Tọa đàm: Chiến lược sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng tại Việt Nam

Sáng 11/5, Báo Nhân Dân phối hợp với Viện Công nghệ Phacogen tổ chức tọa đàm 'Chiến lược sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng tại Việt Nam', chia sẻ về vai trò của các phương pháp sàng lọc-chẩn đoán-điều trị hiện đại và định hướng chiến lược nhằm kiểm soát hiệu quả căn bệnh này tại Việt Nam.

Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 165.000 ca mắc mới và 115.000 ca tử vong do ung thư. Tỷ lệ tử vong chuẩn hóa theo độ tuổi là 104/100.000 dân, xếp hạng 57 trên thế giới.

Đặc biệt, ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam và đang có xu hướng trẻ hóa, với tỷ lệ chẩn đoán ở người dưới 50 tuổi tăng 45% kể từ năm 1995.

Tại tọa đàm, các chuyên gia sẽ cùng chia sẻ thông tin khoa học về bệnh ung thư đại trực tràng, nâng cao kiến thức cho cộng đồng về nhận biết dấu hiệu sớm ung thư đại trực tràng, các biện pháp tầm soát hiệu quả, phòng ngừa bệnh tật, các phương pháp điều trị mới...

Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia:

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Hoàng - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên;

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Khiên - Tổng Thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tiêu hóa, người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và tầm soát ung thư đại trực tràng;

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Mời độc giả theo dõi nội dung tọa đàm tại đây:

Nội dung Tọa đàm trực tuyến

MC Trung Hiếu:

Với những người không có triệu chứng rõ ràng, liệu việc chủ động sàng lọc có cần thiết hay không?

08:48 11/05/2025

PGS, TS, BS Vũ Văn Khiên:

Có chứ! Phần lớn các tổn thương ung thư đại trực tràng phát triển âm thầm, không triệu chứng trong giai đoạn đầu. Khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy đau bụng, rối loạn tiêu hóa hay đi ngoài ra máu thì thường đã ở giai đoạn tiến triển.

Chúng tôi từng phát hiện những ca ung thư từ các mẫu sinh thiết lấy ra do nội soi kiểm tra sức khỏe tổng quát. Bệnh nhân hoàn toàn không có biểu hiện gì bất thường. Đó là minh chứng rõ ràng cho vai trò sống còn của việc sàng lọc chủ động – không phải chờ có triệu chứng mới đi khám.

Thực tế, ở người trẻ, chúng tôi nhận thấy ung thư đại trực tràng thường có xu hướng “hung hãn” hơn – tức là các tế bào ung thư phát triển nhanh, xâm lấn mạnh và ít có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Điều này có thể liên quan đến yếu tố di truyền hoặc lối sống hiện đại như ăn uống thiếu chất xơ, béo phì, hút thuốc.

Trong khi đó, ở người lớn tuổi, bệnh thường tiến triển chậm hơn nhưng lại hay bị che lấp bởi các bệnh lý nền khác như tiểu đường hay tim mạch.

Dù không có triệu chứng rõ rệt, phát hiện sớm ở bất kỳ độ tuổi nào vẫn là chìa khóa để thay đổi cục diện.

09:14 11/05/2025

MC Trung Hiếu:

Thưa bác sĩ, những năm gần đây, xu hướng mắc ung thư đại trực tràng tại Việt Nam có sự thay đổi ra sao? Những số liệu thống kê khiến chúng ta cần thực sự nhìn lại biện pháp phòng ngừa và tầm soát hiện nay là như thế nào ?

09:06 11/05/2025

PGS, TS, BS Vũ Văn Khiên:

Thực tế, ung thư đại trực tràng đang là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam.

Theo thống kê GLOBOCAN năm 2022, nước ta ghi nhận hơn 16.000 ca mắc mới, và trên 8.400 ca tử vong do căn bệnh này – xếp thứ 4 về tỷ lệ mắc và thứ 5 về tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư. Tỷ lệ ung thư sớm ở người trẻ tuổi càng gia tăng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Khiên, Tổng Thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Khiên, Tổng Thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam.

Điều khiến các bác sĩ như chúng tôi trăn trở là xu hướng “trẻ hóa” của căn bệnh. Không chỉ người cao tuổi, mà cả những người trẻ ở độ tuổi 30-40, thậm chí 20, cũng có thể mắc bệnh. Lối sống hiện đại – ăn uống thiếu lành mạnh, ít vận động, căng thẳng kéo dài – chính là “ngòi nổ” khiến ung thư đại trực tràng bùng phát mạnh mẽ. Nếu không hành động ngay, chúng ta sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế thực sự trong tương lai gần.

09:07 11/05/2025

MC Trung Hiếu:

Thưa bác sĩ, những triệu chứng thường gặp nào có thể cảnh báo sớm về ung thư đại trực tràng?

09:09 11/05/2025

PGS, TS, BS Vũ Văn Khiên:

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Khiên: "Hầu hết các loại ung thư thường không có các triệu chứng cụ thể, nhưng vẫn có một số triệu chứng gợi ý mang tính cảnh báo sớm".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Khiên: "Hầu hết các loại ung thư thường không có các triệu chứng cụ thể, nhưng vẫn có một số triệu chứng gợi ý mang tính cảnh báo sớm".

