NASA cảnh báo sự cố khủng khiếp toàn cầu, Huawei tham vọng 'thổi bay' Windows

NASA cảnh báo sự cố khủng khiếp toàn cầu, Huawei tham vọng 'thổi bay' Windows... là những thông tin nổi bật trong bản tin công nghệ thứ 7 tuần này.

NASA cảnh báo sự cố khủng khiếp toàn cầu

NASA đã phát đi cảnh báo sau khi một vụ phun trào năng lượng cực mạnh từ Mặt trời xảy ra vào tuần trước. Sự kiện này được phân loại là bão Mặt trời cấp X2.7 - cấp cao nhất trong thang đo bão Mặt trời.

NASA cảnh báo bão Mặt trời cấp X2.7 - cấp cao nhất trong thang đo bão Mặt trời. Ảnh: NASA

NASA cảnh báo bão Mặt trời cấp X2.7 - cấp cao nhất trong thang đo bão Mặt trời. Ảnh: NASA

Vụ bùng phát X2.7 xảy ra vào ngày 14/5, phát ra từ vùng hoạt động mạnh nhất của Mặt trời, hiện đang xoay trực tiếp về phía Trái Đất.

Sự kiện này đã gây mất liên lạc vô tuyến ở châu Âu, châu Á và Trung Đông, cùng với một số gián đoạn năng lượng tại khu vực phía đông nước Mỹ.

NASA cảnh báo rằng sẽ còn nhiều đợt bùng phát tiếp theo, với nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống liên lạc vô tuyến, lưới điện, tín hiệu định vị, và đe dọa các tàu vũ trụ cũng như phi hành gia.

Thang bão Mặt trời được xếp thành năm bậc là A, B, C, M và X, với mỗi bậc cao hơn biểu thị mức tăng gấp 10 lần về năng lượng.

Văn phòng Khí tượng Anh (Met Office) báo cáo rằng hiện tại có tới 5 vùng vết đen Mặt trời đang có thể quan sát được từ phía Trái Đất. Ngoài ra, một vùng hoạt động từ tính mới đang xoay vào tầm nhìn ở phía đông nam Mặt trời.

Sự gia tăng hoạt động Mặt trời này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi thời tiết không gian, nhất là khi xã hội ngày càng phụ thuộc vào công nghệ.

Liên lạc vô tuyến tần số cao, vốn quan trọng trong hàng không và hàng hải, đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết không gian như vậy.

Hiện tại, Trái Đất có thể vẫn được an toàn, vì vùng hoạt động mạnh AR4087 vẫn nằm gần rìa Mặt trời, chưa hoàn toàn hướng trực diện về phía hành tinh của chúng ta.

Huawei tham vọng 'thổi bay' Windows

Huawei vừa giới thiệu HarmonyOS - hệ điều hành dành cho máy tính cá nhân đầu tiên, tương tự Windows của Microsoft, giữa lúc Trung Quốc tăng cường thay thế công nghệ Mỹ.

Mẫu laptop Huawei MateBook Pro chạy HarmonyOS 5. Ảnh: Xinhua

Mẫu laptop Huawei MateBook Pro chạy HarmonyOS 5. Ảnh: Xinhua

Bloomberg đánh giá việc gia nhập thị trường hệ điều hành PC cho thấy tham vọng của Huawei trong tận dụng sự “phân ly” công nghệ Mỹ - Trung và định vị bản thân như nhà cung ứng phần mềm quan trọng tại thị trường nội địa.

HarmonyOS đã sẵn sàng chạy trên laptop gập MateBook Fold. Theo Giám đốc mảng tiêu dùng Richard Yu, Huawei đang làm việc để hệ điều hành tương thích với hơn 2.000 ứng dụng, bao gồm WeChat và QQ.

Trong sự kiện phát sóng trực tiếp hôm 19/5, ông Yu cho rằng các hãng công nghệ Mỹ như Microsoft, Apple không hỗ trợ dải thiết bị rộng nhưng lại toàn quyền kiểm soát ngành công nghiệp.

“Windows và macOS thống trị thị trường hàng thập kỷ, dẫn đến mức độ tập trung hệ sinh thái ứng dụng cao và rào cản lớn. Chúng tôi chọn con đường gian nan nhưng đúng đắn, bất chấp Trung Quốc đi sau với nền tảng yếu”, ông phát biểu.

HarmonyOS là lời đáp trả Google Android của Huawei, sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm công ty tiếp cận hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới vào năm 2019. Một loạt smartphone Huawei, gồm Mate 70 và Pura X, sử dụng nền tảng này.

Huawei đang dần thay thế Windows trên các dòng máy tính của mình giữa lúc Bắc Kinh tìm cách loại bỏ mọi công nghệ Mỹ có thể.

CEO Nvidia dành 'mưa' lời khen cho AI Trung Quốc

CEO Nvidia Jensen Huang dành 'cơn mưa' lời khen cho các chuyên gia AI, DeepSeek và Huawei của Trung Quốc, gọi họ là 'đáng gờm' và 'đẳng cấp thế giới'.

CEO Nvidia Jensen Huang trong chuyến công tác Trung Quốc hồi tháng 4. Ảnh: Weibo

CEO Nvidia Jensen Huang trong chuyến công tác Trung Quốc hồi tháng 4. Ảnh: Weibo

“Các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học AI tại Trung Quốc, họ đạt đẳng cấp thế giới”, ông Huang nói trong cuộc phỏng vấn mới đây. Ông cho biết, chỉ cần đến các công ty AI lớn của Mỹ như Anthropic, OpenAI hay DeepMind là có thể thấy hàng tá nhà nghiên cứu đến từ đất nước châu Á.

Ông nhiều lần lặp lại từ “phi thường” khi nói về nhân sự AI của Trung Quốc.

Nhìn dưới góc độ tổng thể một quốc gia, Trung Quốc đang làm những điều “tuyệt vời” trên thị trường AI. Các mô hình như DeepSeek, Manus nổi lên như những kẻ thách thức các hệ thống của Mỹ.

CEO Nvidia cho rằng những thách thức mà các đối thủ quốc tế đặt ra là tuyệt đối cần thiết để doanh nghiệp AI Mỹ tiếp tục cải thiện.

Ông cũng không quên nhắc đến Huawei – “một công ty đáng gờm”. “Họ là một công ty công nghệ đẳng cấp thế giới”, ông tiếp tục.

Huang là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ quy định cấm xuất khẩu chip dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ngày 12/5, Nhà Trắng thông báo sẽ hủy bỏ quy định chỉ vài ngày trước khi có hiệu lực.

Theo Huang, ý tưởng hạn chế các nước tiếp cận công nghệ Mỹ hoàn toàn sai lầm. Thay vào đó, nên thúc đẩy ứng dụng công nghệ Mỹ ở mọi nơi trước khi quá muộn. “Nếu mục tiêu là nước Mỹ dẫn đầu, quy định đã làm điều ngược lại”, ông nhận xét.

(Tổng hợp)

Hải Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nasa-canh-bao-su-co-khung-khiep-toan-cau-huawei-tham-vong-thoi-bay-windows-2404254.html
Zalo