Công ty con của H&M muốn đầu tư 1 tỷ USD sản xuất vải công nghệ cao tại Việt Nam

Tập đoàn Syre- Công ty con của Tập đoàn H&M và Công ty đầu tư công nghệ Vargas, hoạt động chính trong lĩnh vực tái chế rác thải phế liệu dệt may muốn đầu tư dự án 1 tỷ USD sản xuất vải công nghệ cao tại tỉnh Bình Định.

Lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện Tập đoàn Syre làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về dự án sản xuất vải công nghệ cao

Lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện Tập đoàn Syre làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về dự án sản xuất vải công nghệ cao

Làm việc với Bộ Công Thương, Tập đoàn Syre cho biết, hiện nay, Tập đoàn có nhu cầu đầu tư dự án Tổ hợp sản xuất vải công nghệ cao tại Khu công nghiệp Nhơn Hội A, Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định với công suất 250.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 700 triệu - 1 tỷ USD.

Ông Tim King- Giám đốc vận hành cấp cao Tập đoàn Syre cho biết, Tập đoàn cam kết ứng dụng công nghệ hiện đại đối với dự án sản xuất tái chế sợi polyester, đáp ứng tiêu chuẩn hàng đầu của thế giới về bảo vệ môi trường và tuân thủ quy định bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Đồng thời, Tập đoàn đề xuất được hỗ trợ về cơ chế, chính sách liên quan đến việc triển khai dự án tái chế rác thải dệt may, hướng dẫn về thủ tục nhập khẩu nguyên liệu tái chế và đánh giá tác động môi trường, hỗ trợ kết nối với các cơ quan chuyên môn để đảm bảo dự án được triển khai thuận lợi.

Cụ thể, Tập đoàn luôn ưu tiên thu gom nguồn nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên, việc thu gom quần áo đã qua sử dụng tại Việt Nam vẫn chưa có cơ chế triển khai rõ ràng dù đang ngày càng được quan tâm.

Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc thu mua, phân loại và xử lý nguyên liệu để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất của dự án.

“Do đó, chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng cơ chế và hướng dẫn cụ thể về thu gom, phân loại, xử lý quần áo đã qua sử dụng trong nước để đảm bảo nguồn nguyên liệu tái chế phục vụ sản xuất”- đại diện lãnh đạo Tập đoàn Syre đề xuất.

Trước đề xuất trên, đại diện Bộ Công Thương ủng hộ chủ trương đầu tư của Tập đoàn Syre nhằm tăng cường phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đối với lĩnh vực dệt may trong khuôn khổ, quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, về nguyên liệu đầu vào theo đề xuất của Công ty: Đối với quần áo, vải đã qua sử dụng (mã HS 6309) đây là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

Đối với vải vụn (mã HS 6310), đây cũng là phế liệu trong quá trình sản xuất. Việc nhập khẩu thực hiện theo Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Vì vậy, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị UBND tỉnh Bình Định tham khảo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, dự án của Tập đoàn Syre có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp dệt may tuần hoàn toàn cầu, tạo nhiều việc làm và đóng góp vào nền kinh tế xanh. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Công Thương xem xét, hỗ trợ và có hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ thủ tục nhập khẩu vải vụn từ quá trình sản xuất theo quy định hiện hành, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, đây là dự án mang tính đặc thù và thí điểm phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với nguyên vật liệu đã qua sử dụng. Về nguyên tắc, Bộ Công Thương ủng hộ dự án nhưng phải có báo cáo Chính phủ để có Nghị quyết đặc biệt cho dự án này.

Sau khi có Nghị quyết, Bộ Công Thương sẽ sửa Thông tư số 08/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều quy định Danh mục chi tiết theo mã số HS của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý thêm, việc nhập khẩu tái chế vấn đề môi trường là quan trọng nhất, vì thế, Việt Nam rất quan tâm về những công nghệ mà Tập đoàn Syre áp dụng, trong quá trình sản xuất và các công đoạn tẩy, nhuộm, hấp, hoàn thiện sản phẩm, các công nghệ này cần bảo đảm sạch, an toàn cho môi trường, đáp ứng về việc xử lý nước thải và rác thải của dự án.

Bên cạnh đó, việc lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước để tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ có thể nội địa hóa hoặc kết nối các doanh nghiệp trong nước để cùng thực hiện mục tiêu của dự án. Đặc biệt, dự án cần chứng minh được hiệu quả về kinh tế xã hội đối với Việt Nam.

V.H

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cong-ty-con-cua-hm-muon-dau-tu-1-ty-usd-san-xuat-vai-cong-nghe-cao-tai-viet-nam-post603945.antd
Zalo