Buông bỏ áp lực ngoài khung cửa
Cuộc sống ngày càng tất bật với vô vàn áp lực. Để giải tỏa những áp lực đó, có người chọn cuối ngày hẹn bạn bè ở hàng quán, có người đi dạo, mua sắm, xem phim, cà phê… Tuy nhiên, không ít trường hợp lại đưa những áp lực xã hội về gia đình, xả những dồn nén, bức xúc vào người thân...

Cùng con trẻ đi bơi, tạo niềm vui sau giờ làm. Ảnh: THANH HƯƠNG
Khi đem áp lực về nhà...
Chiều nay, nhà chị Linh - anh Phúc (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) vang tiếng cãi vã, không khí gia đình vô cùng căng thẳng. Trong khi hai phụ huynh còn mải mê buộc tội nhau, than vãn chuyện mệt mỏi do công việc đè nặng đôi vai, thu nhập hàng tháng bị giảm sút, thì hai đứa con nhỏ - đứa 10 tuổi, đứa 6 tuổi, ôm nhau ngồi co ro trong góc nhà, đôi mắt lo lắng nhìn cuộc chiến của ba mẹ đang dần lên đến đỉnh điểm và khi đó, không ít đồ đạc trong nhà sẽ đổ vỡ.
Chị Linh là chủ một tiệm làm tóc nhỏ. Trước đây, công việc cũng thuận lợi, thu nhập khá, thế nhưng gần đây mọi việc ngày càng khó khăn. Một phần do tình hình kinh tế, một phần khác là thêm một số tiệm tóc mới mở gần chỗ chị, thế nên mấy tháng qua, tiệm chị Linh thưa vắng khách hẳn. Mấy em thợ chính cũng vì cuộc sống nên rời tiệm đi hết, còn lại hai bạn trẻ đang học việc. Áp lực tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền hàng, tiền thợ... khiến chị Linh stress, lo lắng có thể phải đóng cửa tiệm.
Còn anh Phúc là lái xe chở hàng cho một công ty chuyên về sản xuất ốc vít. Lúc trước, khi công ty kinh doanh được thì đời sống cánh lái xe cũng đỡ phần nào. Nhưng hai năm nay, đơn hàng ngày càng ít, nhu cầu vận chuyển cũng giảm theo, công ty đã phải cho một số lái xe nghỉ việc. Anh Phúc may mắn còn trụ lại nhưng nếu trước chạy 6 ngày/tuần, thu nhập cũng tốt thì nay chỉ còn được 3 ngày/tuần, thu nhập giảm hơn nửa, chưa kể hàng loạt quy định mới, siết chặt hơn, càng khiến công việc trở nên khó khăn.
Cả hai anh chị chịu nhiều áp lực mà chưa thấy hướng giải quyết nên càng lúc càng bị đè nén. Không có nơi giải tỏa, anh chị đem những mệt mỏi, bức xúc đó về mái nhà chung. Cứ một tuần vài ngày, nhà chị Linh - anh Phúc lại nháo nhào ồn ào cãi vã vang cả xóm. Mấy cô chú lớn tuổi hàng xóm thi thoảng gặp có khuyên can, bảo vợ chồng có gì đóng cửa nhỏ nhẹ chia sẻ, bảo ban nhau, để không làm rạn nứt tình chồng vợ, gia đình bớt căng thẳng, quan tâm đến tâm trạng con cái… Ấy vậy mà tình hình nhà anh chị vẫn chưa thể thay đổi.
Nuôi dưỡng hạnh phúc
Chị Thúy (ngụ quận 5, TPHCM) ngày ngày tất bật ngược xuôi lo toan gia đình. Chị giỏi buôn bán, gánh vác gia đình ngay từ thời trẻ, nên nay, dù ở ngưỡng tuổi 50, chị vẫn luôn là trụ cột vững vàng của gia đình. Anh Minh - chồng chị Thúy làm việc cơ quan nhà nước gần 30 năm, tuy chưa đến tuổi hưu, nhưng vì sức khỏe, từng bị tai biến, vì muốn có nhiều thời gian chăm lo con nhỏ và cha mẹ lớn tuổi già yếu, nên anh Minh quyết định xin nghỉ hưu. Trong hành trình làm quen với cuộc sống mới, đôi khi anh có chút tiếc nuối. Có những lúc buồn chán, tâm lý bực bội, anh quát đứa nhỏ, đổ cho việc nghỉ hưu là để lo cho con, anh trách luôn cả vợ… và không ít lần anh than thở, lẽ ra không nên nghỉ việc sớm như vậy.
Những lúc này, chị Thúy im lặng, chị đợi anh bình tĩnh, rồi nhỏ to, chia sẻ rằng, cuộc sống luôn có những lúc mọi việc không thể như ý mình muốn, đây là giai đoạn anh phải tập thích nghi, đó là quyết định do anh đã đắn đo, suy nghĩ bao ngày và chọn lựa.
Chị Thúy nhỏ nhẹ: “Lúc tâm lý anh bức bối, cảm thấy không vui, thì cũng không nên đổ hết những bực bội cho con nhỏ hay cho vợ. Khi anh đem sự bực bội đó áp đặt vào cuộc sống gia đình, thì người nhận là vợ con liệu có vui? Công việc của em cũng có nhiều áp lực, căng thẳng. Đã về nhà thì em bắt mình phải buông bỏ những áp lực ngoài xã hội, vì niềm vui, nụ cười của người thân trong nhà cũng chính là động lực để em ngày mai tiếp tục nỗ lực làm việc, đương đầu với khó khăn…”.
Nghe lời vợ nhỏ to tâm sự, anh Minh lặng im không nói gì. Anh tự cảm thấy mình hơi thái quá nên dần anh học cách kiềm chế tâm tính, suy nghĩ mọi việc nhẹ nhàng hơn.
Mái ấm gia đình luôn là nơi làm dịu những vất vả, tổn thương mà cuộc sống tạo ra cho người lớn. Vậy nên, mỗi thành viên trong gia đình cần nỗ lực xây dựng, vun đắp bằng cách quan tâm, chia sẻ, lắng nghe ý kiến của mọi người, trao đi yêu thương nhiều hơn, tạo bầu không khí gần gũi, ấm áp. Muốn gia đình hạnh phúc thì mỗi cá nhân phải biết vun đắp và cả hy sinh… Hy sinh cá nhân, cái tôi của riêng mình một chút để tạo dựng niềm tin, sự yêu thương bền vững, niềm vui cho người thân trong một mái ấm gia đình.