Buôn Cô Thôn - hơi thở giữa Ban Mê
Buôn Cô Thôn (tên chính thức là Ako Dhông) hiện còn 33 căn nhà dài. Cộng đồng người Ê Đê ở đây đã xây dựng nó trở thành buôn làng du lịch cộng đồng đẹp đẽ và giàu có nhất của người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột.

Một góc buôn Cô Thôn.
Lần đầu tiên đến Buôn Ma Thuột, khi nghe người bạn là dân bản xứ rủ đi uống cafe ở buôn Cô Thôn, tôi đã kinh ngạc nghĩ vì sao có thể lượn vào một buôn làng uống cafe rồi lại kịp giờ cho một cuộc hẹn khác chỉ sau đó 1 tiếng rưỡi. Rồi đi đến thì từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì hóa ra buôn Ako Dhông ở ngay trong lòng thành phố. Và cộng đồng người Ê Đê ở đây đã xây dựng nó trở thành buôn làng du lịch cộng đồng đẹp đẽ và giàu có nhất của Buôn Ma Thuột.
Kể từ đó, những lần đến Ban Mê sau này, từ sân bay xuống bao giờ cũng đề nghị đi thẳng đến buôn Cô Thôn ngồi thưởng thức cafe nghe hát, xem trình diễn chiêng và đàn. Rồi ở đó ăn trưa với gà nướng, với ẩm thực Tây Nguyên thì tuyệt vời.
Buôn Ako Dhông (tên gọi thân thuộc là buôn Cô Thôn) thuộc phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), là buôn làng của đồng bào Ê Đê lập từ năm 1956. Buôn thuộc địa phận của làng Ma Rin, phường Tân Lợi. Khi thành lập, buôn nằm ở thượng nguồn của 6 con suối nổi tiếng là Ea Dinh, Ea Dung, Ea Pui, Ea Giang, Ea Nuôl và Thun M’Nung. Theo tiếng Ê Đê, từ “Ako” trong tên gọi của buôn có ý nghĩa là đầu nguồn, “Dhong” nghĩa là suối.

Nhà dài ở buôn Cô Thôn.
Cả buôn có 289 hộ dân với hơn 1.220 nhân khẩu, trong đó có 64 hộ là người dân tộc Ê Đê. Và người dân Buôn Ako Dhông đã tìm ra cách phát triển du lịch cộng đồng hài hòa giữa bảo tồn, phát triển và truyền bá mạnh mẽ.
Cô Thôn hiện còn 33 căn nhà dài, nhiều hộ vẫn giữ được bộ chiêng quý; giữ nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát, biết ủ rượu cần và chế biến các món ăn truyền thống của đồng bào Ê Đê...
Có lẽ từ những tiềm năng và thế mạnh này mà buôn Ako Dhông được TP Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk chọn đầu tư xây dựng điểm về mô hình phát triển du lịch cộng đồng.

Nhắc đến buôn Cô Thôn, là nhắc đến một buôn làng giữa phố - một hơi thở cổ xưa độc đáo ngay giữa Ban Mê. Đến với nơi đây, du khách sẽ cảm nhận được sự yên bình, mộc mạc, đúng chất những buôn làng Tây Nguyên truyền thống.
Một cảm giác thật sự Tây Nguyên được bắt đầu ngay từ khi rẽ vào con đường đầu thôn, với những cái biển chỉ dẫn, với đường làng rộng và sạch đẹp. Và ngay lập tức là những ngôi nhà dài Ê Đê hiện ra, với những cầu thang gỗ màu đen đậm dấu ấn thời gian, với bếp lửa và với cả mùi cafe thơm ngây ngất.
Bình quân mỗi tháng, buôn Ako Dhông đón khoảng 500 - 1.000 khách du lịch tham quan, tìm hiểu về văn hóa truyền thống của đồng bào Ê Đê.
Từ khi được công nhận là buôn du lịch cộng đồng đến nay, gần như cả buôn tham gia vào làm kinh doanh du lịch. Trong đó, phần lớn nhà dài đều trở thành nhà hàng phục vụ nhu cầu ẩm thực gắn với tìm hiểu văn hóa truyền thống của đồng bào Ê Đê, như diễn tấu cồng chiêng, múa xoang...

Bên trong một ngôi nhà dài.
Một buổi tối ở trong gian bếp giữa căn nhà dài của đồng bào người Ê Đê ở buôn Cô Thôn, chúng tôi đã có một bữa tối vô cùng ấn tượng với gà nướng, cơm lam, canh rêu đá, cà đắng om…
Hoàn toàn chìm đắm trong không gian yên tĩnh, không tiếng hò hét mời nhau uống rượu, chỉ có bếp lửa bập bùng. Như lạc vào một thế giới khác cho đến khi rời buôn, chỉ vài bước chân lại đã ra đến phố, mới thấy cái cảm giác thú vị lạ lùng của việc ở giữa một buôn làng ngay giữa phố.
Thậm chí nếu không cầu kỳ ăn uống, ở buôn Cô Thôn còn có những gia đình phục vụ cơm một cách rất bình dân, nhưng món ăn thì vẫn là đặc sản của người Ê Đê. Như gia đình chị H'Minh Byă, chủ một hàng cơm luôn luôn đông khách ở đây.
Ví dụ thực đơn hàng cơm của chị H’Minh có hàng chục món ăn truyền thống của người Ê Đê như: lá mì xào, gỏi mít non, đậu đũa giã, canh cà đắng, cà đắng giã lá é, món vếch bò (được chế biến từ ruột non của bò, gan, đuôi…), bắp chuối giã đậu phộng (lạc), canh bột lá yao, thịt heo nướng, gà nướng, cơm lam... để phục vụ người dân và du khách.