Siết tình trạng doanh nghiệp huy động vốn tràn lan rồi vỡ nợ
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, không thể để tình trạng doanh nghiệp huy động vốn tràn lan, rồi vỡ nợ, đẩy gánh nặng cho Nhà nước và hệ thống tài chính.
Bịt kẽ hở chủ sở hữu hưởng lợi
Sáng 20/5/2025, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã có bài phát biểu giải trình sâu sắc, thẳng thắn chỉ rõ các bất cập và đề xuất sửa đổi mạnh mẽ các nhóm vấn đề trọng tâm. Một trong những cảnh báo được dư luận đặc biệt chú ý là tình trạng “trục lợi chính sách từ việc lập doanh nghiệp ma”, nhằm hưởng ưu đãi rồi nhanh chóng giải thể để tái lập chu kỳ lặp lại.

Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Ảnh: VPQH
Bộ trưởng cho biết, qua theo dõi thực tế và qua hoạt động quản lý nhà nước, đã phát hiện nhiều trường hợp doanh nghiệp được thành lập chỉ nhằm mục đích tận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như miễn, giảm thuế. Những doanh nghiệp này sau thời gian ngắn hoạt động sẽ đóng cửa, sau đó tiếp tục đăng ký thành lập mới để tiếp tục chu kỳ trục lợi. Đây là biểu hiện điển hình của “doanh nghiệp ma” tồn tại trên giấy, nhưng vận hành chỉ để lách chính sách và trốn tránh nghĩa vụ tài chính.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, tình trạng trên nếu không được kiểm soát sẽ làm mất hiệu lực các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chân chính, phá vỡ niềm tin vào thể chế, đồng thời tạo ra gánh nặng kiểm tra giám sát cho các cơ quan chức năng. Do đó, dự thảo Luật Doanh nghiệp lần này đã bổ sung quy định quan trọng về minh bạch chủ sở hữu hưởng lợi, một giải pháp then chốt để “bịt kẽ hở pháp lý” và chống trục lợi.
Về nội dung “chủ sở hữu hưởng lợi” của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo luật lần này đã tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của nhiều đại biểu, để chỉnh sửa theo hướng khái quát, tương đồng với Luật Phòng chống rửa tiền, đồng thời đáp ứng khuyến nghị số 24 của FATF cơ quan đặc nhiệm tài chính quốc tế.
Cụ thể, thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp sẽ phải được lưu giữ tối thiểu 5 năm, phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Việc lưu trữ này không chỉ giúp cơ quan chức năng kiểm tra dễ dàng, mà còn góp phần phòng chống việc lập doanh nghiệp ma, bảo vệ tính minh bạch trong môi trường đầu tư.
“Chúng ta phải kết nối thông tin doanh nghiệp với định danh cá nhân, kết hợp dữ liệu dân cư. Tất cả các chủ doanh nghiệp đều phải định danh rõ ràng. Khi đó, dù có giải thể, tái lập doanh nghiệp, vẫn sẽ có dấu vết để truy xuất, truy trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cảnh báo nếu không bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi, Việt Nam có thể bị FATF đưa vào danh sách đen, gây tổn hại nghiêm trọng đến chỉ số tín nhiệm quốc gia và niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế.
Không thể để tái diễn “quả bom chậm nổ”
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty chưa đại chúng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc doanh nghiệp lợi dụng việc phát hành trái phiếu để huy động lượng vốn khổng lồ, trong khi không đủ năng lực tài chính. Hậu quả là tình trạng mất khả năng trả nợ, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh tài chính và niềm tin xã hội.
Dự thảo luật lần này đề xuất quy định hệ số nợ không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Bộ trưởng cho biết, mức này không phải là con số “chính xác tuyệt đối”, mà là “con số hợp lý” với tình hình của Việt Nam. Ở các quốc gia phát triển, thông tin doanh nghiệp minh bạch hơn nên không cần quy định như vậy. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu công cụ kiểm soát, quy định ngưỡng hệ số nợ là cần thiết.
"Không thể để tình trạng doanh nghiệp huy động vốn tràn lan, rồi vỡ nợ, đẩy gánh nặng cho Nhà nước và hệ thống tài chính", Bộ trưởng nói. Ông đề nghị Quốc hội ủng hộ việc luật hóa ngưỡng nợ để tạo hàng rào bảo vệ thị trường vốn, nhà đầu tư và an ninh kinh tế.
Giải phóng năng lực viên chức
Nội dung thứ ba được Bộ trưởng giải trình là quy định cho phép viên chức đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép góp vốn, tham gia điều hành doanh nghiệp nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Đây là bước tiếp nối chủ trương của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 193 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù trong khoa học công nghệ.
Dự thảo luật lần này sửa đổi khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp, để bổ sung quyền cho viên chức đại học được tham gia thành lập hoặc quản lý doanh nghiệp do cơ sở giáo dục thành lập. Bộ trưởng khẳng định việc này không trùng lặp với nội dung Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, mà là hoàn thiện phần còn thiếu trong thực tiễn.

Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VPQH
Một số đại biểu đề xuất mở rộng đối tượng này cho cả viên chức trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bộ Tài chính ghi nhận ý kiến này, nhưng cho rằng cần thận trọng. “Cái gì rõ, cái gì chín thì đưa vào luật, còn lại tiếp tục thí điểm. Hiện Luật Thủ đô đang cho phép thí điểm cơ chế đó, nên có thể theo dõi thêm trước khi luật hóa rộng rãi”, Bộ trưởng chia sẻ.
Liên quan đến đề xuất của một số đại biểu về việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết năm 2020, Quốc hội đã biểu quyết không chấp thuận vì không phù hợp với bản chất tổ chức doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó chỉ đạo cần có khung pháp lý rõ ràng cho kinh tế cá thể. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu xây dựng Luật Hộ kinh doanh riêng biệt, nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho lực lượng đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.
Song song, Nhà nước sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển thành doanh nghiệp, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ thuê đất, đơn giản hóa thủ tục thuế, kế toán, lao động… Đồng thời, siết chặt quản lý hộ chưa chuyển đổi theo hướng yêu cầu kê khai doanh thu thực tế, phát hành hóa đơn điện tử, tiến tới quản lý như doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, nếu không thúc đẩy quá trình chuyển đổi, mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2030 và 3 triệu vào năm 2045 sẽ khó khả thi. Ngược lại, nếu chuyển hóa thành công, sẽ tạo thêm động lực tăng trưởng, mở rộng quy mô thu ngân sách và thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc doanh nghiệp lợi dụng việc phát hành trái phiếu để huy động lượng vốn khổng lồ, trong khi không đủ năng lực tài chính. Hậu quả là tình trạng mất khả năng trả nợ, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh tài chính và niềm tin xã hội.