Hầu hết các loại ung thư thường không có các triệu chứng cụ thể. Tuy nhiên, vẫn có một số triệu chứng gợi ý mang tính cảnh báo sớm để bệnh nhân đi khám.

Thí dụ như biểu hiện đi ngoài phân có máu. Thực chất biểu hiện này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một số bệnh nhân mơ hồ cho rằng, họ bị trĩ hoặc gặp vấn đề về tiêu hóa nhưng sau khi khám lại là bị ung thư đại trực tràng.

Một số dấu hiệu khác là tần số đi ngoài thất thường, đau bụng một cách mơ hồ, sụt cân nhẹ… Khi có những dấu hiệu bất thường này, người dân cần phải đi khám sớm để nhanh chóng phát hiện bệnh.

09:10 11/05/2025

MC Trung Hiếu:

Hiện nay, những phương pháp sàng lọc ung thư đại trực tràng nào đang được áp dụng phổ biến tại Việt Nam? Trong tương lai gần, chúng ta kỳ vọng những đổi mới như thế nào trong việc tầm soát ung thư đại trực tràng?

09:11 11/05/2025

PGS, TS, BS Vũ Văn Khiên:

Các diễn giả tham dự Tọa đàm Chiến lược sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng tại Việt Nam.

Các diễn giả tham dự Tọa đàm Chiến lược sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng tại Việt Nam.

Thông thường, các tổ chức y tế khuyến nghị những người từ 45 tuổi trở lên nên bắt đầu sàng lọc ung thư đại trực tràng, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc có các triệu chứng nghi ngờ. Với những người có nguy cơ cao, chẳng hạn như người mắc bệnh viêm ruột mãn tính hoặc béo phì, có thể cân nhắc sàng lọc sớm hơn.

Hiện nay, trên thế giới có các phương pháp sàng lọc ung thư đại trực tràng phổ biến như:

Nội soi đại tràng: Phương pháp tiêu chuẩn, có độ chính xác cao. Khi thực hiện, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể nhìn trực tiếp các tổn thương trên bề mặt đại tràng và trực tràng thông qua camera ở đầu ống. Đây là phương pháp hiện đại đang được sử dụng rộng rãi và được khuyến cáo cao nhất. Tuy nhiên, đây là 1 kỹ thuật xâm lấn vì cần phải đưa ống soi qua hậu môn vào cơ thể và có thể gây ra cảm giác không thoải mái cho người thực hiện

Xét nghiệm máu ẩn trong phân (FIT/FOBT): Đây là phương pháp kiểm tra sự hiện diện của máu vi thể trong phân, nhưng không phát hiện được những tổn thương tiền ung thư. Ngoài ra, kết quả của phương pháp này còn có thể bị nhầm lẫn do một số yếu tố bên ngoài như ăn tiết canh. Vì vậy, độ chính xác của phương pháp không tối ưu.

Nội soi ảo đại tràng: Sử dụng chụp cắt lớp CT để tạo hình ảnh 3D của đại tràng, nhưng vẫn cần nội soi nếu có nghi ngờ.

Xét nghiệm DNA đa mục tiêu trong phân: Có những dấu hiệu phân tử xuất hiện từ rất sớm trong cơ thể, từ giai đoạn tổn thương tiền ung thư. Hằng ngày, cơ thể đào thải rất nhiều tế bào biểu mô đại tràng và trực tràng qua phân. Vì vậy, nếu có những tín hiệu bất thường ở đại tràng, trực tràng, người bệnh có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng từ mẫu phân.

Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện các biện pháp xâm lấn như nội soi chưa được người dân thích ứng do sợ phải uống thuốc tẩy ruột hoặc sợ gây mê... Vì thế, phương pháp xét nghiệm máu trong phân được nhiều người ưa chuộng vì không cần phải thực hiện các biện pháp xâm lấn.

Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia lớn ứng dụng xét nghiệm DNA đa mục tiêu trong phân, cho thấy độ nhạy và đặc hiệu trên 90%. Mỹ còn khuyến cáo người dân nên làm xét nghiệm này 1-3 năm/lần. Vì vậy, một trong những biện pháp sàng lọc ung thư đại trực tràng tốt nhất là xét nghiệm phân trong cộng đồng. Khi phát hiện dương tính, chúng ta sẽ khuyến cáo bệnh nhân nội soi đại trực tràng để phát hiện xem có những viêm, loét, tổn thương hay không.

09:12 11/05/2025

MC Trung Hiếu:

Đối với bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, hiện nay Bệnh viện Bạch Mai đang áp dụng những phương pháp điều trị nào? Hiệu quả ra sao?

09:30 11/05/2025

PGS, TS, BS Phạm Cẩm Phương:

Đối với bệnh nhân ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, hiệu quả điều trị hiện nay phụ thuộc vào loại ung thư, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, và mức độ di căn. Thông thường, ở giai đoạn muộn, mục tiêu điều trị không phải luôn là chữa khỏi hoàn toàn mà thường tập trung vào kéo dài thời gian sống, kiểm soát triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm đau thông qua các phương pháp chăm sóc giảm nhẹ.

Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học, một số bệnh nhân có thể đạt được kết quả tích cực nhờ các phương pháp hiện đại như điều trị đích và miễn dịch, đặc biệt nếu bệnh được phát hiện có các dấu ấn sinh học phù hợp. Dù vậy, tỷ lệ sống thêm vẫn thường thấp hơn so với các giai đoạn sớm, và nhiều trường hợp vẫn tiến triển nặng do hạn chế trong khả năng loại bỏ hoàn toàn khối u di căn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương.

