Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ để ngỏ khả năng gia nhập NATO của Ukraine?

Những tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth và Tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên nhiều tranh luận tại Washington và châu Âu về kế hoạch hòa bình của chính quyền Trump đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo Washington Post, sự khác biệt trong phát ngôn của hai quan chức hàng đầu nước Mỹ đặt ra những câu hỏi về tương lai của Ukraine trong NATO và cách tiếp cận của Mỹ trong việc chấm dứt chiến tranh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth - Ảnh: Washington Post

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth - Ảnh: Washington Post

Điều chỉnh lập trường

Tại cuộc họp báo ở trụ sở NATO hôm 13.2, ông Hegseth đã điều chỉnh phát biểu trước đó, khi ông từng khẳng định rằng Ukraine khó có thể trở thành thành viên NATO trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Nga. Chỉ một ngày sau, người đứng đầu Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) lại để ngỏ khả năng Ukraine gia nhập liên minh trong tương lai, nhấn mạnh rằng "mọi lựa chọn đều đang được xem xét" trong các cuộc đàm phán do Tổng thống Trump dẫn dắt.

Những tuyên bố của ông Hegseth dường như nhằm xoa dịu phản ứng mạnh mẽ từ các đồng minh NATO và giới chính trị Mỹ, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông đã thảo luận riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về một thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, cùng ngày, ông Trump nhấn mạnh rằng Nga sẽ không chấp nhận việc Ukraine gia nhập NATO, tuyên bố rằng "tôi không thấy điều đó xảy ra".

Những phát biểu của Trump và Hegseth đã làm gia tăng lo lắng tại Washington và châu Âu, đặc biệt khi Tổng thống Mỹ tiết lộ rằng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ được thảo luận trong một hội nghị tại Ả Rập Saudi. Ông Trump không cung cấp nhiều chi tiết nhưng khẳng định rằng "không phải tôi hay Tổng thống Putin, mà là các quan chức cấp cao" sẽ tham gia thảo luận.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã cố gắng thể hiện một mặt trận đoàn kết giữa các đồng minh, dù thừa nhận có sự khác biệt trong cách tiếp cận. Ông nhấn mạnh rằng NATO vẫn cam kết hỗ trợ Ukraine và đảm bảo nước này có vị thế tốt nhất trước bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Tuy nhiên, sự chia rẽ nội bộ trong liên minh vẫn tồn tại, đặc biệt khi một số quốc gia thành viên lo ngại rằng việc Ukraine gia nhập NATO có thể gây thêm căng thẳng với Nga.

Tầm quan trọng của NATO đối với Ukraine

Tư cách trở thành thành viên NATO của Ukraine đã là một chủ đề tranh cãi từ lâu. Từ năm 2008, NATO đã tuyên bố rằng Ukraine có thể trở thành thành viên trong tương lai, một lập trường được củng cố sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Năm 2018, Ukraine đã sửa đổi hiến pháp để đưa NATO và Liên minh châu Âu (EU) thành mục tiêu chiến lược quốc gia.

Vào tháng 12.2021, Nga yêu cầu NATO đảm bảo Ukraine không bao giờ trở thành thành viên của liên minh. Yêu cầu này bị phương Tây bác bỏ và được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến Ukraine vào tháng 2.2022. Kể từ đó, NATO đã tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng bất kỳ quyết định nào về tư cách thành viên sẽ chỉ được đưa ra sau khi chiến tranh kết thúc.

Trong các phát biểu gần đây, ông Trump tiếp tục đưa ra những quan điểm khác nhau về lý do Nga tấn công Ukraine. Ông cho rằng cuộc chiến có thể đã bị kích động bởi các chính sách của người tiền nhiệm Joe Biden, đồng thời chỉ trích việc Nga bị loại khỏi Nhóm G8 sau khi sáp nhập Crimea năm 2014. "Tôi rất muốn họ quay lại. Tôi nghĩ đó là một sai lầm", ông Trump nhấn mạnh.

Những tuyên bố này khác biệt so với lập trường chính thức của NATO và EU, những tổ chức này xem cuộc xâm lược của Nga là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế và cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Khi cuộc xung đột tiếp diễn, NATO tiếp tục tìm cách cân bằng giữa việc hỗ trợ Ukraine và tránh leo thang đối đầu với Nga. Tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius năm 2023, NATO đã tuyên bố sẽ đơn giản hóa quá trình Ukraine gia nhập, đồng thời cam kết hỗ trợ quân sự mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, liên minh vẫn trì hoãn việc đưa ra một lộ trình cụ thể, với lý do cuộc chiến đang diễn ra và Ukraine cần thực hiện thêm các cải cách về quản trị.

Cựu Tổng thống Joe Biden và nhiều lãnh đạo NATO khác cho rằng Ukraine chưa sẵn sàng gia nhập ngay lập tức. Trong khi đó, ông Trump dường như nghiêng về phía quan điểm của Nga, nhấn mạnh rằng việc Ukraine gia nhập NATO có thể gây ra rủi ro lớn hơn cho hòa bình khu vực.

Những tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ và bộ trưởng quốc phòng nước này cho thấy Washignton đang định hình lại cách tiếp cận đối với cuộc chiến Ukraine. Trong khi Bộ trưởng Hegseth điều chỉnh lập trường để giảm nhẹ lo ngại của các đồng minh, Tổng thống Trump tiếp tục nhấn mạnh lập trường cứng rắn của mình về việc ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO. Điều này tạo ra một bức tranh phức tạp về chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt khi các cuộc đàm phán hòa bình được đẩy mạnh.

Tương lai của Ukraine trong NATO vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Trong khi Kyiv tiếp tục nỗ lực gia nhập liên minh, sự chia rẽ trong nội bộ NATO và những tính toán địa chính trị có thể khiến quá trình này kéo dài. Cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn là một trong những thách thức địa chính trị quan trọng nhất của thế giới, và các quyết định của Mỹ chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của khu vực này.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bo-truong-quoc-phong-my-de-ngo-kha-nang-gia-nhap-nato-cua-ukraine-229302.html
Zalo