Bồi đắp phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ

Hàng trăm tấm gương là những đại diện tiêu biểu cho cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh luôn hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân được phản ánh thông qua Cuộc thi viết 'Những tấm gương bình dị mà cao quý' lần thứ 15 (năm 2023-2024) với chủ đề 'Dấu ấn bộ đội thời bình'. 15 năm qua, hàng nghìn tấm gương bình dị mà cao quý trên nhiều lĩnh vực đã được tôn vinh qua Cuộc thi viết 'Những tấm gương bình dị mà cao quý', qua đó góp phần bồi đắp phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ, lan tỏa giá trị nhân văn của con người Việt Nam.

Những dấu ấn của bộ đội thời bình

Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 15 (năm 2023-2024) với chủ đề "Dấu ấn bộ đội thời bình" do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) chủ trì, phối hợp với Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Nhà xuất bản QĐND; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á tổ chức. Đây là một dấu mốc đặc biệt trong hành trình 15 năm do Báo QĐND và các đơn vị phối hợp tổ chức. Bởi nhân vật, đối tượng được phản ánh trong cuộc thi lần này đã và đang là Bộ đội Cụ Hồ.

Hội đồng chung khảo Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 15 (năm 2023-2024) họp chấm giải. Ảnh: PHÚ SƠN

Hội đồng chung khảo Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 15 (năm 2023-2024) họp chấm giải. Ảnh: PHÚ SƠN

Như đồng chí Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức cuộc thi nhấn mạnh: "Cuộc thi nhằm phát hiện, tôn vinh tấm gương tiêu biểu, là bộ đội, cựu chiến binh, đã và đang công tác có những cống hiến, đóng góp xuất sắc, để lại những dấu ấn trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, công cuộc dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới".

Đây là một trong những hoạt động chính trị quan trọng của Báo QĐND nhằm hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024) và 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024).

Sau hơn một năm phát động, cuộc thi đã thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp và cộng tác viên ở các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội trên khắp mọi miền đất nước. Số lượng tác phẩm dự thi gấp nhiều lần các năm trước. Rất nhiều bài viết được đầu tư công phu, có nhiều vệt bài từ 2 đến 3 kỳ, thể hiện tinh thần lao động dấn thân, sự tìm tòi phát hiện tấm gương tiêu biểu xuất sắc trên mọi mặt công tác của Quân đội ta. Trong đó có tới hàng chục tác phẩm viết về các anh hùng, tướng lĩnh, những người từng kinh qua trận mạc nay tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ, tâm sức để lại dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng, kiến thiết đất nước.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, thành viên Hội đồng chung khảo cuộc thi, chia sẻ: "Khi đọc các tác phẩm ở vòng chung khảo lần này, tôi thực sự xúc động và tự hào về những cán bộ, chiến sĩ của Quân đội ta. Những truyền thống của QĐND trong thời kỳ chiến tranh tiếp tục được thể hiện trong thời bình. Có nhiều bài viết tôi đã đọc đi đọc lại khá nhiều lần và nhận thấy tác phẩm năm nay chất lượng tốt. Tinh thần của cuộc thi "dấu ấn bộ đội thời bình" đã được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm dự thi".

Tác giả Trần Hoàng Tiến trong vệt bài "Dấu chân Đại tướng Ba Trà" đã khắc họa chân dung Đại tướng Phạm Văn Trà, một người trưởng thành từ chiến sĩ đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Hơn nửa thế kỷ trong quân ngũ, dấu chân Đại tướng Ba Trà đã in đậm trên những nẻo đường quê hương, từ chiến trường tới nước bạn... Về với đời thường, bước chân không mỏi của ông lại có mặt nơi đảo xa, các địa phương ở Tây Nam Bộ và nhiều tỉnh, thành phố để xây dựng những ngôi chùa “hộ quốc, an dân". Ông muốn thông qua đây góp phần truyền bá tư tưởng yêu nước, văn hóa tốt đẹp, truyền thống hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc cho thế hệ hôm nay, mai sau và tri ân công đức tiền nhân.