Tại Bệnh viện Bạch Mai - một trong những trung tâm hàng đầu về y học hạt nhân và ung bướu tại Việt Nam, các phác đồ điều trị cho bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn được áp dụng linh hoạt dựa trên chẩn đoán cá thể hóa điều trị. Một số phương pháp và phác đồ nổi bật bao gồm:

· Hóa trị liệu: Bệnh viện Bạch Mai đang áp dụng các phác đồ hóa trị hiện đại, với các thuốc như 5-FU, Oxaliplatin... Phác đồ hóa trị liệu này được thực hiện dựa trên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, đồng thời đánh giá phản ứng của từng bệnh nhân để điều chỉnh liều lượng phù hợp.

· Xạ trị và xạ phẫu: Công nghệ xạ phẫu bằng dao gamma quay được triển khai tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, đặc biệt hiệu quả trong điều trị ung thư phổi di căn lên não hoặc xương. Chi phí thấp hơn nhiều so với nước ngoài, và phương pháp này đã giúp nhiều bệnh nhân ổn định.

· Điều trị đích: Từ năm 2007, Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng điều trị đích với hơn 6.200 ca thành công, sử dụng các thuốc như Gefitinib và Sorafenib. Phương pháp này nhắm vào các phân tử đặc hiệu trên tế bào ung thư, ít tác dụng phụ hơn hóa trị và phù hợp với bệnh nhân có đột biến gene xác định.

· Liệu pháp miễn dịch: Đây là phương pháp cứu cánh cho bệnh nhân ung thư di căn hoặc tái phát. Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu là đơn vị tiên phong tại Việt Nam áp dụng liệu pháp này, kết hợp với các phương pháp khác như phẫu thuật hoặc hóa trị khi chỉ định phù hợp.

· Chăm sóc giảm nhẹ: Kết hợp với các phương pháp trên, chăm sóc giảm nhẹ được thực hiện đồng thời để giảm triệu chứng, hỗ trợ dinh dưỡng và tinh thần, đặc biệt quan trọng khi các phương pháp điều trị chính không còn hiệu quả.

Tại Bệnh viện Bạch Mai chúng tôi, với bệnh nhân di căn hạch, chúng tôi tiến hành phẫu thuật cắt đại tràng, trực tràng cho người bệnh. Với người bệnh có tổn thương di căn xa, vai trò hóa trị với phương pháp điều trị đích, miễn dịch cũng được đặt ra. Chúng tôi sẽ làm các xét nghiệm sàng lọc đột biến gene để xem giá trị tiên lượng lựa chọn các loại thuốc kháng thể đơn dòng điều trị phù hợp.

Tùy thuộc thể trạng người bệnh, tổn thương di căn, mô bệnh học, di căn, xét nghiệm đột biến gene, số lượng, tổn thương di căn, tình trạng tổn thương sẽ đánh giá xem người bệnh phẫu thuật hay không.

Tùy thuộc thể trạng người bệnh, tổn thương di căn, mô bệnh học, di căn, xét nghiệm đột biến gene, số lượng, tổn thương di căn, tình trạng tổn thương sẽ đánh giá xem người bệnh phẫu thuật hay không.

Nếu bệnh nhân có tổn thương di căn một ổ, chúng tôi hoàn toàn có thể phẫu thuật được cắt tổn thương di căn, cắt toàn bộ trực tràng và sau đó điều trị bổ trợ.

Với nhóm có tiềm năng phẫu thuật, chúng tôi áp dụng liệu pháp điều trị toàn thân hóa trị, điều trị đích làm kích thước nhỏ lại và sau đó sẽ đánh giá đáp ứng điều trị sau 3-6 tháng xem kích thước khối u, tổn thương di căn như thế nào để xem xét tiến hành phẫu thuật hay không.

Ở nhóm di căn nhiều nơi, không thể phẫu thuật, chúng tôi sẽ điều trị toàn thân cho người bệnh, tiếp cận phương pháp điều trị tiên tiến trên thế giới như thuốc kháng thể đơn dòng, điều trị đích nhắm vào gene đột biến, liệu pháp miễn dịch…

09:22 11/05/2025

MC Trung Hiếu:

Chiến lược sàng lọc ung thư đại trực tràng tại Việt Nam nên được triển khai như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất trong giai đoạn hiện nay?

09:38 11/05/2025

PGS, TS, BS Nguyễn Công Hoàng:

Nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản hay Hàn Quốc hiện nay đã thực hiện nhiều chẩn đoán sớm trong các lĩnh vực ung thư, nhờ đó, tỷ lệ người bệnh mắc ung thư đã giảm đi nhiều.

Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với ngành y tế rất nhiều nội dung, trong đó có một vấn đề mà Tổng Bí thư nhắc tới là mỗi người dân Việt Nam cần được khám định kỳ sức khỏe miễn phí mỗi năm một lần. Đây cũng là vấn đề dự phòng mà ngành y tế cần phải quan tâm. Bởi vì, chi một đồng cho dự phòng bằng 100 đồng cho điều trị.

