Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Phát huy phẩm chất, truyền thống 'Bộ đội Cụ Hồ', sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, những cựu chiến binh (CCB) tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vươn lên và trở thành những tấm gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, những CCB còn tham gia hỗ trợ hội viên, giúp nhau về khoa học - kỹ thuật, con giống…

Hội viên Trần Văn An (bên trái) giới thiệu với cán bộ Hội CCB xã về mô hình trồng chanh xen trong vườn dừa sáp.

Hội viên Trần Văn An (bên trái) giới thiệu với cán bộ Hội CCB xã về mô hình trồng chanh xen trong vườn dừa sáp.

Chi hội trưởng Trần Văn An, Ấp III, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm từ mô hình dừa, lúa và chanh

CCB Trần Văn An chia sẻ: trước năm 1975, bản thân tham gia du kích mật của địa phương, sau khi đất nước được thống nhất, ông tiếp tục tham gia công tác ở Ban tài chính ấp, rồi về công tác ở xã. Từ năm 2005 - 2019 được Đảng ủy phân công nhiệm vụ làm Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp và từ năm 2020 đến nay phụ trách Chi hội trưởng Chi hội CCB Ấp III. Ngoài tham gia công tác Hội tại địa phương, ông đã mạnh dạn chuyển đổi đất vườn sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như dừa sáp và chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên về kỹ thuật trong canh tác…

Năm 2015, CCB Trần Văn An chuyển đổi 0,7ha đất cam sành sang trồng dừa sáp và dừa ta; đồng thời, trồng xen cây chanh bông tím. Hiện nay, mô hình vườn dừa kết hợp chanh bông tím, mỗi năm cho thu nhập 120 triệu đồng/ha.

Cũng theo CCB Trần Văn An, ngoài cây ăn trái, với diện tích đất trồng lúa 0,7ha được sản xuất theo hướng lúa chất cao và hữu cơ. Nhờ ứng dụng quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, trong đó sử dụng giống xác nhận trong từng vụ và tiết kiệm lượng phân hóa học, tăng lượng phân bón hữu cơ… nên năng suất lúa luôn đạt cao, từ 6,2 - 6,5 tấn/ha; hiệu quả mang lại từ 32 - 35 triệu đồng/ha.

Hội viên CCB Phan Văn Lực, ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải: mô hình nuôi dê nhốt chuồng khá phù hợp trong phát triển kinh tế cho hội viên.

Hội viên CCB Phan Văn Lực với mô hình nuôi dê nhốt chuồng.

Hội viên CCB Phan Văn Lực với mô hình nuôi dê nhốt chuồng.

Hơn 10 năm phát triển mô hình nuôi dê từ thả lan sang nhốt chuồng được gia đình hội viên Phan Văn Lực duy trì và mở rộng đàn theo hướng chuyên về dê sinh sản. Hiện tổng đàn dê của gia đình anh với hơn 35 con dê sinh sản, đem lại thu nhập 65 - 70 triệu đồng/năm.

Theo hội viên CCB Phan Văn Lực, trước đây người dân vùng ven biển thường nuôi giống dê cỏ địa phương, con nhỏ. Sau khi được ngành nông nghiệp đưa các giống dê Boer, dê Bách thảo… để lai tạo với nền giống dê cỏ địa phương đã tạo ra được những con dê giống khá tốt, tăng trọng nhanh và thể tạng lớn. Sau khi dê con cai sữa (03 tháng) và nuôi tiếp 05 tháng, bình quân mỗi con dê thịt (dê đực) đạt trọng lượng 30 - 35kg/con. Với giá dê hơi dê đực (trọng lượng từ 20 - 40kg/con) khoảng 100.000 đồng/kg và dê có trọng lượng 15 - 20kg/con, giá khoảng 130.000 đồng/kg; người nuôi dê thịt có thu nhập khoảng 2,5 - 03 triệu đồng/con.

Phong trào nuôi dê của hội viên CCB ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải hiện phát triển rất mạnh; nhờ tận dụng các nguồn thực phẩm xanh như lá cây rừng, cỏ kết hợp với phẩm thức ăn… đã đưa phong trào nuôi dê trở thành đối tượng con nuôi có hiệu quả nhất hiện nay. Tổng đàn dê toàn xã hơn 2.250 con, nuôi tập trung nhiều ở ấp Phước Thiện, Hồ Thùng, Động Cao…

Cũng theo CCB Phan Văn Lực, mô hình nuôi dê nếu so với nuôi bò thì nuôi dê có hiệu quả cao gấp 02 lần, thị trường tiêu thụ dê hơi hiện nay khá mạnh. Đặc biệt là nguồn thức ăn cho dê khá phong phú và có nhiều ở ngoài tự nhiên; do đặc tính tham ăn và ăn tạp, nên thức ăn của dê dễ tìm với các loại lá cây xanh… từ đó, người nuôi cũng giảm được chi phí. Hiện nay, trong Chi hội CCB ấp có 03 hội viên tham gia mô hình nuôi dê nhốt chuồng.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nhung-cuu-chien-binh-lam-kinh-te-gioi-41768.html
Zalo