Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học với học sinh

Trong dự thảo Thông tư Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về khen thưởng và kỷ luật học sinh dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học với học sinh vi phạm.

Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến từ ngày 6-5 đến 6-7 (xem TẠI ĐÂY)

 Một tiết học của thầy trò Trường THPT Hồ Thị Bi, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN

Một tiết học của thầy trò Trường THPT Hồ Thị Bi, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN

Thông tư này khi được ban hành sẽ thay thế cho Thông tư 08/1988, ra đời cách đây gần 40 năm.

Theo dự thảo Thông tư, biện pháp kỷ luật đối với học sinh bậc tiểu học khi vi phạm là nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi. Các biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học không lưu hồ sơ và học bạ của học sinh.

Đối với học sinh cấp THCS, THPT bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm.

Trước đó, Thông tư 08 quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh có các hình thức kỷ luật là khiển trách trước lớp, trước trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần và đuổi học một năm.

Năm 2020, Bộ GD&ĐT ban hành điều lệ trường học. Các hình thức phê bình trước lớp, trường đã bị bỏ. Mức kỷ luật cao nhất với học sinh là tạm dừng học có thời hạn, thường là 1-4 tuần.

Nếu quy định mới được thông qua, mức kỷ luật cao nhất với học sinh THCS, THPT là viết bản tự kiểm điểm, bỏ hình thức đình chỉ học đối với học sinh.

Đối với việc kỷ luật, dự thảo Thông tư nêu rõ mục đích nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm của học sinh; đồng thời giáo dục, giúp đỡ học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm; tự giác điều chỉnh hành vi, khắc phục hậu quả, tự giác tu dưỡng, rèn luyện để tiến bộ và hình thành thói quen, lối sống kỷ luật.

Nguyên tắc kỷ luật là tôn trọng, bao dung, khách quan, không định kiến, bảo đảm quyền được tham gia và lợi ích của học sinh đối với các vấn đề liên quan. Không sử dụng biện pháp kỷ luật mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của học sinh.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-gddt-du-kien-bo-hinh-thuc-dinh-chi-hoc-voi-hoc-sinh-post848617.html
Zalo