được đánh dấu là năm thành công của ngành hàng cà phê. Theo Bộ NN&PTNT, với diễn biến thị trường như hiện nay, xuất khẩu cà phê có thể đạt hơn 5,5 tỷ USD - con số cao nhất từ trước tới nay, kể từ khi ngành hàng này tham gia thị trường cà phê thế giới. Đáng chú ý, ngoài tăng về giá trị, cà phê Việt Nam cũng được “định vị” uy tín trên trường quốc tế.
Giá xuất khẩu lập kỷ lục
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, những ngày đầu tháng 12-2024, giá cà phê tăng trên 2 sàn giao dịch của thế giới. Cụ thể, ngày 2-12, trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 11-2024 tăng 666 USD/tấn so với tuần trước, ở mức 5.471 USD/tấn; giao tháng 1-2025 tăng 693 USD/tấn so với tuần trước, ở mức 5.439 USD/tấn. Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2024 tăng 25,10 cent/lb so với tuần trước, ở mức 321,85 cent/lb; giao tháng 3/2025 tăng 23,70 cent/lb so với tuần trước, ở mức 319,35 cent/lb.
Ghi nhận tại thị trường thế giới trong ngày 3-12, giá cà phê có giảm chút so với ngày trước đó, song vẫn ghi nhận cao. Đáng chú ý, tại thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô thu mua tại các vườn ở Tây Nguyên đạt mốc kỷ lục, gần 130.000 đồng/kg (tăng 13.000 đồng/kg so với ngày 24/11/2024). Cụ thể, giá cà phê tại Đắk Nông cao nhất với 129.500 đồng/kg; tại Đắk Lắk và Gia Lai 129.000 đồng/kg và tại Lâm Đồng 128.500 đồng/kg.
Phân tích về giá cà phê trên thế giới và trong nước hiện nay, các chuyên gia cho rằng, giá cà phê tăng mạnh là do nguồn cung ngày một hạn chế, nhu cầu ngày một cao. Một số quốc gia xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, như Việt Nam, Brazil… bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương thông tin, niên vụ cà phê 2023-2024 chứng kiến giá cà phê hạt đạt kỷ lục, giá tăng đột biến, bình quân khoảng 100.000 đồng/kg, có thời điểm đạt mức 135.000 đồng/kg. Đây là giá cao nhất từ trước đến nay, cao hơn 82% so với niên vụ trước và gần gấp 3 lần so với các năm trước đây. Nhờ được giá, nên kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk trong niên vụ 2023-2024 đạt 915 triệu USD, tăng 168 triệu USD so với niên vụ trước, chiếm tỷ trọng 17% so với cả nước.
Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên cũng diễn biến tương tự như tại Đắk Lắk, dù đang vào vụ thu hoạch chính cà phê tại các tỉnh này. Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Đỗ Hà Nam cho biết, theo quy luật, vào chính vụ thu hoạch cà phê, giá cà phê sẽ giảm do nguồn cung tăng. Tuy nhiên, sự khan hiến cà phê do tụt giảm sản lượng, khiến giá cà phê cả trong nước và trên thế giới đều tăng. Đây là tín hiệu tốt, nhưng ngành hàng này vẫn cần một chiến lược phát triển rõ ràng, có lộ trình, trong đó chất lượng và chế biến là giải pháp có tính cốt lõi.
Giảm sản lượng, nhưng vẫn duy trì tăng trưởng
Cà phê Việt Nam đã và đang khẳng định chỗ đứng trên thị trường thế giới. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Việt Nam xuất khẩu cà phê đến hơn 80 quốc gia; trong đó có 10 thị trường đạt kim ngạch hơn 100 triệu USD. Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024, với trị giá 2 tỷ USD, tăng 41% so với niên vụ trước, chiếm 38% về lượng và 37% về kim ngạch trong xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Về phân khúc thị trường cà phê thế giới, Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 về sản lượng xuất khẩu, sau Brazil và ngày càng được thế giới biết đến, công nhận. Năm 2024, ngành hàng cà phê kỳ vọng đạt mốc giá trị xuất khẩu hơn 5,5 tỷ USD.
Song, chất lượng vẫn là vấn đề ngành hàng cà phê cần chú trọng để bước đi dài và bền vững. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương thẳng thắn nhìn nhận, dù là tỉnh trồng, xuất khẩu cà phê lớn, nhưng cà phê xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk chủ yếu vẫn là cà phê nhân (sản phẩm thô), tỷ trọng cà phê qua chế biến xuất khẩu hằng năm chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để ngành hàng cà phê phát triển bền vững, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương trồng cà phê trọng điểm rà soát các vùng trồng, tập trung cải tạo và quy hoạch vùng trồng ổn định. Nhân rộng các giống cà phê mới, năng suất, chất lượng cao. “Quan điểm là ổn định diện tích trồng cà phê hiện có, rà soát lại diện tích không phù hợp để chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn; không chạy theo số lượng, mà quan tâm đến chất lượng”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT phối hợp các bộ, ngành, Hiệp Hội Cà phê - Ca cao Việt Nam quản lý tốt ngành hàng cà phê, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cà phê tại các tỉnh với những thương hiệu riêng; kiến nghị Nhà nước có những chính sách phù hợp để hỗ trợ thích đáng cho chuỗi ngành hàng cà phê từ sản xuất, chế biến đến thương mại bền vững.