'Bộ Giáo dục' thu nhỏ của miền Nam ngày ấy

Ở tuổi 86, NGƯT.PGS Lê Văn Lý vẫn nhớ như in ngày đầu tiên theo Tiểu ban Giáo dục vào tiếp quản ngành Giáo dục Sài Gòn sau đại thắng mùa Xuân 1975.

Sau ngày giải phóng, để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, các đoàn y tế của thành phố và các quận của Sài Gòn về tận phường, khóm khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho nhân dân (7/1975). Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN

Sau ngày giải phóng, để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, các đoàn y tế của thành phố và các quận của Sài Gòn về tận phường, khóm khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho nhân dân (7/1975). Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN

Với ông, khoảng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng đầy ắp kỷ niệm.

Giáo dục miền Nam sau ngày giải phóng

NGƯT.PGS Lê Văn Lý sinh ngày 20/3/1938, được kết nạp Đảng ngày 25/7/1961. Ông từng là Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng thuộc Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

PGS Lê Văn Lý làm Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương TPHCM từ năm 2010 đến năm 2015. Ông được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

- Là một trong những cán bộ của Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam vào tiếp quản Sài Gòn ngay sau ngày 30/4/1975, ông có thể chia sẻ quá trình hình thành, hoạt động của Tiểu ban khi đó?

- Vào tháng 10/1962, trước yêu cầu của tình hình mới, Tiểu ban Giáo dục miền Nam, thường được gọi là Tiểu ban Giáo dục R, trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, chính thức được thành lập. Khi mới ra đời, Tiểu ban chỉ có 5 cán bộ, nhân viên, chủ yếu làm nhiệm vụ tham mưu cho Trung ương Cục và Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam về đường lối giáo dục chung cho toàn miền.

Theo thời gian, Tiểu ban dần được củng cố và mở rộng, hoạt động với vai trò như một Bộ Giáo dục thu nhỏ phụ trách miền Nam. Chúng tôi có các bộ phận chuyên trách như Văn phòng, Phòng Phổ thông, Phòng Bình dân, Phòng Đô thị (phụ trách giáo dục khu vực đô thị), Phòng Tuyên truyền, Phòng In ấn và phát hành… Không chỉ ở cấp Trung ương, các Tiểu ban Giáo dục cấp khu, tỉnh, huyện, xã cũng lần lượt ra đời, góp phần chỉ đạo phong trào giáo dục rộng khắp toàn miền Nam.

Trước ngày giải phóng, Tiểu ban Giáo dục R đã cử một đoàn công tác xuống tiếp quản Sài Gòn - Gia Định. Đoàn gồm các đồng chí như ông Nguyễn Hữu Dụng (Tư Dụng, Trưởng Tiểu ban), ông Mười Tân, bà Sáu Nở, ông Ba Nam, ông Lê Bách và tôi. Khi ấy, tôi giữ nhiệm vụ Chánh Văn phòng Tiểu ban Giáo dục, đồng thời là Ủy viên Tiểu ban.

Lúc mới vào tiếp quản, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ngay trước thời điểm ngày 30/4, đã có một số đồng chí hy sinh. Thời gian đó, chúng tôi đóng tại Củ Chi với bí danh “Tiểu ban Giáo dục Y Tư” (Y4)-Tiểu ban Giáo dục của Sài Gòn - Gia Định để hoạt động. Khi có lệnh tiến vào Sài Gòn, nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp quản hệ thống giáo dục.

Đêm 30/4/1975, một chiếc xe ô tô đưa chúng tôi lên đường. Lúc ấy, tâm trạng vừa hồi hộp, vừa lo lắng. Trên đường đi, mỗi khi thấy cờ giải phóng, chúng tôi mới cảm thấy yên tâm, nhưng chỗ nào chưa thấy cờ thì vẫn canh cánh trong lòng. Chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, đề phòng bị địch tập kích. Đến khoảng 4 - 5 giờ sáng, đoàn vào đến Sài Gòn, đánh dấu một chặng đường quan trọng trong công tác tiếp quản giáo dục của miền Nam sau ngày giải phóng.

