Nhà thơ Đoàn Thị Diễm Thuyên: Viết để chữa lành tâm hồn

Trong làng thơ TPHCM những năm qua, Đoàn Thị Diễm Thuyên là một cái tên đáng chú ý. Cây bút 8X này có một giọng riêng, không lẫn với ai. PNVN đã có cuộc trò chuyện về hành trình sáng tác của chị.

 Nhà thơ Đoàn Thị Diễm Thuyên

Nhà thơ Đoàn Thị Diễm Thuyên

+ Chào nhà thơ Đoàn Thị Diễm Thuyên! Giải nhì Cuộc thi Thơ 1-2-3 năm 2024 - 2025 của Văn học Sài Gòn và Nhịp sống văn học có là một bất ngờ với chị?

Cũng khá bất ngờ, vì tôi tham gia với tâm thế thoải mái, xem cuộc thi vừa là cuộc chơi, vừa là cơ hội để trải nghiệm cuộc chơi đó. Quan tâm đến cuộc thi sẽ giúp tôi đọc thêm được nhiều tác phẩm của các tác giả khác, biết thêm được nhiều giọng thơ, có thêm nhiều bài học, nhiều giá trị cảm xúc trong thơ nữa. Đó cũng là một điều thú vị!

+ Chất "đời", chất "thật" trong chùm thơ đoạt giải của chị khiến nhiều người đọc phải nổi da gà. Điều đó cho thấy chị nhiều trải nghiệm, luôn trăn trở với những khuất khúc của hiện thực cuộc sống và thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ?

Tôi tin khi người đọc có được cảm xúc "nổi da gà" vì những bài thơ đó được tôi viết chắt lọc cảm xúc và câu chuyện từ những điều rất thật, từ chính bản thân mình hoặc từ thực tế cuộc sống. Điều gì gần với cuộc sống hơn có lẽ sẽ dễ được đồng cảm và chạm đến trái tim mọi người hơn.

+ Được biết Diễm Thuyên xuất hiện qua những sáng tác đầu tiên in trên tập san Áo trắng. Qua thời gian và những biến cố trong cuộc sống, trong khi nhiều bạn viết cùng thời đã "rửa tay gác bút", tại sao chị vẫn chọn bầu bạn cùng những trang thơ?

Tôi bắt đầu viết văn và làm thơ từ năm 1997, được kết nạp hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre vào năm 1999. Lúc này tôi 19 tuổi, còn khá trẻ. Sau đó, tôi đi làm, lập gia đình, trải qua nhiều biến cố, làm việc ở nhiều nơi.

Và cũng giống như nhiều cây bút nữ khác, tôi cũng ngưng viết một thời gian vì những lý do riêng. Sau khi cùng gia đình trở về TPHCM sinh sống, tôi làm công việc văn phòng và làm cộng tác viên ngành biên kịch. Đến năm 2012, tôi mới sáng tác trở lại, có thơ và truyện ngắn đăng trên nhiều báo, tạp chí và các trang web văn học.

Đến năm 2019, tôi mới được kết nạp vào Hội Nhà văn TPHCM. Lúc này tôi cũng đã... bớt trẻ. Cũng trong khoảng thời gian này, tôi đã xuất bản được các tập thơ: "Để con về nhà hỏi má" (2017), "Trời mưa cho ướt" (2018) và nhiều tác phẩm văn, thơ in chung khác.

Trở lại sau gần 10 năm gián đoạn, tôi viết ngày càng nhiều hơn, như là để... viết bù. Tôi cũng tích cực tham gia các trại sáng tác, các cuộc thi để trau dồi sức viết, và cũng đã được nhận một số giải thưởng nho nhỏ.

Với tôi, văn chương chính là nơi tuyệt vời nhất để trải lòng, giải tỏa những điều chất chứa ẩn sâu bên trong tâm hồn mình và là nơi vô cùng thú vị để sáng tạo với con chữ. Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, với vốn sống và chất liệu thu được khá nhiều, tôi vẫn luôn ước mong sau này có nhiều thời gian hơn để dành cho việc sáng tác.

+ Những năm gần đây, khi thể thơ 1-2-3 nổi lên như một hiện tượng, Đoàn Thị Diễm Thuyên liên tục xuất hiện qua các sáng tác theo thể thơ này. Điều này cho thấy chị tìm thấy một cách diễn đạt mới cho những cảm hứng của mình?

Với riêng tôi, trải nghiệm và tìm kiếm những ý tưởng mới lạ trong sáng tác, dù của riêng mình hay cộng hưởng cùng người khác cũng đều mang đến cho tôi sự hấp dẫn khó cưỡng. Tôi nghĩ Thơ 1-2-3 đã tạo cho các tác giả một sân chơi với thơ thật sự cần thiết và ý nghĩa, thổi vào một "luồng gió" tươi mới cho văn chương nghệ thuật. Và điều đó thật sự thú vị!