Các chương trình sàng lọc ung thư đại trực tràng đã được triển khai rộng rãi ở cấp quốc gia. Việc tổ chức sàng lọc định kỳ cho người trưởng thành từ độ tuổi 45–50 trở lên đã mang lại hiệu quả rõ rệt, với tỷ lệ phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm tăng cao, đồng thời tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư đại trực tràng giảm mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Tại Mỹ, sau khi tăng cường độ bao phủ sàng lọc trên toàn quốc, tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng đã giảm hơn 50% trong vòng ba thập kỷ (theo CDC). Ở Anh, chương trình sàng lọc quốc gia giúp tăng tỷ lệ phát hiện ung thư giai đoạn sớm lên gấp 4 lần so trước, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ tử vong đáng kể (NHS Bowel Cancer Screening Overview).

Tại Nhật Bản, qua chương trình sàng lọc định kỳ, tỷ lệ phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm cũng tăng mạnh, trong khi tỷ lệ tử vong có xu hướng giảm rõ rệt theo thời gian, giúp giảm tỷ lệ mắc các trường hợp ung thư tiến triển và tăng tỷ lệ điều trị khỏi bệnh (National Cancer Center Japan).

Những kết quả này nhấn mạnh vai trò thiết yếu của sàng lọc trong chiến lược phòng ngừa và kiểm soát ung thư đại trực tràng tại cộng đồng.

Từ các số liệu dịch tễ và các phương pháp sàng lọc đã được các chuyên gia đề cập, tôi cho rằng chiến lược sàng lọc ung thư đại trực tràng tại Việt Nam nên được định hướng theo 3 trụ cột sau:

Một là, cần phải tăng cường truyền thông và giáo dục sức khỏe, giúp cộng đồng hiểu được mình nên tầm soát từ tuổi 45 như các khuyến cáo đề cập. Đồng thời, tự soi chiếu lại các tiền sử bản thân và gia đình để tự đánh giá được nguy cơ ung thư đại-trực tràng của mình và tìm gặp các cán bộ y tế khi cần thiết.

Tôi mong rằng, sau này chúng ta sẽ có những phác đồ sàng lọc trong cộng đồng.

Hai là, đưa hoạt động sàng lọc lồng ghép vào khám sức khỏe định kỳ tại cơ sở y tế. Các tuyến y tế ban đầu – từ bệnh viện công lập đến các phòng khám tư nhân – cần được đào tạo đầy đủ về hướng dẫn sàng lọc theo nguy cơ, từ đó tư vấn đúng và kịp thời cho người bệnh khi đi khám tổng quát hoặc có triệu chứng liên quan. Đây là nơi "chạm" đầu tiên với người dân và đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Ba là, ưu tiên ứng dụng các phương pháp sàng lọc không xâm lấn, dễ triển khai, chi phí hợp lý. Muốn triển khai trên diện rộng, đặc biệt tại nông thôn hoặc nhóm dân cư chưa có điều kiện tiếp cận y tế chất lượng cao, chúng ta cần những giải pháp vừa dễ thực hiện, vừa có độ chính xác cao như phương pháp xét nghiệm DNA trong phân. Đây là phương pháp hoàn toàn có thể tích hợp vào chương trình sàng lọc cộng đồng quy mô lớn mà không gây áp lực cho hệ thống y tế.

Quan điểm của tôi trong chiến lược sàng lọc là cần phải quan tâm tới những đối tượng nhiều nguy cơ về lứa tuổi, gene di truyền trong gia đình có người từng mắc ung thư hay không, dịch tễ… để có phương pháp tầm soát từ đơn giản như xét nghiệm phân để sàng lọc, đến phương pháp can thiệp chẩn đoán có xâm lấn... Tôi mong rằng, sau này chúng ta sẽ có những phác đồ sàng lọc trong cộng đồng.

09:38 11/05/2025

MC Trung Hiếu:

Thưa bác sĩ, hiện nay, thực trạng bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai khám và được điều trị ung thư đại trực tràng diễn ra như thế nào?

09:38 11/05/2025

PGS, TS, BS Phạm Cẩm Phương:

Đối với bệnh nhân ung thư đại trực tràng thì tỷ lệ các bệnh nhân ở giai đoạn muộn, khi đã có những tổn thương di căn chiếm đến 30% trong tổng số người bệnh đến khám. Gần đây, mặc dù đã có những cập nhật về kiến thức và khuyến cáo khám sức khỏe định kỳ, nhưng cũng có không ít người bệnh chỉ đến khám khi đã có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người đến khám vì triệu chứng tắc ruột, khối u đã phát triển lớn khiến người bệnh không thể đi ngoài được. Lúc này, vai trò của các bác sĩ nội khoa là tiên phong, đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương (bên phải) phát biểu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương (bên phải) phát biểu.

Bệnh ung thư đại trực tràng có thể chữa khỏi nếu như được chẩn đoán sớm để hoàn toàn cắt bỏ khối u qua nội soi. Còn khi khối u đã xâm lấn lớn cũng như đã có biểu hiện tổn thương di căn mạnh thì các bác sĩ sẽ tiếp tục điều trị trước và sau phẫu thuẫn để hạn chế tình trạng tái phát hoặc di căn.