 NGƯT.PGS Lê Văn Lý (hàng đầu bên trái), cùng các thành viên Tiểu ban Giáo dục nhận nhiệm vụ vào tiếp quản ngành Giáo dục Sài Gòn. Ảnh tư liệu

NGƯT.PGS Lê Văn Lý (hàng đầu bên trái), cùng các thành viên Tiểu ban Giáo dục nhận nhiệm vụ vào tiếp quản ngành Giáo dục Sài Gòn. Ảnh tư liệu

- Thời điểm đó, Tiểu ban Giáo dục đã hành động thế nào để tiếp quản ngành Giáo dục từ chế độ cũ, thưa Phó Giáo sư?

- Chúng tôi chia thành hai cánh để tiếp quản ngành Giáo dục. Một cánh tiếp nhận Sở Giáo dục Sài Gòn, do ông Mười Tân và bà Sáu Nở phụ trách. Cánh còn lại tiếp quản Ty Giáo dục Gia Định, gồm ông Ba Nam (ủy viên tiểu ban), ông Lê Bách và tôi. Khi tiếp quản, các thầy cô và lãnh đạo Ty Giáo dục Sài Gòn - Gia Định đã đến trình báo, bàn giao công việc. Chúng tôi nhanh chóng phân công nhiệm vụ, trao đổi để tiếp nhận và ổn định bộ máy, đồng thời làm công tác tư tưởng, phổ biến các chính sách của Mặt trận.

Sau khi tổ chức ổn định Ty Giáo dục Gia Định, chúng tôi tiếp tục quản lý các trường, lập danh sách giáo viên và triệu tập đội ngũ thầy cô để phổ biến chính sách, tổ chức học tập đường lối của Đảng và Nhà nước. Nhiều giáo viên, đặc biệt những người có tinh thần yêu nước rất phấn khởi và nhiệt tình ủng hộ, góp phần giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sau một thời gian, Ty Giáo dục Sài Gòn được sáp nhập với Ty Giáo dục Gia Định, hình thành Sở Giáo dục TPHCM. Tôi tiếp tục công tác tại đây hơn một năm, trước khi được điều ra Bắc làm nghiên cứu sinh. Việc rời xa miền Nam thân yêu là quyết định không hề dễ dàng. Dù thời gian gắn bó với thành phố này không dài, nhưng những kỷ niệm nơi đây luôn in đậm trong tâm trí tôi, không bao giờ phai nhạt.

 Nhà giáo Lê Văn Lý. Ảnh: NVCC

Nhà giáo Lê Văn Lý. Ảnh: NVCC

Nỗ lực không ngừng nghỉ

- Khi tiếp quản Sài Gòn và sử dụng lại những “người cũ”, Tiểu ban Giáo dục liệu có gặp áp lực không?

- Thời điểm đó, việc tiếp quản ngành Giáo dục không quá áp lực, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Lực lượng giáo viên lúc bấy giờ còn mỏng, nên việc sử dụng lại đội ngũ thầy cô từ chế độ cũ là điều cần thiết. Nhìn chung, các thầy cô đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ riêng việc bố trí nhân sự lãnh đạo đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng. Ưu tiên hàng đầu được đặt vào những người đã tham gia kháng chiến, hoạt động trong nội thành nắm giữ vai trò chủ chốt.

Trong hàng chục năm trước đó, chúng tôi đã cử những thầy cô nòng cốt, nhà giáo yêu nước từ nội thành ra Củ Chi để tập huấn. Quá trình này không chỉ giúp nâng cao năng lực mà còn tạo cơ hội để họ cung cấp thông tin về tình hình trong nội thành. Sau này, chính những thầy cô này đã trở về và đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo tại các trường học.

