Bước ngoặt sống còn của doanh nghiệp gia đình thời tư nhân trỗi dậy

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình của Việt Nam.

"Làm sao để đối tác nước ngoài khi ký kết hợp tác với các doanh nghiệp gia đình Việt Nam sẽ luôn an tâm rằng không sợ trễ hàng và chất lượng đảm bảo", ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kỳ vọng trong buổi lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) giữa Hội đồng doanh nghiệp gia đình Việt Nam (VFBC) và PwC Việt Nam.

Bên cạnh việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp gia đình, theo ông Công cần xây dựng một văn hóa doanh nghiệp gia đình của riêng Việt Nam, riêng biệt so với thế giới.

Việt Nam đang ở trong một giai đoạn theo đánh giá của bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam là "cực kỳ hứng khởi".

Khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại, Đông Nam Á tiếp tục nổi bật với đà phát triển ấn tượng. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khu vực này dự kiến đạt mức tăng trưởng GDP 4,7% trong năm 2025, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu là 2,8% do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo.

Trong đó, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, với tốc độ 7,09% trong năm 2024, vượt qua các nước như Philippines, Malaysia và Indonesia. Điều này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế, vừa là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam nếu biết nắm bắt thời cơ.

Trong nước, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025 đã xác định rõ vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, khu vực kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa Việt Nam vào nhóm ba nước đứng đầu ASEAN và nhóm năm nước đứng đầu khu vực châu Á.

Đồng thời, cả nước cũng phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong nền kinh tế và ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Chủ tịch PwC Việt Nam, doanh nghiệp gia đình vẫn là nền tảng cốt lõi của khối doanh nghiệp tư nhân. Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân đều khởi nguồn từ mô hình gia đình, chỉ khi phát triển lớn mạnh, thu hút thêm vốn đầu tư hoặc hợp tác liên doanh thì yếu tố gia đình mới dần giảm bớt vai trò. Tuy vậy, ngay cả khi có sự tham gia của nhà đầu tư bên ngoài thì cấu trúc gia đình vẫn thường giữ vị trí trung tâm. Chỉ sau rất nhiều năm, khi doanh nghiệp đã niêm yết công khai toàn phần, yếu tố gia đình mới thực sự không còn.

Các doanh nghiệp gia đình lại đang bước vào "giai đoạn sống còn", khi câu chuyện chuyển giao kế nghiệp đã đến lúc bắt buộc phải triển khai, khi thế hệ kế nghiệp đang lớn lên về độ tuổi lẫn số lượng trong khi nhiều người thế hệ sáng lập thậm chí đã quá tuổi nghỉ hưu. Nếu chuyển giao không diễn ra một cách hài hòa, sức mạnh nội tại của doanh nghiệp sẽ suy giảm, kéo theo những tác động bất lợi đến cả nền kinh tế.

"Chuyển giao lúc này mới thực sự diễn ra rõ ràng và người trong cuộc nhận ra rằng không hề dễ dàng", bà Vân nói.

Khoảng cách giữa hai thế hệ ngày càng lớn, đặc biệt khi thế giới thay đổi nhanh chóng nhờ công nghệ. Cách làm trước đây từng giúp doanh nghiệp thành công nhưng nay có thể không còn phù hợp. Bối cảnh mới đòi hỏi cách vận hành khác đi, linh hoạt và cập nhật hơn, trong khi thế hệ sáng lập thường không còn đủ sự chuẩn bị để theo kịp những thay đổi đó.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp gia đình Việt Nam (VFBC) cho rằng, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp gia đình Việt Nam đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn, năng lực quản trị hiện đại và sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyển giao thế hệ.

Ký kết hợp tác giữa VFBC và PwC Việt Nam.

Ký kết hợp tác giữa VFBC và PwC Việt Nam.

Chính vì vậy, VFBC và PwC Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU), thiết lập nền tảng hợp tác chiến lược nhằm đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp gia đình Việt Nam trong hành trình phát triển bền vững, chuyển giao thế hệ và nâng cao năng lực quản trị.

Trong đó, PwC Việt Nam sẽ đóng vai trò là đối tác tri thức độc quyền, phối hợp với VFBC tổ chức hội thảo chuyên đề và các chương trình đào tạo nhằm cung cấp, chia sẻ kiến thức chuyên sâu cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Các chủ đề trọng tâm bao gồm chuyển đổi xanh, thực hành ESG, hướng tới mục tiêu netzero, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật dữ liệu trong kỷ nguyên AI, tái cấu trúc doanh nghiệp, quản trị và tối ưu hóa nguồn nhân lực, quản lý nguồn vốn, thuế và pháp lý cho doanh nghiệp gia đình.

“Đây sẽ là những năng lực cốt lõi giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu”, ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, hai bên sẽ cùng thiết kế các chương trình tư vấn xây dựng chiến lược nhằm hỗ trợ thế hệ lãnh đạo đương nhiệm (F1) và kế nghiệp (F2) trước, trong và sau quá trình chuyển giao, giúp doanh nghiệp sẵn sàng ứng phó với các thách thức và nắm bắt cơ hội trong một thị trường ngày càng biến động.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/buoc-ngoat-song-con-cua-doanh-nghiep-gia-dinh-thoi-tu-nhan-troi-day-d40184.html
Zalo