Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình, làm rõ về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Trong phiên họp tại hội trường sáng nay 17-2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã thông tin thêm về dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
![Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: quochoi.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_17_8_14205880/eafb52437f0d9653cf1c.jpg)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: quochoi.vn
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, điện hạt nhân là nguồn điện sạch, điện nền, công suất khả dụng cao, có khả năng cung cấp điện năng ổn định và giá thành hợp lý trong dài hạn, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số.
Trên thế giới, để hoàn thành một dự án điện hạt nhân quy mô tương tự dự án Ninh Thuận, thời gian từ khi phê duyệt dự án đầu tư đến vận hành khoảng 10 năm; nhanh nhất 7-8 năm và phải có cơ chế đặc thù để thực hiện.
Do tính chất phức tạp của dự án điện hạt nhân và lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2030-2031 rất cần có cơ chế, chính sách đặc thù như dự thảo nghị quyết.
Tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, cơ quan soạn thảo điều chỉnh theo hướng chỉ nêu chung chủ đầu tư dự án, đồng thời bổ sung đối tượng áp dụng, tỉnh Ninh Thuận và đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án.
Những chính sách đặc thù khác nếu có, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Do cơ chế, chính sách đặc thù chưa được quy định hoặc khác với các quy định hiện hành của pháp luật nên cần phải được Quốc hội thông qua, ban hành nghị quyết, để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành và tỉnh Ninh Thuận thực hiện trong thời gian tới.
Khi được Quốc hội thông qua, các cơ chế, chính sách đặc thù nêu trên sẽ tạo thuận lợi và khả thi cho việc triển khai đồng bộ dự án, như việc đàm phán hiệp định đối tác với tổng thầu; lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, thu xếp vốn đầu tư, đền bù di dân, tái định cư, chuẩn bị mặt bằng xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực… Việc thực hiện dự án này còn có sự giám sát của Tổ chức Năng lượng quốc tế.