Bóc túi mù hay móc túi tiền
Khi cơn sốt Labubu vừa lắng xuống thì Baby Three lại nổi lên, 'làm mưa, làm gió' trên thị trường Việt Nam, khiến trào lưu 'xé túi mù và đập hộp mù' vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cơn sốt bóc túi mù Baby Three
Bắt được xu hướng xé túi mù Baby Three, các cửa hàng bày bán mặt hàng này mọc lên như "nấm sau mưa" trên khắp các con phố Hà Nội.
Gần đây, các nền tảng mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều video đập hộp túi mù thu hút hàng triệu lượt xem. Cả các KOL và người nổi tiếng cũng chia sẻ những hình ảnh khui Baby Three, khiến cơn sốt này càng trở nên "nóng" hơn.
Chị Phạm Thùy Dương (phường Xuân La, quận Tây Hồ) cũng không ngoại lệ với xu hướng này. Sau một lần được giới thiệu bởi con gái mình, chị dần dần cảm thấy tò mò và coi Baby Three là sở thích.
C hị Dương chia sẻ: “Mình không biết Baby Three là gì, không hiểu các định nghĩa như "mắt nước", "mắt rung" hay "mắt lé" là gì. Con gái mình giới thiệu nên mình cũng tò mò, lúc đấy mình mới bắt đầu tìm hiểu và thấy nó khá là đẹp, bản chất mình là một người rất thích sưu tầm mấy cái đồ bé xinh, đồ mô hình… Trong mắt mình, những con vật này cũng chỉ là gấu bông mà thôi, mà mình thích gấu bông từ nhỏ rồi nên quyết định mua mấy con xinh xinh về để treo vào túi sách”.
So với cơn sốt Labubu trước đó, Baby Three có mức giá phải chăng hơn, giao động trung bình từ khoảng 200-500 nghìn, cũng chính vì thế mà nó có mức độ phổ biến hơn.
Túi mù - Hộp mù là gì?
“Blind box” hay túi mù, hộp mù là sản phẩm chứa món đồ ngẫu nhiên bên trong. Đó có thể là mô hình nhân vật hoạt hình, hoa quả, con vật… với đủ hình dáng, màu sắc.
Gần đây, món đồ chơi “Bé ba” - Baby Three cũng thường được cất giấu trong hộp mù. Baby Three là đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc, được thể hiện dưới dạng những nhân vật có khuôn mặt tròn, biểu cảm phong phú và thường được thiết kế theo các chủ đề đa dạng như lễ hội, mùa, hoặc sự kiện đặc biệt.
Đồ chơi này ra mắt vào tháng 5/2024, gây sốt ở Việt Nam ba tháng nay, sau các trào lưu Molly, Labubu hay Capybara. Người mua hàng sẽ chỉ biết đó là món đồ gì sau khi xé túi, bóc hộp. Sự bất ngờ này tạo nên sự hấp dẫn mãnh liệt, khiến nhiều người bỏ ra không ít tiền để trải nghiệm cảm giác hồi hộp, thú vị, đặc biệt là thế hệ Gen Z. Tuy nhiên, trào lưu này không chỉ ảnh hưởng tới môi trường và tâm lý, mà còn tạo ra thói quen tiêu dùng bốc đồng, đặc biệt là trong giới trẻ.
Giá của các loại túi mù, hộp mù khá đa dạng từ vài nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, cũng có loại cao cấp với giá lên tới vài triệu đồng/hộp. Hiện tại, có hơn 109 cửa hàng kinh doanh mặt hàng này trên Shopee, TikTok Shop. Phân khúc bán chạy nhất dao động 200.000-500.000 đồng mỗi món, doanh thu mang về tổng cộng 7,1 tỷ đồng.
Gachapon - đồ chơi khiến người Nhật Bản say mê
Trước khi “Blind box” trở nên hot như hiện nay, khái niệm này cũng có nguồn gốc từ Nhật Bản, đó là “Fukubukuro” - túi may mắn. Ngay từ những năm 1970-1980, phiên bản hộp mù đầu tiên đã xuất hiện dưới dạng Gachapon - là những món đồ chơi nhỏ được gói trong các gói viên nang nhựa, phân phối ngẫu nhiên qua các máy bán hàng tự động.
Người mua Gachapon thường trải nghiệm tiếng quay số đầy hào hứng, tiếp theo là tiếng "bốp" bất ngờ khi vỏ nhộng lăn vào khay đựng. Sau đó là sự mong đợi cao độ khi người mua nín thở chờ đợi món đồ bí ẩn được tiết lộ. Cảm giác hồi hộp và giá cả phải chăng khiến Gachapon, máy bán hàng đồ chơi tự động của Nhật Bản, trở nên hấp dẫn.