+ Những năm qua sống nơi Sài thành đô hội vất vả mưu sinh nhưng qua chuyện trò với chị vẫn cảm nhận được sự mộc mạc của con gái xứ Dừa, tình yêu với gia đình, các con. Điều đó cũng in đậm trong sáng tác của chị?

Trong làng thơ TPHCM những năm qua, Đoàn Thị Diễm Thuyên là một cái tên đáng chú ý

Trong làng thơ TPHCM những năm qua, Đoàn Thị Diễm Thuyên là một cái tên đáng chú ý

Càng trưởng thành, tôi càng hiểu hơn hai tiếng "hồn quê". Với tôi, quê hương chính là linh hồn, là tâm hồn, luôn hiện hữu ở trong con người tôi trong cách sống hay trong từng cư xử. Còn nơi tôi sống hiện tại cùng gia đình, các con cho tôi những giá trị khác rất thực tế và cần thiết. Tất cả đều là trải nghiệm, là chất liệu tốt nhất để tôi đưa vào sáng tác của mình.

+ Được biết, bên cạnh sáng tác, công việc chính của chị là viết kịch bản phim. Hai mảng sáng tác này của chị hẳn có sự tương hỗ lẫn nhau?

Tôi luôn biết ơn vì cả hai mảng viết lách đều tạo nên cho tôi một cuộc sống ý nghĩa: Thơ là tôi viết vì đam mê. Nghề biên kịch cho tôi một cơ hội học hỏi để phát triển nghề viết và tạo thu nhập cho cuộc sống hiện tại.

Thơ giúp tôi giãi bày tâm tư, gửi gắm ước mơ, phản ảnh góc nhìn đa chiều với cuộc sống muôn màu.

Về tính cá nhân, thơ văn sẽ cho tôi cảm xúc bay bổng, phiêu lưu với ngôn từ theo sở thích, gu của chính mình, hoặc như một cách để chữa lành tâm hồn. Tôi đến với nghề biên kịch phim từ sự dìu dắt ban đầu của đạo diễn, NSƯT Hồ Ngọc Xum, khi được tham gia viết một số tập cùng nhóm biên kịch trong các phim Con ông Hai Lúa, Sui Gia Đại Chiến phát trên Đài Truyền hình Vĩnh Long do thầy Xum làm đạo diễn...

Sau đó, tôi bén duyên cùng nghề biên kịch đến hiện tại. Phim ảnh mang đến cho tôi một thế giới rất thú vị. Đó là một vũ trụ sống động kết hợp cả ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, sắc màu và đòi hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, chiêm nghiệm hoàn hảo hơn về cuộc sống, về kỹ năng viết, tư duy, về cách làm việc tập thể để phục vụ cho cộng đồng.

+ Chị có dự định ra mắt tác phẩm mới nào sau 2 tập thơ riêng đã xuất bản?

Tôi có nhiều bản thảo thơ đang để dành, thuộc nhiều đề tài khác nhau. Vì lý do riêng nên hiện tại vẫn chưa thể xuất bản hết được. Nhưng có một tin vui, vào năm 2025, tôi sẽ ra mắt tập thơ lục bát có tên "Ru say mượn tỉnh - Ru tình mượn nhau".

Tập thơ này được hỗ trợ hoàn toàn về giấy phép và kinh phí xuất bản từ một người rất yêu quý thơ lục bát của tôi. Việc của tôi chỉ là hoàn thành bản thảo cho thật hay và ấn tượng. Đây là tập thơ bộc bạch tất cả nỗi lòng, cung bậc cảm xúc của người phụ nữ dành cho người đàn ông của mình, có phần khá táo bạo về ngôn ngữ và hình ảnh chứa trong thơ.

Và nếu mọi cơ duyên đều thuận lợi, tôi hy vọng sang năm có thể in được một tập thơ 1-2-3 và một tập thơ viết về mẹ và con với bản thảo đã có sẵn.

+Cảm ơn nhà thơ Đoàn Thị Diễm Thuyên. Chúc các dự định của chị sớm thành hiện thực!

Nhà thơ Đoàn Thị Diễm Thuyên sinh năm 1980, quê quán Giồng Trôm, Bến Tre, hiện làm biên kịch phim ở TPHCM; hội viên Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre, Hội Nhà văn TPHCM. Đoàn Thị Diễm Thuyên được nhận giải Ba Cuộc thi Thơ Lục bát 2019 do Tập san Áo Trắng và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức, giải Ba Cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng" năm 2021 của Báo Người Lao Động, giải Tư Cuộc thi "Nhân nghĩa đất phương Nam" năm 2021, giải Ba Cuộc thi thơ dành cho phụ nữ trên Tạp chí Lang Bian lần III - 2022. Gần đây là giải Nhì đồng hạng (không có giải Nhất) cuộc thi Thơ 1-2-3 của năm 2025 do Trang Văn học Sài Gòn và Trang Nhịp sống Văn học tổ chức.

Yên Hà (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nha-tho-doan-thi-diem-thuyen-viet-de-chua-lanh-tam-hon-20250404144632759.htm
Zalo