 Thanh niên Quận 3, TP Sài Gòn mít-tinh kỷ niệm 85 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1975). Ảnh: Văn Bảo/TTXVN

Thanh niên Quận 3, TP Sài Gòn mít-tinh kỷ niệm 85 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1975). Ảnh: Văn Bảo/TTXVN

Đối với những trí thức cũ, nếu họ có chuyên môn tốt, uy tín và không có tư tưởng đối lập, chống đối, vẫn được bố trí vào các vị trí lãnh đạo. Kết quả cho thấy, cách làm này đã mang lại hiệu quả tích cực.

Một trong những chủ trương quan trọng nhất thời điểm đó là ổn định nền giáo dục. Học sinh từng học theo chương trình của chế độ cũ phải chuyển sang chương trình mới. Đồng thời, đội ngũ giáo viên cũ và mới, vốn được đào tạo theo phương pháp khác nhau, cần phải hòa hợp và thống nhất. Tất cả giáo viên từ chế độ cũ đều phải tiếp thu quan điểm, đường lối của chế độ mới và áp dụng phương pháp giảng dạy mới.

Lúc chúng tôi vào tiếp quản thì vấn đề nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục phải thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, chúng tôi phải đặt nặng vấn đề bồi dưỡng, đào tạo giáo viên theo đường lối cơ bản của giáo dục.

 Trường Đại học Khoa học trước đây (tiền thân của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM ngày nay).

Trường Đại học Khoa học trước đây (tiền thân của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM ngày nay).

Nhiều thách thức cần vượt qua

- Tròn 50 năm sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông đánh giá ngành Giáo dục Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng có những bước phát triển gì? Còn có điểm gì cần khắc phục?

- Theo quan điểm của tôi, lãnh đạo ngành Giáo dục qua các thời kỳ luôn có đề xuất và đổi mới đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để những cải cách này thực sự đi vào cuộc sống vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Ví dụ, chương trình và nội dung giáo dục hiện nay cần được cải tiến và hoàn thiện hơn nữa. Đặc biệt, chương trình giáo dục cần tiếp tục giảm tải để học sinh có thêm thời gian vui chơi, giải trí, phát triển một cách tự nhiên và phù hợp với lứa tuổi.

Riêng đối với ngành Giáo dục TPHCM, tôi đánh giá cao những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt 50 năm qua. Thành phố đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo nên những thế hệ học sinh bài bản, có trách nhiệm, giàu lòng yêu quê hương. Những thế hệ này đang ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

- Xin cảm ơn ông!

Câu chuyện của vị PGS gần tuổi cửu thập về những ngày tiếp quản Sài Gòn sau Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đôi lúc ngắt quãng bởi những xúc cảm bất chợt ùa về. Thầy xúc động chia sẻ: “Già rồi, có thể câu chuyện không còn mạch lạc, nhưng tôi vẫn muốn kể lại những kỷ niệm ở thời điểm đất nước vừa thống nhất để thấy rằng, có một thời chúng ta đã vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng vẫn vượt qua một cách ngoạn mục, vẻ vang”.

Giai đoạn 10 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1976 - 1986), TPHCM đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trong một tuyến bài viết nhân dịp kỷ niệm Thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS Phan Xuân Biên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh hậu chiến, thành phố không chỉ chịu sự chống phá của các thế lực phản động mà còn bị bao vây, cấm vận, đồng thời liên tiếp hứng chịu thiên tai ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, cơ chế quản lý quan liêu bao cấp và những cuộc cải tạo nền kinh tế cũ đã tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, đẩy giá cả leo thang. Hậu quả là đời sống người dân rơi vào cảnh sa sút nghiêm trọng. Người dân TPHCM phải ăn độn từ khoai, sắn đến bo bo, thậm chí có lúc độn đến 90%. Thành phố phải chật vật lo cái ăn từng ngày cho 3,5 triệu dân.

Quốc Hải (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bo-giao-duc-thu-nho-cua-mien-nam-ngay-ay-post729423.html
Zalo