Bước chuyển nhân văn vì một nền giáo dục hiện đại

Tổ chức dạy học hai buổi/ngày, miễn phí từ năm học 2025-2026 là bước chuyển chính sách lớn, thể hiện rõ tinh thần nhân văn sâu sắc, hướng đến xây dựng một nền giáo dục công bằng, hiện đại và toàn diện cho đất nước. Để chính sách đúng mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn, không chỉ đòi hỏi năng lực hành động của ngành giáo dục mà còn cần một cơ chế thực thi bài bản, đồng bộ và linh hoạt.

Mở rộng cơ hội học tập cho mọi học sinh

Giáo dục Việt Nam đang chứng kiến một trong những chuyển động chính sách có tính bước ngoặt, khi Đảng và Nhà nước xác định rõ định hướng: Miễn học phí cho học sinh phổ thông công lập, hỗ trợ bữa ăn bán trú và tổ chức dạy học hai buổi/ngày miễn phí trên toàn quốc từ năm học 2025-2026. Những chính sách này không chỉ phản ánh tinh thần “lấy con người làm trung tâm” trong phát triển mà còn là cam kết cụ thể về việc bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, điều kiện tiên quyết để xây dựng một xã hội văn minh, bền vững.

Chủ trương dạy học hai buổi/ngày được thiết kế trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bắt buộc triển khai ở cấp tiểu học, đã có những bước triển khai ban đầu khá tích cực. Tính đến năm 2019, gần 80% học sinh tiểu học học hai buổi/ngày. Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Ngọc Thưởng: Hiện, con số này đã đạt 100% ở cấp tiểu học và hơn 20 tỉnh, thành phố đã tổ chức mô hình này ở bậc THCS. Một số địa phương như Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ... đã triển khai đại trà học hai buổi/ngày. Các địa phương tổ chức học 5 ngày/tuần, mỗi ngày không quá 7 tiết và phần lớn không thu học phí buổi thứ hai để tạo sự đồng thuận xã hội.

 Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Hội Hợp B, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Hội Hợp B, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, tại các đô thị lớn như Hà Nội, việc triển khai còn gặp khó khăn (chỉ 50-60% học sinh THCS tại một số quận nội thành học hai buổi/ngày) do thiếu phòng học, thiếu giáo viên ở các môn chuyên biệt như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Giáo dục thể chất. Cô giáo Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (Hà Nội), chia sẻ: “Nhà trường tổ chức dạy hai buổi/ngày theo chỉ đạo ngành, buổi sáng dành cho các môn học bắt buộc theo chương trình, buổi chiều tập trung vào các hoạt động giáo dục bổ trợ như ôn tập, rèn kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm, thể chất, nghệ thuật... Kế hoạch được xây dựng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, trường cũng gặp khó khăn do thiếu phòng học, phải chia 2 ca sáng-chiều cho 4 khối lớp; sĩ số học sinh đông, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động buổi chiều. Đội ngũ giáo viên, đặc biệt là môn năng khiếu và kỹ năng sống, còn thiếu và hạn chế chuyên môn, gây áp lực trong triển khai toàn diện”.

Để chính sách đúng đi vào thực tế

Chủ trương tổ chức dạy học hai buổi/ngày miễn phí từ năm học 2025-2026 nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và tích cực từ đông đảo giáo viên, cán bộ quản lý và các chuyên gia giáo dục trên cả nước. Bên cạnh niềm tin và kỳ vọng lớn lao, vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước những thách thức thực tế khi triển khai chủ trương này.

Điều quan tâm nhất hiện nay là nguồn lực tài chính. Nhiều địa phương còn khó khăn, nếu ngân sách phân bổ không bảo đảm thì việc thực hiện các chủ trương lớn như vậy sẽ gặp nhiều trở ngại. Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống cần một cơ chế thực thi đủ mạnh, đủ bền vững. PGS, TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: "Hiện nay, chúng ta đang ở giữa một “đại công trường cải cách giáo dục”, với nhiều mảnh ghép quan trọng như pháp lý, tài chính, nhân lực chưa được khớp nối hiệu quả. Để tạo thành bức tranh đồng bộ, điều kiện tiên quyết là đổi mới toàn diện từ tư duy chính sách đến khâu tổ chức thực hiện. Theo đó, 3 trụ cột cần khớp nối là: Hệ thống pháp lý vững chắc sẽ bảo đảm chính sách có cơ sở thực thi lâu dài, không mang tính thử nghiệm hay dễ thay đổi theo nhiệm kỳ; hai là, giám sát minh bạch là để bảo đảm ngân sách đến đúng nơi, đúng việc, không bị thất thoát hay làm sai lệch mục tiêu ban đầu; ba là, cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả, không để Bộ GD-ĐT “đơn thương độc mã” mà có sự vào cuộc đồng bộ của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và cả các địa phương...".

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: “Đổi mới giáo dục không chỉ là thay sách giáo khoa hay tăng thời lượng học. Đó là quá trình thay đổi tư duy lãnh đạo, cách tổ chức lớp học, từng suất ăn trưa hay cả việc bố trí không gian sáng tạo cho học sinh. Muốn làm được, phải có cách tiếp cận hệ thống, không chắp vá”.

Việc dạy học hai buổi/ngày đòi hỏi bảo đảm đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đồng thời có chế độ đãi ngộ hợp lý. Giáo viên không thể giảng dạy cả ngày mà không có phụ cấp hoặc chế độ đãi ngộ tương xứng. Các vấn đề như bữa trưa, giờ học chiều, phòng nghỉ cho học sinh là “nút thắt nhỏ” nhưng cần được tháo gỡ đồng bộ, nếu không chủ trương rất dễ bị lệch hướng. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ số trong quản lý, từ công khai tài chính đến giám sát chất lượng, nhằm minh bạch chính sách và tăng niềm tin xã hội.

Thầy giáo Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), chia sẻ: “Cần xây dựng một chương trình dạy học hai buổi/ngày thật sự phù hợp. Không chỉ đơn giản là mở cửa trường cho học sinh được tự do vui chơi, trải nghiệm, tận dụng cơ sở vật chất của các nhà trường. Nếu không tính kỹ, sẽ làm sai lệch mục tiêu giáo dục toàn diện”.

Trước băn khoăn các địa phương không tự cân đối được ngân sách thực hiện chính sách miễn học phí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đến nay đã có 10 tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện miễn học phí ở cấp phổ thông. Với những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ để bảo đảm chính sách được thực hiện thống nhất. Đối với quy định hỗ trợ học phí cho người học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, Bộ trưởng cho biết, dự thảo nghị quyết đã quy định HĐND các tỉnh, thành phố xác định mức học phí hỗ trợ cho trường công thì sẽ hỗ trợ cho học sinh các trường ngoài công lập với mức tương đương, phần chênh lệch thì cha mẹ, phụ huynh, người giám hộ sẽ đóng thêm. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Bộ sẽ chuẩn bị phương án để tổ chức buổi dạy thứ hai trong nhà trường với tinh thần không được thu bất kỳ chi phí, học phí nào từ phía người học, triển khai bắt đầu từ năm học tới”.

Theo Quân đội nhân dân

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/buoc-chuyen-nhan-van-vi-mot-nen-giao-duc-hien-dai-a421599.html
Zalo