Động lực để phấn đấu

Với tinh thần tận tụy, trách nhiệm và say mê sáng tạo, Thiếu tá, kỹ sư Nguyễn Thị Tâm, kỹ thuật viên Khoa Trang bị, Bệnh viện Quân y 4 (Cục Hậu cần-Kỹ thuật Quân khu 4) không chỉ làm chủ hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại mà còn có nhiều sáng kiến giá trị, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn.

Tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự năm 2014, Nguyễn Thị Tâm được điều động về công tác tại Bệnh viện Quân y 4. Những ngày đầu nhận nhiệm vụ là quãng thời gian đầy thử thách đối với một kỹ sư trẻ khi lần đầu tiếp cận hệ thống thiết bị y tế hiện đại, đa dạng và mang tính đặc thù cao. “Thời gian đầu, tôi thực sự rất vất vả bởi kiến thức học ở trường là vậy, nhưng để áp dụng vào thực tiễn thật không đơn giản. Nhiều thiết bị tôi chưa từng tiếp xúc, thậm chí không hiểu rõ nguyên lý hoạt động. Tôi đã phải tự mày mò tìm tài liệu, học hỏi từ đồng nghiệp và kiên trì nghiên cứu để làm chủ công nghệ”, Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm chia sẻ.

Với tinh thần cầu thị, sự kiên trì và niềm đam mê nghề nghiệp, chị đã nhanh chóng làm chủ các loại máy móc, thiết bị, từ đơn giản đến hiện đại. Đối với chị, công việc sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là trách nhiệm góp phần bảo đảm an toàn và nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh. “Mỗi thiết bị hoạt động ổn định trong ca mổ là thêm một cơ hội sống cho người bệnh”, chị nói.

 Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm kiểm tra tình trạng kỹ thuật máy ly tâm Bio-Rad trước khi sử dụng.

Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm kiểm tra tình trạng kỹ thuật máy ly tâm Bio-Rad trước khi sử dụng.

Một kỷ niệm sâu sắc của chị là lần thiết bị nội soi gặp sự cố giữa ca phẫu thuật tuyến tiền liệt cho một bệnh nhân cao tuổi có bệnh nền tim mạch. Khi ca mổ đang ở giai đoạn then chốt, máy nội soi bất ngờ ngừng hoạt động. Nhận được thông báo khẩn cấp từ kíp mổ, chị lập tức có mặt, khẩn trương kiểm tra và nhanh chóng khắc phục sự cố chỉ trong vài phút, giúp ca phẫu thuật tiếp tục được tiến hành suôn sẻ. Ca mổ thành công, chị và cả kíp mổ thở phào nhẹ nhõm. Đó là một trong rất nhiều lần chị âm thầm “giữ mạch sống” cho thiết bị, góp phần bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Để làm được điều đó, Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm đã dành không ít thời gian và tâm huyết bên những máy móc, thiết bị. Không ít đêm, khi đồng hồ đã chỉ sang 22 giờ, chị vẫn miệt mài trong phòng kỹ thuật, tỉ mẩn kiểm tra từng chi tiết máy móc để bảo đảm an toàn cho những ca mổ ngày hôm sau.

Không dừng lại ở việc bảo đảm kỹ thuật, chị còn chủ động nghiên cứu, tìm tòi sáng kiến, cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả công việc. Một trong những công trình tiêu biểu của chị là sáng kiến “Máy hỗ trợ chẩn đoán bệnh động mạch ngoại vi bán tự động”. Thiết bị cho phép đo huyết áp tứ chi, đồng thời thông qua các module tự động, giúp rút ngắn thời gian, nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán bệnh lý động mạch ngoại biên, đồng thời tiết kiệm chi phí gấp nhiều lần so với phương pháp thủ công trước đây.

Đánh giá về sáng kiến này, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Nhật Tâm, Phó chủ nhiệm khoa Nội tim-thận-khớp-hô hấp-nội tiết, Bệnh viện Quân y 4 cho biết: “Thiết bị hỗ trợ chẩn đoán bệnh động mạch ngoại vi bán tự động của đồng chí Tâm có giá trị thực tiễn cao. Thiết bị giúp phát hiện sớm bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến mạch vành và đột quỵ, góp phần nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân”.

Với lòng yêu nghề, đam mê sáng kiến, thời gian qua, Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm đã cho ra đời nhiều sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn như: Mạch điều khiển bóng đèn tiêu điểm của máy X-quang; Bộ điều khiển, hiển thị nhiệt độ tủ cấy vi sinh; Tủ bảo quản mẫu di động; Máy rửa dược liệu... Chia sẻ về quá trình nghiên cứu, chị Tâm cho biết: “Để biến ý tưởng thành sản phẩm hoàn chỉnh là một quá trình không đơn giản. Có những lúc tưởng đã đi đúng hướng, nhưng khi làm xong kết quả lại không như mong đợi, buộc tôi phải điều chỉnh thiết kế, thậm chí làm lại từ đầu. Cũng có lúc tôi cảm thấy nản lòng, nhưng nghĩ đến lợi ích của người bệnh, tôi lại quyết tâm theo đuổi đến cùng...”.

Nói về đồng nghiệp của mình, Trung tá Đặng Ngọc Thành, Trưởng khoa Trang bị cho biết: “Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm là một kỹ sư giỏi, có tay nghề vững, luôn chủ động trong công việc, tích cực học hỏi và nghiên cứu đổi mới. Các sáng kiến của đồng chí không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật, phục vụ hiệu quả công tác khám, điều trị tại Bệnh viện”.

Với những nỗ lực không ngừng, Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm đã được cấp trên tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, các sáng kiến, cải tiến của chị cũng giành nhiều giải thưởng quan trọng như Giải thưởng Nguyễn Viết Xuân cấp Quân khu, Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội. Chia sẻ về những thành tích của bản thân, Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm khiêm tốn cho rằng, đó là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, của đồng chí, đồng đội và nhất là sự đồng hành, ủng hộ của gia đình, người thân. Điều này trở thành động lực tinh thần to lớn để chị tiếp tục nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa.

Bài và ảnh: TRÀ MY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/dong-luc-de-phan-dau-829720
Zalo