Tỷ lệ bệnh nhân sống thêm 5 năm nếu phát hiện sớm khá cao. Và phẫu thuật là biện pháp điều trị cơ bản. Nếu đã di căn hạch, bệnh nhân cần tiến hành hóa trị. Còn nếu ung thư trực tràng ở tình trạng thấp hoặc trung bình, các bác sĩ phải đánh giá kích thước khối u, vị trí khối u, tổn thương di căn, tình trạng người bệnh… để tiến hành hóa trị trước cho khối u nhỏ lại rồi sau đó mới tiến hành phẫu thuật. Không chỉ bác sĩ chuyên khoa về ung thư trực tràng, mà các bác sĩ về dinh dưỡng, về tâm lý sẽ cùng ngồi lại để đưa ra phương án chữa trị tốt nhất cho người bệnh.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người bệnh được tầm soát để nội soi cũng đã nhiều hơn so với trước đây. Số lượng người trên 50 tuổi chủ động đi khám và nội soi ngày càng phổ biến. Nhờ đó, người dân đã theo dõi được những tổn thương bất thường, phát hiện các polyp để có phương án điều trị hợp lý, hạn chế việc dẫn đến ung thư.

Chúng tôi cũng gặp nhiều trường hợp trong một gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh này. Vì thế, chúng tôi thường khuyên mọi người nên động viên người thân đi tầm soát sớm để hạn chế nguy cơ ung thư trực tràng.

09:39 11/05/2025

MC Trung Hiếu:

Theo bác sĩ, những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị gần đây đã mang lại những giá trị như thế nào trong việc cải thiện hiệu quả điều trị cho bệnh nhân?

09:40 11/05/2025

PGS, TS, BS Phạm Cẩm Phương:

Cách đây khoảng 10 năm, những bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở giai đoạn di căn thường chỉ sống thêm 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, gần đây, những tiến bộ trong liệu pháp điều trị, cá thể hóa cho đối tượng từng người bệnh đã được cập nhật, giúp làm tăng tỷ lệ bệnh nhân sống thêm 5 năm lên đến 30-40%.

Chúng tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới, những liệu pháp điều trị cá thể hóa, phân tích dựa trên đột biến gene sẽ ngày càng phát triển.

Trong thời gian tới, những liệu pháp điều trị cá thể hóa, phân tích dựa trên đột biến gene sẽ ngày càng phát triển.

09:44 11/05/2025

MC Trung Hiếu:

Bệnh viện Bạch Mai đang triển khai những phương pháp nào trong sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng? Việc sàng lọc và phát hiện sớm có ý nghĩa như thế nào đối với bệnh nhân ung thư? Những khó khăn hay hạn chế nào đang ảnh hưởng đến việc triển khai những phương pháp sàng lọc đó?

09:43 11/05/2025

PGS, TS, BS Phạm Cẩm Phương:

Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai sàng lọc bệnh ung thư đại trực tràng thường quy nhiều năm nay. Tại Bệnh viện chúng tôi đang nội soi đại trực tràng ống mềm, đa số bệnh nhân được gây mê, để từ đó bệnh nhân không cảm thấy đau đớn và bác sĩ có thể nội soi mọi ngõ ngách.

Chúng tôi cũng triển khai nhiều phương pháp sàng lọc tiên tiến như nội soi đại trực tràng, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, sinh thiết mô nghi ngờ...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương (bên phải) phát biểu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương (bên phải) phát biểu.

Tầm soát sớm ung thư đại trực tràng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Với hơn 30 năm gắn bó với ung thư học, tôi nhận thấy ung thư đại trực tràng thường bắt đầu từ những tổn thương rất nhỏ, như polyp – những “hạt giống” tưởng chừng vô hại nhưng có thể âm thầm tiến triển thành ung thư qua nhiều năm.

Điều đáng lo là khi bệnh nhân đến khám thường đã đến giai đoạn muộn, chúng tôi tìm thấy các tế bào ung thư xâm lấn sâu vào thành ruột, lan đến hạch bạch huyết, thậm chí di căn xa tới gan hay phổi. Lúc này, cơ hội điều trị thành công giảm đi rất nhiều.

Phát hiện sớm, ngay từ giai đoạn polyp hoặc ung thư giai đoạn đầu, có thể tăng tỷ lệ sống sót lên đến 93%. Việc tầm soát sớm sẽ giúp xác định nguy cơ của người bệnh, từ đó giúp chẩn đoán sớm, chính xác và kịp thời. Đây chính là lý do vì sao tầm soát là “tấm khiên” mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể sử dụng ngay hôm nay!

Tầm soát là “tấm khiên” mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể sử dụng ngay hôm nay!

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nhận thức của cộng đồng còn hạn chế. Nhiều bệnh nhân đến khám khi bệnh đã tiến triển, do chưa có thói quen tầm soát định kỳ hoặc lo ngại về chi phí, hay sợ phải thực hiện nội soi...

Các bệnh nhân đến với Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) đa phần đã ở giai đoạn muộn.

09:58 11/05/2025

MC Trung Hiếu:

Thưa bác sĩ, làm thế nào để triển khai những phương pháp sàng lọc ung thư đại trực tràng trên diện rộng, tiếp cận đến đại bộ phận người dân, đặc biệt là với những người ở độ tuổi nguy cơ cao trên 45 tuổi khi việc tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế?

09:47 11/05/2025

PGS, TS, BS Nguyễn Công Hoàng:

Một trong những lý do khiến người dân thường rất ngại đi khám sức khỏe là những phương pháp chẩn đoán có xâm lấn thường liên quan đến vấn đề gây mê hay đưa các dụng cụ, máy móc vào cơ thể. Đây là rào cản khiến một số người dân không muốn đến khám bệnh. Vì thế, cần tìm ra những phương pháp chẩn đoán không xâm lấn nhưng có tỷ lệ chính xác cao để khuyến khích người dân đi khám.

