Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Phân cấp phân quyền lần này thể hiện sự đột phá

Vấn đề mang tính cốt lõi, căn cơ và tư duy đột phá nhất trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi lần này là hoàn thiện được nguyên tắc phân quyền phân cấp, ủy quyền, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Sáng nay 14/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Đây là một trong 4 dự án luật được Quốc hội xem xét sớm thông qua để phục vụ công tác sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9

Luật được sửa vào thời điểm có tính chất lịch sử

Phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ cảm ơn các ý kiến sôi nổi, trách nhiệm và tâm huyết, thiết thực để ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội ấn nút thông qua tại kỳ họp này.

Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh Luật Tổ chức Chính phủ là đạo luật gốc của nền hành chính Nhà nước. Luật được sửa vào thời điểm có tính chất lịch sử nên có ý nghĩa chính trị, xã hội, pháp lý và cũng mang tính lịch sử trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải gắn với hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời tháo gỡ được điểm nghẽn về thể chế để khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới.

Nguyên tắc xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi lần này, theo bà là “mới lắm, toàn diện lắm”, với tư duy hoàn toàn mới về việc xây dựng hệ thống luật pháp của Việt Nam theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội. Đó là luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc chung để đảm bảo giá trị, sức sống của dự án luật và quan trọng là đảm bảo yêu cầu vừa thực hiện mục tiêu quản lý Nhà nước, vừa thực hiện mục tiêu kiến tạo phát triển. Vì vậy, ban soạn thảo bám sát nguyên tắc này, nhiều đại biểu Quốc hội rất đồng tình với thiết kế của luật.

Bên cạnh đó, các quy định bám sát chủ trương của Đảng, Hiến pháp về phân định thẩm quyền và thực hiện mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan của Trung ương, các cơ quan của Chính phủ với chính quyền địa phương để khắc phục những vấn đề giao thoa, chồng chéo, bảo đảm vị trí, vai trò, chức năng của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Sửa Luật Tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức Chính phủ đợt này giải quyết sẽ căn bản.

Giải quyết được vấn đề cốt lõi

Vấn đề mang tính cốt lõi, căn cơ và tư duy đột phá nhất trong luật lần này, đó chính là hoàn thiện được nguyên tắc phân quyền phân cấp, ủy quyền theo hiến định nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo để thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo của cả hệ thống, nhất là chính quyền địa phương.

Đồng thời tạo hành lang pháp lý quan trọng để tháo gỡ những rào cản về phân cấp phân quyền, phân định nhiệm vụ cụ thể đang hiện hữu trong các luật chuyên ngành.

Qua rà soát quy định về việc phân cấp phân quyền thì thấy rất vướng vì luật chuyên ngành quy định rõ thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ trưởng. Rà soát 257 luật thì có tới 177 luật quy định thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; 152 luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng; 141 luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền HĐND, UBND; 92 luật quy định rất cụ thể của thẩm quyền của tất cả cấp chính quyền... Thế thì làm sao ta có thể thực hiện được nguyên tắc phân cấp, phân quyền và ủy quyền.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Luật Tổ chức Chính phủ là luật gốc, đưa ra nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ. Tất cả luật chuyên ngành; tất cả bộ trưởng, thủ trưởng khi tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phải đi theo nguyên tắc của luật này.

Các nội dung thiết kế đã cố gắng đảm bảo tất cả yêu cầu về các chính sách để ngay sau đây, khi ban hành luật thì tổ chức thực hiện được ngay, đồng bộ với đó là giải quyết khó khăn, vướng mắc bằng biện pháp mang tính chất ủy quyền lập pháp. Đây là tư duy đột phá của Quốc hội, quyết định sáng suốt trong điều kiện lịch sử đặc biệt, nếu không làm vậy thì không thể giải quyết được mấy trăm luật chuyên ngành đang phân cấp, phân quyền rất cụ thể.

Vấn đề trên rất mới, mang tính lịch sử, chưa có tiền lệ nhưng cần thiết đặt trong bối cảnh đặc biệt để đất nước cất cánh bước vào kỷ nguyên mới. Điều khoản chuyển tiếp đang được thiết kế cũng là vấn đề mới, hay, đột phá. Quốc hội quyết định vấn đề mang tính lịch sử để giải quyết vấn đề mang tính lịch sử.

Dự thảo luật thiết kế điều rất mới nhằm làm rõ hơn vị trí, vai trò của Chính phủ trong mối quan hệ quyền lực của Chính phủ với Quốc hội, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và cơ chế phối hợp, kiểm soát của Chính phủ với nền hành chính Nhà nước… Đảm bảo quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phân cấp cũng như đảm bảo sự phối hợp và kiểm soát quyền lực. Nhưng luật cũng chỉ đưa vào nguyên tắc chung chứ không quy định cụ thể.

Luật cũng minh định rõ về thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương, đảm bảo nguyên tắc rành mạch thẩm quyền, khắc phục tình trạng đẩy việc lên Chính phủ như hiện nay.

Nội dung mới được thiết kế là đẩy mạnh quản trị quốc gia. Thực chất đây không phải vấn đề mới, xu thế của thế giới thực hiện từ lâu và nghị quyết của Trung ương đã nói rất rõ. Quản trị quốc gia có chủ thể đa dạng gồm Nhà nước, thị trường, xã hội và người dân, nhưng Nhà nước là trung tâm, phải bổ sung thêm để làm rõ hơn nhiệm vụ căn bản là lấy con người làm trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển; tôn trọng và đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Tất cả hướng tới người dân, vì sự phát triển con người.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/bo-truong-bo-noi-vu-phan-cap-phan-quyen-lan-nay-the-hien-su-dot-pha-post1154760.vov
Zalo