Khác với máy bán đồ chơi tự động ở phương Tây, chủ yếu dành cho đối tượng trẻ em, Gachapon là niềm đam mê của nhiều thế hệ người Nhật, từ trẻ em, thanh thiếu niên cho đến người già, bởi những món đồ tí hon bí ẩn được cất trong những vỏ nhộng. Các món đồ người chơi nhận được, có thể là: bàn, ghế, ô tô, bánh xe, móc treo chìa khóa, xoong nồi...
Sự đa dạng của các sản phẩm Gachapon chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng của nhà sản xuất và kích thước của chính hộp đựng. Gachapon rất dễ gây nghiện, bởi dù có sở hữu bao nhiêu món đồ đi chăng nữa thì người chơi vẫn thấy chưa đủ. Và để quay được món đồ như ý còn phụ thuộc rất nhiều vào vận may.
Mỗi máy Gachapon thường hiển thị một hình ảnh minh họa cho một bộ sưu tập giải thưởng. Vì thế, không hiếm những nhà sưu tập "nghiện" Gachapon. Theo lời kể của những "con nghiện" Gachapon, họ đã dành hàng giờ thử hết máy này đến máy kia, chọn ra chiếc máy mình thích rồi cứ thế bỏ tiền xu vào quay, cho đến khi món đồ mình yêu thích "lòi" ra thì thôi. Tuy nhiên, để quay được món đồ như ý không phải chuyện dễ, không hiếm trường hợp người chơi thất vọng khi mở hộp.
Khi chiêu trò kinh doanh đánh vào tâm lý
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, sản phẩm Baby Three không phải là một cái gì mới nhưng nó kinh doanh dựa trên yếu tố mang tính chất gây nghiện.
Thứ nhất, đó là sự bất ngờ, thú vị khi mở một món quà mà chúng ta không biết trong đó có gì. Đây cũng giống như hiệu ứng xổ số. Từ đó, người mua muốn trải nhiệm lại một lần nữa, tiếp tục xé những túi mù khác.
Thứ hai, khi bóc túi mù có sự tham gia của hệ thần kinh. Các chất dẫn truyền thần kinh trong não lúc này tiết ra chất dopamine. Giống như việc một vận động viên đạt thành tích cao, được nhận huy chương vàng, lúc đó bao nhiêu đau đớn, mỏi mệt được ức chế hết.
Thứ ba, có rất nhiều người không có năng lực tư duy tài chính, cho nên họ tưởng tượng món quà này khi bóc ra là đồ hiếm, khiến bộ sưu tập của mình trở nên giá trị đến vài trăm triệu và có thể nhượng lại với giá cao.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng mắc vào một cái bẫy, đó là "bóc đi bóc lại" để được món đồ ưng ý, nên họ sa đà vào việc bóc túi mù mà không ý thức được.
Có nên quá nuông chiều nhu cầu giải trí?
Baby Three trở thành cơn sốt và khách hàng dễ bị thu hút bởi các xu hướng, sự kiện hot trên mạng xã hội. Những người có ảnh hưởng (KOL) trên mạng cũng tạo "hiệu ứng sợ bỏ lỡ" (FOMO) khiến người tiêu dùng chạy theo đám đông, dễ dàng chi tiền với tốc độ nhanh.
Cơn sốt Baby Three cũng gây tranh cãi trên mạng xã hội. Nhóm hưởng ứng cho rằng, mua búp bê là sở thích cá nhân, nhất là người tự chủ tài chính. Việc sưu tầm món đồ bằng cách khui túi mù cũng tạo cảm giác phấn khích, tò mò, làm giảm căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống. Ở phía ngược lại, một số người lập luận, việc chi tiền cho đồ chơi là phù phiếm, bởi tình hình kinh tế bất ổn, thất nghiệp tăng, học cách tích góp, dự phòng cho tương lai mới là cần thiết.
Chuyên gia cũng cho biết, không chỉ Baby Three, nhiều xu hướng khác cũng gây ra sự hối hận. Việc liên tục chạy theo xu hướng có thể bào mòn tinh thần, khiến người tiêu dùng "sống vội" và ít đầu tư vào giá trị lâu dài.
Trào lưu nào cũng có hai mặt và xé túi mù không phải ngoại lệ. Khi “cơn sốt” qua đi, chúng ta mới nhận ra mình đã “vung tay quá trán” cho những thứ không thực sự cần thiết. Việc chạy theo trào lưu một cách mù quáng không chỉ gây lãng phí tiền bạc, mà còn ảnh hưởng tới tâm lý và gây áp lực lên môi trường. Vì vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ trước khi quyết định chi tiền mua túi mù, hộp mù.