Tôi hy vọng, các nhà y học dự phòng sẽ phối hợp với các nhà y học lâm sàng để đưa ra phác đồ chẩn đoán phù hợp với căn bệnh này.

Trong trường hợp khám ra bệnh nhờ siêu âm, bằng những liệu pháp rõ ràng thì lúc đó bệnh tình đã tiến triển nặng. Tôi hy vọng, các nhà y học dự phòng sẽ phối hợp với các nhà y học lâm sàng để đưa ra phác đồ chẩn đoán phù hợp với căn bệnh này.

09:55 11/05/2025

MC Trung Hiếu:

Với vai trò chuyên gia ung thư học và Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ có lời khuyên nào để người dân tận dụng tối đa các tiến bộ y học hiện nay trong việc phát hiện và điều trị sớm ung thư đại trực tràng?

09:53 11/05/2025

PGS, TS, BS Phạm Cẩm Phương:

Với tôi, điều quan trọng nhất là người dân cần hiểu rằng: ung thư đại trực tràng hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm – và để làm được điều đó, chúng ta cần tầm soát đúng cách và dựa trên những nền tảng xét nghiệm đáng tin cậy.

Mọi người đừng chờ đợi triệu chứng xuất hiện mới hành động.

Mọi người khi thấy triệu chứng bất thường như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, thay đổi khuôn phân, đi ngoài ra máu, hoặc lúc nào cũng muốn đi ngoài... cần phải đi khám sớm để phát hiện các tổn thương ngay qua nội soi và thực hiện các thủ thuật xét nghiệm dưới sự can thiệp của nội soi để chẩn đoán bệnh. Mọi người đừng chờ đợi triệu chứng xuất hiện mới hành động. Hãy chủ động tầm soát định kỳ bằng các phương pháp hiện đại như nội soi đại tràng hoặc eColon, đặc biệt từ 45 tuổi, để phát hiện polyp hay ung thư sớm – khi tỷ lệ chữa khỏi có thể đạt 90%.

Ưu tiên các phương pháp sàng lọc đã được kiểm chứng, đặc biệt là những xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế như chuẩn IVD.

Ngoài ra, trong giai đoạn điều trị, việc xét nghiệm gene cũng rất quan trọng để lựa chọn thuốc trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch phù hợp. Đây chính là nền tảng của y học chính xác, hướng đến điều trị cá thể hóa – nghĩa là đúng thuốc, đúng người bệnh, đúng thời điểm.

Vì vậy, lời khuyên của tôi là: đừng chỉ đi tầm soát cho có – mà hãy tầm soát một cách chủ động, có hiểu biết, lựa chọn nơi uy tín và công nghệ đạt chuẩn. Khi đó, chúng ta không chỉ phòng bệnh tốt hơn, mà còn tăng cơ hội sống nếu chẳng may mắc bệnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương.

Tôi muốn nhắc lại, dù ở giai đoạn nào của bệnh, y học Việt Nam cũng có những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị. Việc sàng lọc giai đoạn sớm rất quan trọng và người dân đừng lo lắng với việc phải rửa ruột, gây mê... khi thực hiện nội soi.

Tôi mong muốn, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có kỹ thuật mới để phân loại nhóm bệnh nhân nào nguy cơ cao, nguy cơ rất cao,... để dựa xét nghiệm máu tiềm ẩn trong phân... và giúp đưa nhóm nguy cơ rất cao tiếp tục thực hiện sàng lọc bằng nội soi đại trực tràng để chẩn đoán sớm bệnh.

09:51 11/05/2025

MC Trung Hiếu:

Thưa các bác sĩ, đâu là yếu tố quan trọng nhất trong việc điều trị ung thư đại trực tràng?

10:10 11/05/2025

PGS, TS, BS Nguyễn Công Hoàng:

Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là người dân phòng, phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Chúng tôi cũng đã ứng dụng công nghệ gene vào trong quá trình điều trị. Đây là phương pháp không xâm lấn nhưng độ chính xác trong điều trị rất cao, giúp người dân vượt qua rào cản tâm lý.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Hoàng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Hoàng.

Bên cạnh đó, giá cả của phương pháp này cũng phù hợp để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bệnh nhân cần cân nhắc lựa chọn các phương pháp chẩn đoán phù hợp, chúng ta thuộc nhóm nguy cơ gì thì hãy thực hiện xét nghiệm đó.

10:12 11/05/2025

PGS, TS, BS Phạm Cẩm Phương:

Chia sẻ thêm các phương pháp xét nghiệm, hiện nay, vẫn có tình trạng người dân đi làm xét nghiệm máu A, B… một cách tràn lan và nghĩ rằng, xét nghiệm này có thể phát hiện bách bệnh. Song, thực chất, các dấu hiệu trên chỉ xuất hiện rõ ràng khi tình trạng bệnh đã ở giai đoạn muộn. Cần hiểu rằng, xét nghiệm máu không sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương phát biểu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương phát biểu.

Ngoài ra, nếu chỉ dựa vào những xét nghiệm máu để đưa ra chẩn đoán bệnh là sai. Đặc biệt là với bệnh ung thư đại trực tràng cần đánh giá dựa trên nhiều triệu chứng cụ thể, để từ đó đưa ra chiến lược tầm soát, chỉ định phù hợp cho người bệnh.