“Trước ba quân uy danh dũng tướng/ Giữa lòng dân rạng rỡ anh hùng”. Đó là câu đối do Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu viết tặng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước để bày tỏ sự kính trọng, ngưỡng mộ một trong những vị tướng tài đức vẹn toàn, bình dị mà cao quý của Quân đội ta để lại dấu ấn đậm nét cả trong thời chiến đến thời bình hiện nay.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vốn là nhân vật rất quen thuộc với cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, nay trở thành nhân vật trong tác phẩm dự thi "Dũng tướng uy danh trận mạc, tài đức vẹn toàn" của tác giả Nguyễn Mạnh Đẩu. Theo tác giả bài viết, ở Trung tướng Nguyễn Quốc Thước luôn tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vì dân, vì nước và sáng đẹp nghĩa tình đồng đội. Cốt cách con người ông, trí dũng đã hòa quyện với nhân văn...

Bên cạnh các tướng lĩnh, cựu chiến binh tuổi cao vẫn xông pha trên mặt trận mới, nhiều nhân vật trong các tác phẩm dự thi là những cán bộ, chiến sĩ, doanh nhân, vận động viên, nghệ sĩ miệt mài lao động sáng tạo; y sĩ, bác sĩ tận tâm vì người bệnh, góp phần phát triển y học Việt Nam; nhà khoa học, kỹ sư trẻ tài năng tìm tòi, khám phá làm chủ khoa học-công nghệ, khẳng định bản lĩnh quân nhân, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng... Một trong những nhân vật tiêu biểu đó là Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh (Trung tâm Dịch vụ an toàn thông tin, Công ty An ninh mạng Viettel, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội). Là một "hacker mũ trắng", anh chính là người tìm ra hơn 500 lỗ hổng bảo mật trên nền tảng tìm kiếm lỗ hổng bảo mật lớn nhất toàn cầu BugCrowd. 4 năm liên tiếp (2020-2023), Tuấn Anh đều lọt vào bảng xếp hạng các chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới trên nền tảng này cùng nhiều thành tích xuất sắc khác.

Trong hành trình vẻ vang của 80 năm QĐND, 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, có những người chiến sĩ lặng lẽ góp trí tuệ, công sức, miệt mài để viết ra những trang văn về người lính, trong chiến tranh và hòa bình, trong đạn bom khốc liệt và thời cơ chế thị trường phức tạp. Những người viết ra những trang văn ấy không chỉ giỏi chữ nghĩa, dày vốn sống mà cái chính yếu là phải có trái tim luôn cùng nhịp đập với người chiến sĩ, với nhân dân, với Tổ quốc trong toàn bộ cuộc đời mình.

Nhà văn Chu Lai là một trong số đó. Theo tác giả Phùng Văn Khai trong tác phẩm "Nhà văn Chu Lai tha thiết với đề tài người lính trong văn chương", anh coi nhà văn Chu Lai là một tượng đài văn chương trước tiên và trước hết chính là sự lao động nghệ thuật đến tận cùng của ông. Nhà văn-chiến sĩ này luôn như ngọn đèn hải đăng dẫn đường và đồng hành với thế hệ trẻ trong đời sống và nghiệp bút hôm nay...

Và còn biết bao tấm gương người chiến sĩ làm nhiệm vụ khó khăn, vất vả nơi biên cương, hải đảo của Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Dù trong hoàn cảnh nào, họ cũng luôn nỗ lực, cố gắng, phát huy phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ, để lại dấu ấn, hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang 80 năm QĐND Việt Nam.

Đúng như lời tâm sự của Đại úy, Thạc sĩ, bác sĩ Lã Văn Tuấn, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), khi đứng giữa biển trời bao la với những cánh chim hải âu tung bay trên ngọn sóng, rằng: “Ra đây rồi chúng tôi thấy trong đầu mình không còn tồn tại suy nghĩ toan tính thiệt hơn, sướng khổ, mà tất cả là vì tình yêu Tổ quốc, vì sức khỏe của bộ đội và nhân dân”.

Tiếp tục tôn vinh giá trị chân - thiện - mỹ

Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" do Báo QĐND chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị đồng hành tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Từ đó đến nay, cuộc thi được duy trì đều đặn suốt 15 năm qua.

