Bước đột phá cải cách môi trường kinh doanh
Ngày 4/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện cố 56/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ.

Sản xuất linh, phụ kiện tại khu Công nghiệp Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính
Công điện nêu, thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026, đến nay, 100% các bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện và 8 Bộ, ngành, 52 địa phương đã hoàn thành việc tổng hợp, thống kê danh mục TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện công bố, công khai TTHC nội bộ. Tuy nhiên, còn 8 Bộ, cơ quan ngang bộ và 11 địa phương chưa hoàn thành tổng hợp, thống kê, công bố, công khai TTHC trước ngày 30/4/2025 theo đúng yêu cầu của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tập trung tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và TTHC nội bộ, bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các TTHC, 30% chi phí tuân thủ TTHC, hoàn thành việc thực thi 100% phương án về phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC đã được phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, 100% thủ tục hành chính nội bộ được cắt giảm, đơn giản hóa phù hợp với quy định mới của pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền và việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Hoàn thành theo đúng tiến độ được giao tại Nghị quyết số 66/NQ-CP.
Đồng thời, các bộ ngành, địa phương rà soát, tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến của bộ, ngành, địa phương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong tháng 6/2025, bảo đảm thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, giảm tối đa giấy tờ; tổ chức triển khai thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh, bảo đảm hoàn thành trong năm 2025. Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên; kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Một doanh nghiệp đang quảng bá về giải pháp AI tại Hội chợ VITM 2025 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4/2025. Ảnh: Khánh Huy
Tập trung vào những điều doanh nghiệp cần nhất
Tại Hà Nội, thời gian qua, TP đã triển khai hàng loạt kế hoạch và quyết định nhằm tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và cải thiện trải nghiệm của người dân. Cải cách TTHC là một trong những trụ cột quan trọng để xây dựng chính quyền số, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh tại Hà Nội. Mục tiêu cụ thể là cắt giảm ít nhất 30% thời gian và chi phí tuân thủ TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2025; đạt 100% số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực vào năm 2025. Tái cấu trúc khoảng 150 TTHC, tập trung vào các lĩnh vực như đất đai, đầu tư, xây dựng và quy hoạch.
Theo UBND TP Hà Nội, tính đến tháng 10/2024, Hà Nội đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 1.191/1.885 TTHC, bao gồm 318 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 872 dịch vụ công trực tuyến một phần. Trong đó, 165 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 727 dịch vụ công trực tuyến một phần đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 4863/QĐ-UBND ngày 13/11/2024, thông qua phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ trong lĩnh vực Nội vụ. Kế hoạch số 281/KH-UBND (28/10/2022) đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% TTHC nội bộ và 20% chi phí tuân thủ trước ngày 1/1/2025. Hà Nội đã rà soát và phê duyệt phương án đơn giản hóa cho hơn 50% TTHC nội bộ, đạt tiến độ đề ra.
Ngày 15/10/2024, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh ký Quyết định số 5390/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội. Trung tâm này hoạt động theo mô hình “một cửa” hiện đại, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, nhằm giảm thời gian di chuyển và chi phí cho người dân. Mục tiêu là đảm bảo mọi cá nhân có thể tiếp cận dịch vụ công trong vòng 30 phút hoặc bán kính 5 km, với khả năng phục vụ 24/7.
Trung tâm đã phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ. Đặc biệt, Trung tâm tham mưu xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ việc số hóa tài liệu tập trung, đảm bảo dữ liệu được khai thác và sử dụng hiệu quả.
Từ ngày 15/3/2025, Hà Nội điều chỉnh địa điểm thực hiện một số TTHC tại các sở, ngành và Văn phòng Đăng ký đất đai để nâng cao chất lượng phục vụ. Người dân được khuyến khích tra cứu thông tin trên Cổng thông tin điện tử của TP để tiết kiệm thời gian.
Mục tiêu hoàn thiện 100% tái cấu trúc TTHC vào năm 2025 đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và nguồn lực lớn từ các cơ quan liên quan. Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngày 7/5, UBND TP ban hành Công văn số 1824/UBND-NC về việc triển khai thực hiện Công điện số 56/CĐ-TTg ngày 4/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã: tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và TTHC nội bộ, bảo đảm các chỉ tiêu: bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết các TTHC; giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ TTHC; hoàn thành thực thi 100% phương án về phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC đã được phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; 100% các TTHC nội bộ được cắt giảm, đơn giản hóa phù hợp với quy định mới của pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền và việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
UBND TP yêu cầu tập trung thực hiện việc rà soát, tái cấu trúc quy trình, tích hợp và cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện theo ngành, lĩnh vực quản lý lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong tháng 6/2025. Trung tâm Phục vụ Hành chính công được giao khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã giao, thống kê danh mục thủ tục hành chính liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh và công bố, công khai đầy đủ thủ tục hành chính nội bộ theo đúng yêu cầu của Chính phủ.
Theo TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, đơn giản hóa 30% TTHC, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho DN phát triển, việc này có tác động rất lớn đến DN, đặc biệt đối với DN nhỏ và vừa - chiếm tỷ trọng tới khoảng 98% tổng số DN tại Việt Nam. Các DN nhỏ và vừa thường gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chính sách, nguồn vốn, và mở rộng thị trường do các rào cản về thủ tục hành chính. Khi quy trình được đơn giản hóa, DN sẽ giảm bớt gánh nặng về chi phí tuân thủ, thời gian chờ đợi, từ đó tập trung hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Không chỉ DN mới, các DN hiện tại cũng hưởng lợi. Trong xuất nhập khẩu, giảm kiểm tra chuyên ngành và thủ tục hải quan giúp rút ngắn thời gian thông quan, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Môi trường kinh doanh minh bạch, ít rào cản sẽ thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho DN nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam dễ dàng hơn. Điều này thúc đẩy dòng vốn FDI và mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế. Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do như: EVFTA, CPTPP… Nếu chúng ta không kịp thời cải cách, môi trường đầu tư sẽ trở thành rào cản lớn, khiến DN Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.