10:16 11/05/2025

PGS, TS, BS Nguyễn Công Hoàng:

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Hoàng (ngoài cùng bên phải) phát biểu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Hoàng (ngoài cùng bên phải) phát biểu.

Hoạt động tầm soát bệnh tật rất quan trọng. Hiện nay, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân cũng đã được đưa vào ứng dụng. Xét nghiệm eColon giúp phát hiện các biến đổi tiền ung thư sớm cũng đã được đưa thành sản phẩm nhiều năm nay.

Những nghiên cứu cho thấy, khả năng phát hiện dựa trên các xét nghiệm này lên đến hơn 90%. Tôi mong rằng, trong thời gian tới, các phương pháp này có thể phục vụ cộng đồng một cách rộng rãi, qua đó mang lại hy vọng chẩn đoán bệnh sớm và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

10:26 11/05/2025

MC Trung Hiếu:

Hiện nay người bệnh đi khám phải thực hiện nhiều loại xét nghiệm. Vậy làm sao để tránh lạm dụng xét nghiệm tại các cơ sở y tế?

10:19 11/05/2025

PGS, TS, BS Phạm Cẩm Phương:

Đôi lúc ở một số cơ sở y tế, người bệnh gặp phải tình trạng bác sĩ lạm dụng chỉ định xét nghiệm, nhất là ở những nơi cần tăng doanh thu từ xét nghiệm. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện khác đã triển khai những gói sàng lọc tầm soát tập trung vào một số bệnh ung thư để tránh lạm dụng chỉ định xét nghiệm.

Khi đó, các bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh tật, triệu chứng bệnh, tiền sử mắc bệnh, tiền sử gia đình, tiền sử sinh con… để xem các yếu tố nguy cơ, từ đó đưa ra những khuyến cáo cho người bệnh cần phải thăm khám chuyên sâu bệnh ung thư nào để đưa ra chẩn đoán đúng, trúng và chính xác. Nếu chúng ta làm tất cả mọi thứ xét nghiệm sẽ rất tốn kém.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương (ngoài cùng bên phải) phát biểu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương (ngoài cùng bên phải) phát biểu.

Hiện nay, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị đã được các chuyên ngành, hiệp hội xây dựng nhưng nhiều năm nay, các hướng dẫn sàng lọc sớm bệnh gần như còn vắng bóng.

Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, chuyên ngành ung thư và nhiều chuyên ngành khác sẽ có hướng dẫn sàng lọc cho từng bệnh, tránh tình trạng việc lạm dụng chỉ định nhiều xét nghiệm khi tiến hành sàng lọc. Tôi mong muốn Bộ Y tế là đầu tàu kết nối để xây dựng các hướng dẫn sàng lọc.

Tôi cũng mong Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả cho sàng lọc này vì việc phòng bệnh, chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm sẽ chỉ mất chi phí điều trị thấp mà hiệu quả điều trị cao. Nếu BHYT chi trả thì rất đáng quý vì có những bệnh có thể phát hiện sớm và hoàn toàn có thể điều trị khỏi được.

10:19 11/05/2025

MC Trung Hiếu:

Thưa bác sĩ, bác sĩ có lời khuyên gì cho bệnh nhân để có thể phát hiện sớm ung thư đại tràng?

10:27 11/05/2025

PGS, TS, BS Nguyễn Công Hoàng:

Theo tôi, cần có lộ trình cụ thể để xây dựng phác đồ sàng lọc dựa trên các yếu tố nguy cơ.

Hiện nay, một số bệnh viện đã xây dựng các gói sàng lọc chính, trong đó, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng đã tiến hành xây dựng dịch vụ này. Kết quả từ các xét nghiệm trên sẽ là tài liệu tương đối chuẩn để đội ngũ y bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho các đối tượng.

10:29 11/05/2025

MC Trung Hiếu:

Các xét nghiệm gene và sinh học phân tử hiện nay đang đóng vai trò như thế nào trong việc sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị? Đâu là yếu tố cần ưu tiên trong việc lựa chọn và chỉ định xét nghiệm cho bệnh nhân?

10:43 11/05/2025

PGS, TS, BS Phạm Cẩm Phương:

Các xét nghiệm về gene và sinh học phân tử hiện nay giúp ích rất nhiều cho các bác sĩ, từ việc xét nghiệm sàng lọc phát hiện ung thư sớm ở cấp độ phân tử để theo dõi và điều trị sớm, có thể điều trị và chữa khỏi hoàn toàn. Các xét nghiệm phát hiện đột biến gene đích là công cụ hỗ trợ các bác sĩ trong việc lựa chọn phác đồ điều trị thuốc đích phù hợp.

Một xét nghiệm chính xác không chỉ là điều kiện cần, mà là yếu tố sống còn trong chẩn đoán để bác sĩ lâm sàng đưa ra quyết định điều trị cho bệnh nhân ung thư. Trong thực hành lâm sàng, mọi quyết định từ lựa chọn phác đồ đến đánh giá tiên lượng đều bắt đầu từ kết quả xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm gene. Nếu kết quả không chính xác, không chỉ khiến điều trị lệch hướng, mà nghiêm trọng hơn, có thể đánh mất cơ hội sống quý giá của người bệnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương.

