Bộ trưởng Tài chính: Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn rồi vỡ nợ, cần quy định nợ phải trả không vượt 5 lần vốn chủ sở hữu

Trong thực tiễn vừa qua có một số doanh nghiệp đã lợi dụng việc này và những doanh nghiệp chưa đại chúng nhưng phát hành trái phiếu riêng lẻ và huy động một lượng tiền rất lớn và sau đó vỡ nợ...

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Sáng 20/5/2025, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

KHÔNG CẦN GIỚI HẠN TỶ LỆ NỢ PHẢI TRẢ/VỐN CHỦ SỞ HỮU

Cho ý kiến về điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho biết Dự thảo đang dự định bổ sung quy định là dư nợ không quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Đây là vấn đề đã gây tranh cãi nhiều khi soạn thảo một phần của Luật Chứng khoán trong luật sửa 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính cũng như tranh luận trong quá trình soạn thảo Nghị định về trái phiếu riêng lẻ.

Trong luật sửa 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết chứ không quy định cứng. Đây là phương án hợp lý vì vấn đề hệ số nợ này bao nhiêu phụ thuộc nhiều vào các quy định pháp lý khác, quản lý việc phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Nếu các quy định khác về điều kiện phát hành, điều kiện người mua chặt chẽ thì có thể không cần giới hạn hệ số nợ hoặc mức giới hạn cao và ngược lại, nếu các quy định khác được nới lỏng thì có khi cần siết lại hệ số nợ này.

Các quy định khác về điều kiện phát hành, điều kiện người mua lại chủ yếu đang nằm ở cấp nghị định, nếu quy định cứng tỷ lệ 5 lần vốn chủ sở hữu trong luật thì sau này sẽ gây khó cho Chính phủ trong việc soạn thảo các quy định khác về phát hành chứng khoán riêng lẻ.

"Vì thế, tôi đề nghị chúng ta dùng theo đúng cách tiếp cận tại Luật Chứng khoán, đó là giao Chính phủ quyết định vấn đề này. Điều này cũng đúng theo tinh thần soạn thảo pháp luật mới, tức là Quốc hội không quyết định các vấn đề chưa ổn định mà cần điều chỉnh linh hoạt, phụ thuộc vào thực tiễn", đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu.

Còn đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, cho biết quy định hệ số nợ phải trả được nêu tại Điểm c1 khoản 3 Điều 128 của dự thảo Luật.

Tại điểm này quy định là hệ số nợ phải trả bao gồm cả trái phiếu dự kiến phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành theo báo cáo tài chính năm liền kề trước khi phát hành được kiểm toán, ngoại trừ một số loại hình doanh nghiệp.

Cơ bản, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng đồng tình với chủ trương là quy định hệ số nợ phải trả nhằm kiểm soát mức phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp để đảm bảo việc phát hành trái phiếu riêng lẻ không quá mức tài sản vốn có. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc xem xét hệ số nợ phải trả này là không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu.

Theo nghiên cứu các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp hiện hành, hệ số nợ phải trả và đảm bảo an toàn là khoảng từ 40% đến 60%, cho thấy mức độ đòn bẩy tài chính mà doanh nghiệp sử dụng để xác định khả năng tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc trong việc xác định liên quan đến các vấn đề về quy mô, loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động và mục đích vay vốn để có điều chỉnh cho phù hợp. Từ đó, đại biểu đề xuất mức hệ số nợ phải trả dao động từ 3,5 đến 4 lần vốn chủ sở hữu.

Sáng 20/5, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) - Ảnh: Văn phòng Quốc hội.

Sáng 20/5, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) - Ảnh: Văn phòng Quốc hội.

Đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, nêu ý kiến: Có nợ phải trả là một khái niệm mới trong dự thảo cần được giải thích, bổ sung. Mặt khác, cần cân nhắc về số nợ là không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành được giới hạn trong trường hợp nào, bởi nhiều doanh nghiệp có năng lực nhưng chủ yếu sản xuất từ vốn vay tại ngân hàng hoặc đảo vốn liên tục để có tiền duy trì sản xuất kinh doanh. "Vậy, cần làm rõ cơ sở quy định tỷ lệ 5 lần hoặc không đưa giới hạn trong trường hợp này", đại biểu Trần Văn Tiến nói.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, phân tích: việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp đã chịu sự điều chỉnh của pháp luật về chứng khoán khá chặt chẽ. Để phát huy hiệu quả tối đa của kênh huy động vốn này, không bổ sung quy định này vào dự thảo.

QUY ĐỊNH ĐỂ VỪA TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DOANH NGHIỆP, VỪA ĐỂ KIỂM SOÁT

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết trước đây Luật Doanh nghiệp không có quy định nội dung này (quy định về điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp đang dự định bổ sung quy định là dư nợ không quá 5 lần vốn chủ sở hữu-PV). Tuy nhiên, trong thực tiễn vừa qua, có một số doanh nghiệp đã lợi dụng việc này và những doanh nghiệp chưa đại chúng nhưng phát hành trái phiếu riêng lẻ và huy động một lượng tiền rất lớn, sau đó xảy ra những vấn đề không trả được nợ, vỡ nợ gây ảnh hưởng rất lớn đến đến an ninh, trật tự xã hội và cuối cùng Đảng, Nhà nước phải chịu trách nhiệm việc này.

Vậy, kinh nghiệm của các nước thế nào, các nước có việc này không? Đầu tiên phải nói xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam, chúng ta là một nền kinh tế đang phát triển, hay nói cách khác chúng ta đang có tốc độ tăng trưởng tương đối cao và tốc độ phát triển của các doanh nghiệp cũng rất lớn, nên việc cần phải có đòn bẩy kinh tế để các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn phải có các cơ chế để kiểm soát.

Đối với các nước phát triển như châu Âu, quy định chung của châu Âu thì không có nhưng một số nước thuộc châu Âu cũng có quy định về hệ số nợ. Đối với châu Á, rất nhiều nước không có quy định và có một số nước quy định việc này.

Những nước không có quy định hệ số nợ đều là những nước đang có thông tin về doanh nghiệp cực kỳ minh bạch và họ sử dụng nhiều công cụ khác để kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp, nhất là vấn đề huy động vốn. Còn chúng ta hiện nay chưa đủ các điều kiện để có thể không quy định việc này.

"Do vậy, vừa qua trên cơ sở soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán để triển khai Luật Chứng khoán (sửa đổi), Bộ Tài chính tham khảo rất kỹ các bộ, ngành, đặc biệt là các thành viên thị trường, trong đó các có các ngân hàng, các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư...

Chúng tôi thấy rằng hiện nay quy định ở mức như dự thảo này là không quá 5 lần là phù hợp, mong đại biểu Quốc hội chấp thuận để chúng ta đưa nội dung này vào dự thảo, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng phải có kiểm soát", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu.

An Nhiên

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bo-truong-tai-chinh-nhieu-doanh-nghiep-phat-hanh-trai-phieu-lon-roi-vo-no-can-quy-dinh-no-phai-tra-khong-vuot-5-lan-von-chu-so-huu.htm
Zalo