Ban tổ chức gặp mặt cộng tác viên Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 15 (năm 2023-2024) với chủ đề "Dấu ấn bộ đội thời bình". Ảnh: THÁI HƯNG

Ban tổ chức gặp mặt cộng tác viên Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 15 (năm 2023-2024) với chủ đề "Dấu ấn bộ đội thời bình". Ảnh: THÁI HƯNG

Là người rất tâm huyết và gắn bó với cuộc thi ngay từ khi lên ý tưởng lần đầu đến nay, Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng biên tập Báo QĐND cho biết, Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" được tổ chức nhằm mục đích phát hiện, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh những con người bình dị thường ngày vẫn âm thầm làm việc có ích cho xã hội. Những hành động, việc làm, suy nghĩ của họ có thể bình dị, nhưng ẩn trong sự bình dị đó là những giá trị cao quý về lòng yêu nước, tình thương yêu con người, sự hy sinh quên mình vì cộng đồng, tinh thần trách nhiệm và bổn phận người cán bộ, đảng viên và nghĩa vụ công dân. Sẽ càng cao quý nếu suy nghĩ, việc làm của những con người bình dị đó được chia sẻ với nhiều người, để mọi người cùng cảm nhận, cùng học tập, làm theo, để cái tốt, cái đẹp lan tỏa không ngừng...

Trải qua hành trình ấy, Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" không ngừng được cải tiến, đổi mới, sáng tạo để thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Không chỉ nêu việc thiện, tấm lòng nhân ái mà cuộc thi còn tôn vinh cả trí tuệ, tinh thần vượt qua khó khăn, làm kinh tế giỏi vì sự phát triển phồn thịnh của đất nước. Điều đó ngày càng thể hiện được nét đặc sắc của cuộc thi và cũng cho thấy sự kiên trì, bền bỉ của Báo QĐND trong nhiệm vụ tuyên truyền về người tốt, việc tốt, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực, thiết thực cổ vũ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Qua 15 lần tổ chức, đã có hàng chục nghìn tác phẩm dự thi, trong đó hàng nghìn tác phẩm đã được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo QĐND với hàng trăm tác giả đã được Ban tổ chức trao giải và nhiều nhân vật trong các tác phẩm đoạt giải được tôn vinh. Thông qua đó, hàng nghìn tấm gương bình dị trên mọi lĩnh vực của cuộc sống có những suy nghĩ, việc làm thực sự mang lại ý nghĩa cao quý cho cộng đồng như những bông hoa lặng lẽ tỏa hương thơm cho đời xứng đáng được vinh danh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". "Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới".

Tuyên truyền những tấm gương bình dị mà cao quý trong Quân đội và nhân dân chính là sứ mệnh cao cả của Báo QĐND nói riêng và báo chí nói chung. Do vậy, Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" vẫn tiếp tục duy trì trong thời gian tới để cổ vũ, khích lệ, tôn vinh con người, nếp sống văn hóa, lan tỏa giá trị chân-thiện-mỹ, vì một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 15 (năm 2023-2024) với chủ đề "Dấu ấn bộ đội thời bình" được phát động từ ngày 8-6-2023 đến 31-10-2024. Sau hơn một năm phát động, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 1.000 tác phẩm dự thi; gần 400 tác phẩm đã được lựa chọn đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân. Qua hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban tổ chức đã lựa chọn 35 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải tặng các tác giả, nhóm tác giả, gồm: 1 giải đặc biệt; 3 giải A; 8 giải B; 11 giải C và 12 giải khuyến khích. Đồng thời, Ban tổ chức cũng trao bằng vinh danh, cúp lưu niệm và tiền thưởng tặng 35 nhân vật trong 35 tác phẩm đoạt giải.

Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi được tổ chức vào hồi 20 giờ ngày 6-12-2024, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và được phát sóng trực tiếp trên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Để có những tác phẩm hay về người tốt, việc tốt, những nhân vật đặc sắc, không có cách nào khác là các nhà báo phải đi về cơ sở, thâm nhập vào đời sống thực tiễn, cùng ăn, cùng ở, "thực mục sở thị" lối sống, hành vi ứng xử, thói quen, tính cách, hành động của nhân vật để phát hiện được nhiều chi tiết hay, đánh giá thật sâu sắc về họ và thể hiện vào bài viết sao cho sinh động, lôi cuốn người đọc.

HÀ THANH MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/boi-dap-pham-chat-cao-quy-bo-doi-cu-ho-805323
Zalo