Hiện nay, có nhiều nền tảng xét nghiệm gene khác nhau đang được sử dụng. Tuy nhiên, không phải tất cả đều được thiết kế và thẩm định cho mục đích lâm sàng. Trong chuyên môn, chúng tôi phân biệt giữa:

- Hệ thống RUO – Research Use Only, chủ yếu dùng cho nghiên cứu, chưa trải qua các quy trình kiểm định lâm sàng nghiêm ngặt.

- Và hệ thống IVD – In Vitro Diagnostic, được cấp phép để sử dụng trong chẩn đoán lâm sàng, với các tiêu chuẩn rất cao về độ chính xác, độ lặp lại, và độ tin cậy.

Trong nghiên cứu, đôi khi có thể chấp nhận độ trễ hoặc sai số nhỏ. Nhưng trong điều trị ung thư, bất kỳ một kết quả sai lệch nào cũng có thể dẫn đến hướng điều trị không phù hợp và đó có thể là cơ hội sống còn bị bỏ lỡ. Vì vậy, tại các cơ sở điều trị ung thư tuyến Trung ương, chúng tôi ưu tiên sử dụng các nền tảng NGS đã được thẩm định và đạt tiêu chuẩn IVD – In Vitro Diagnostic (được chứng minh về độ chính xác và an toàn qua các thử nghiệm lâm sàng).

Việc này không chỉ bảo đảm tính chính xác và độ tin cậy cao, mà còn giúp các bác sĩ lâm sàng yên tâm đưa ra phác đồ điều trị cá thể hóa – thí dụ như lựa chọn thuốc trúng đích hay liệu pháp miễn dịch phù hợp nhất với từng bệnh nhân.

Tôi cho rằng, nếu muốn đưa y học chính xác vào thực tiễn điều trị ung thư tại Việt Nam, thì việc chuẩn hóa các nền tảng xét nghiệm, đặc biệt là sử dụng các hệ thống đạt chuẩn IVD – chính là yếu tố then chốt.

Về giá trị của xét nghiệm đột biến gene trong chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng, tôi cho rằng:

Đối với các xét nghiệm gene nói chung trong phát hiện và chẩn đoán bệnh ung thư, chúng tôi ứng dụng nhiều nhất là xác định đột biến gene của người bệnh để từ đó lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất, phương pháp điều trị cá thể hóa theo từng người bệnh, qua đó đem lại hiệu quả điều trị tối ưu nhất cho người bệnh. Đây là giá trị lớn nhất của xét nghiệm đột biến gene.

Giá trị thứ hai là tiên lượng bệnh. Chúng ta có thể đánh giá xem bệnh nhân có đột biến gene như thế nào, có các nghiên cứu trên thế giới tương ứng với tiên lượng bệnh ra sao, bệnh nhân sẽ đáp ứng hiệu quả với thuốc gì để điều trị và thuốc ấy đã có ở thị trường Việt Nam hay chưa, chúng ta có thể tiệm cận được hay không,... từ đó mới đánh giá tiên lượng được tình trạng bệnh, cũng như tìm thuốc để điều trị; từ đó mới có tiên lượng thời gian sống thêm của bệnh nhân.

Còn giá trị trong sàng lọc phát hiện sớm cũng như chẩn đoán bệnh ung thư nói chung cũng như bệnh ung thư đại trực tràng nói riêng thì các nghiên cứu trên thế giới đang tiến hành và cũng đã có một số các nghiên cứu về sàng lọc phát hiện sớm này.

Tuy nhiên hiện nay, thu nhập bình quân của người dân chưa cao nên các bác sĩ cũng chưa sử dụng nhiều xét nghiệm gene để chẩn đoán cũng như để sàng lọc bởi chi phí thực hiện còn cao. Chúng ta chủ yếu áp dụng các biện pháp cũng như các phương pháp chẩn đoán với chi phí vừa hợp lý hơn.

10:45 11/05/2025

MC Trung Hiếu:

Bác sĩ có thể chia sẻ những bước cụ thể mà người dân nên làm ngay hôm nay để phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư đại trực tràng?

10:49 11/05/2025

PGS, TS, BS Vũ Văn Khiên:

Với vai trò là bác sĩ lâm sàng, tôi muốn gửi đến quý vị những lời khuyên thực tế nhất để không ai phải tiếc nuối vì phát hiện bệnh quá muộn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Khiên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Khiên.

Trước tiên, hãy chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là bắt đầu sàng lọc ung thư đại trực tràng từ tuổi 45 hoặc sớm hơn nếu bạn có yếu tố nguy cơ cao như tiền sử gia đình, viêm ruột mãn tính, béo phì...

Thứ hai, đừng xem nhẹ những tín hiệu bất thường từ cơ thể. Các biểu hiện như thay đổi thói quen đại tiện, phân có máu, hay đau bụng kéo dài không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu cảnh báo. Nếu những triệu chứng này kéo dài trên 2-3 tuần, hãy đi khám ngay – vì thời gian chính là yếu tố sống còn trong điều trị ung thư!

Thời gian chính là yếu tố sống còn trong điều trị ung thư!

10:51 11/05/2025

NHÓM PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/toa-dam-chien-luoc-sang-loc-chan-doan-va-dieu-tri-ung-thu-dai-truc-trang-tai-viet-nam-post878830.html
Zalo