BTV chuyển mình trong kỷ nguyên số

Chiến lược 'Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030' do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ngày 6-4-2023, mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Thực hiện Chiến lược 'Chuyển đổi số báo chí', Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương (BTV) đã có những bước chuyển mình, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong kỷ nguyên số.

Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Trong công cuộc đổi mới và phát triển, tỉnh Bình Dương đề ra mục tiêu trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Nhiều năm liền, Bình Dương trong top 7 và top 1 Cộng đồng thành phố thông minh thế giới.

Không thể nằm ngoài quy luật phát triển, các cơ quan báo chí trong tỉnh Bình Dương nói chung, BTV cũng phải chuyển mình trong kỷ nguyên số.

Tiến tới vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ

Theo Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số; 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí; 100% cơ quan báo chí điện tử có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên.

Thực hiện chiến lược này, BTV đã xây dựng Đề án Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đề án vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ. Trong đó, làm rõ khái niệm cơ quan báo chí được tổ chức theo mô hình tòa soạn hội tụ trong chuyển đổi số phải thực hiện đồng bộ trên tất cả các mặt: không gian hội tụ; nhà báo hội tụ “chuyển đổi số toàn diện”; kỹ thuật trí tuệ nhân tạo; quản lý thông minh.

Về không gian hội tụ, đây là không gian mở, giúp lãnh đạo và nhân viên giao lưu với nhau nhiều hơn, trao đổi ý tưởng trực tiếp sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Thuận lợi của BTV là với cơ sở hạ tầng được đầu tư rộng rãi, khang trang, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu không gian hội tụ, không gian đa phương tiện trong cơ quan báo chí.

Nhà báo hội tụ “chuyển đổi số toàn diện”, trong một tòa soạn thời đại chuyển đổi số, yêu cầu phóng viên, biên tập viên phải làm được nhiều điều khác biệt. Nhà báo phải hội tụ, đa năng, “chuyển đổi số toàn diện”, nghĩa là phải có tri thức, trình độ văn hóa, ngoại ngữ; thành thạo kỹ năng xử lý ngôn ngữ đa phương tiện, làm chủ kỹ thuật, công nghệ làm báo hiện đại, sản xuất các sản phẩm truyền thông cho nhiều loại hình.

Để có đội ngũ nhà báo hoạt động trong tòa soạn hội tụ, BTV đã không ngừng đào tạo và đào tạo lại lực lượng hiện có của mình. Với đội ngũ dày dạn kinh nghiệm làm báo, BTV đã mở thêm các lớp bồi dưỡng, đào tạo về đồ họa, kỹ năng sử dụng công nghệ làm báo digital; kỹ năng khai thác, kiểm chứng thông tin số; kỹ năng sáng tạo và tổ chức sản phẩm báo chí đa phương tiện; kỹ năng khai thác, xử lý tài nguyên dữ liệu số; kỹ năng bảo mật thông tin số; kỹ năng làm việc với AI, ChatGPT… Thời đại 4.0 thì nhà báo sẽ nhiều thuận lợi, ít vất vả hơn trong quá trình tác nghiệp, bởi các công nghệ thông minh, hiện đại, các máy tính, trí tuệ nhân tạo đã thay thế hoặc bổ trợ cho các hoạt động thường ngày của con người. Tuy nhiên, các nhà báo, phóng viên phải luôn trong tâm thế học tập để thích ứng với những đổi mới, làm chủ công nghệ mới, phải đa năng, chuyên nghiệp hơn, phát huy hết sự tích cực của công nghệ mới, đồng thời không để mặt trái của công nghệ mới ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình làm nghề. Từ đó, lực lượng nhà báo của BTV đã không ngừng thay đổi, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng.

Kỹ thuật trí tuệ nhân tạo, trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, nội dung số, kỹ thuật giữ vai trò rất quan trọng, được xem là “vua” trong đánh giá chất lượng sản phẩm báo chí, đặc biệt là “giữ chân” công chúng. Chính vì vậy, BTV không ngừng đồng bộ, hiện đại trang thiết bị kỹ thuật. Mở các lớp bồi dưỡng cũng như tổ chức cho đội ngũ kỹ thuật viên kịp thời cập nhật kiến thức mới, phần mềm hiện đại, công nghệ tiên tiến. Từ đó, đã hỗ trợ triển khai thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên những nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với công chúng, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu công chúng; phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của công chúng; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng công chúng.

Quản lý thông minh, để chuyển đổi số thành công, người đứng đầu cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng, là người quyết định chiến lược của đơn vị. Ngoài việc hiểu rõ đặc trưng từng loại hình báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí cũng như đội ngũ cán bộ quản lý phải biết vận dụng công nghệ số vào thực tiễn, tư duy số mang tính hệ thống, quản lý bằng hệ thống trang thiết bị, phần mềm thông minh. Điều cần ở đội ngũ cán bộ quản lý cơ quan báo chí là tư duy “đi tắt đón đầu” công nghệ, hành động quyết liệt với các mục tiêu cụ thể cần đạt được. Đưa nội dung lên nền tảng số; tổ chức lại nhân sự phù hợp để vận hành mô hình tòa soạn hội tụ; phát triển báo chí mạng xã hội; sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số; triển khai các ứng dụng AI, Chatbot, ChatGPT; cử lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí...

Kết quả của BTV trong chuyển đổi số

Với những nỗ lực không ngừng của BTV, liên tiếp trong 2 năm 2023, 2024, kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì công nhận BTV đạt loại tốt. Đây là điều đáng khích lệ, là minh chứng BTV sẵn sàng chấp nhận chuyển đổi số. Cả hệ thống đội ngũ nhân sự của BTV từ lãnh đạo đến viên chức, người lao động sẵn sàng thay đổi, học tập, rèn luyện, sử dụng công cụ mới, công nghệ, phương thức sản xuất, phương pháp quản lý mới.

Trên cơ sở kết quả đạt được, BTV tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xem đây là điều kiện tiên quyết để BTV đóng góp phần nhỏ vào sự phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Công nghệ số, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu của xã hội. Chuyển đổi số đang dẫn dắt báo chí khai phá những tiềm năng truyền thông siêu lớn dựa trên nền tảng công nghệ tân tiến và năng lực sáng tạo vô tận của con người. Chính vì vậy, kịp thời hành động và không ngừng thay đổi là yếu tố cần thiết để BTV tiếp tục chuyển mình trong kỷ nguyên số, tiếp tục làm tốt vai trò là cơ quan thông tin đại chúng của địa phương.

Nguyễn Thanh Quang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/173100/btv-chuyen-minh-trong-ky-nguyen-so
Zalo