Bộ đội Tăng thiết giáp: Chủ động, sáng tạo bảo đảm kỹ thuật trong hành quân thần tốc mùa Xuân 1975

Công tác bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) cho xe tăng, xe thiết giáp có ảnh hưởng rất lớn đến thắng lợi của các trận đánh và trong các chiến dịch, nhất là các chiến dịch lớn, dài ngày; bởi nếu không tổ chức tốt công tác BĐKT thì kết quả hành quân chiến đấu sẽ không cao. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ này, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ đội Tăng thiết giáp đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, làm tốt công tác BĐKT trong hành quân chiến đấu; góp phần quan trọng cùng toàn dân, toàn quân giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tích cực chuẩn bị trước khi hành quân

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ đội Tăng thiết giáp tham gia với số lượng xe tăng thiết giáp lớn nhất tính đến thời điểm đó, với tổng số 5 trung (lữ) đoàn xe tăng, gồm 502 xe các loại không kể các xe làm công tác bảo đảm.

Công tác BĐKT cho xe tăng thiết giáp thời điểm đó gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Các đơn vị tăng thiết giáp đã hành quân chiến đấu trong điều kiện hết sức phức tạp, đường hành quân dài, phải vượt qua nhiều sông ngòi, cầu cống. Tình trạng kỹ thuật một số thiết bị phương tiện trên xe bị hư hỏng, xuống cấp; phương tiện BĐKT, khí tài vật tư thiếu, kém chất lượng, không đồng bộ; cán bộ, nhân viên kỹ thuật thiếu do phải phân tán đi các hướng, các mũi...

Trước tình hình đó, đòi hỏi ngành kỹ thuật tăng thiết giáp phải có kế hoạch cụ thể, khẩn trương trong công tác BĐKT trước, trong hành quân mới đảm bảo cho các đơn vị tăng thiết giáp hành quân an toàn với tỷ lệ đến đích cao, kịp thời đáp ứng đủ khả năng nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu thắng lợi ngay từ trận đầu.

Với những đặc điểm trên, ngay trong năm 1972, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp đã chỉ đạo một số mặt cần phải tiến hành gấp, đó là: Thu hồi, sửa chữa xe máy, khí tài, kiện toàn tổ chức nâng cao chất lượng về mọi mặt, tiếp tục chi viện cho chiến trường. Chấp hành nghị quyết của Đảng ủy Binh chủng, thực hiện nhiệm vụ của Bộ tư lệnh giao, ngành kỹ thuật tăng thiết giáp đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật từ cơ quan đến các đơn vị bắt tay vào công tác BĐKT chuẩn bị cho các đơn vị hành quân chiến đấu tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Đơn vị Giải phóng quân tiến công mạnh mẽ theo hướng tại biển Thuận An trong Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Ảnh tư liệu

Đơn vị Giải phóng quân tiến công mạnh mẽ theo hướng tại biển Thuận An trong Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Ảnh tư liệu

Từ cuối năm 1972 đến đầu năm 1975, ngành kỹ thuật tăng thiết giáp đã tổ chức được 7 đội và 2 tổ đến các chiến trường để sửa chữa, khôi phục vũ khí trang bị hư hỏng. Kết quả đã sửa chữa được hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp và ô tô các loại. Đồng thời, cử một số đội thợ đến các đơn vị tăng thiết giáp cùng với lực lượng thợ tại chỗ sửa chữa vừa và nhỏ 246 xe, 461 khẩu pháo, 65 khí tài quang học và phục hồi hàng nghìn phụ tùng vật tư các loại. Đối với các đơn vị ở chiến trường, trong những năm 1973-1974 đã tích cực sửa chữa khôi phục xe, duy trì chế độ bảo dưỡng, bảo quản tốt nên trước khi hành quân, các xe kịp tham gia chiến dịch của các đơn vị đã được nâng lên, trung bình đạt từ 85% đến 95%.

Để tăng nguồn phụ tùng vật tư bảo đảm cho sửa chữa trong hành quân và chiến đấu, các đơn vị tích cực thu gom được 47 tấn vật tư từ các kho ở các chiến trường; tháo gỡ 67 tấn phụ tùng vật tư trên các xe bị hủy. Ngoài ra Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp kịp thời vận chuyển một khối lượng lớn phụ tùng vật tư vào các chiến trường, bao gồm: 134 động cơ, 100 hộp số, 2.024 bình điện, 2.295 bánh chịu nặng, 44.830 mắt xích… Đặc biệt Bộ tư lệnh điều 8 xe công trình và nhiều dụng cụ sửa chữa, 19 bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng xe tăng thiết giáp do ngành kỹ thuật biên dịch và biên soạn.

Sáng tạo bảo đảm kỹ thuật để hành quân thần tốc

Trong quá trình hành quân chiến đấu, Bộ đội Tăng thiết giáp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, gian khổ và có nhiều sáng tạo để BĐKT cho xe tăng, xe thiết giáp hành quân thần tốc, kịp thời góp mặt trong đội hình chiến đấu của các quân, binh chủng. Có những xe bị hư hỏng không có khí tài thay thế, lái xe đã đi nhờ xe khác quay lại cả trăm ki-lô-mét đến một số xe tăng hư hỏng nặng ở phía sau để tháo phụ tùng, vật tư để khôi phục xe mình. Với những xe hỏng nặng không có khả năng sửa chữa (kể cả ô tô), các đồng chí đã tháo phụ tùng để sửa chữa những xe hỏng nhẹ và làm phụ tùng dự trữ.

Để BĐKT trong hành quân chiến đấu, ngành kỹ thuật Binh chủng Tăng thiết giáp đã xây dựng kế hoạch thống nhất trong các đơn vị từ đại đội đến trung (lữ) đoàn. Trong đó cấp đại đội tổ chức một tổ sửa chữa, có nhiệm vụ cùng kíp xe cứu kéo những xe sa dệ nhẹ, giúp các xe kiểm tra kỹ thuật khi nghỉ dài ngày trong hành quân. Cấp tiểu đoàn tổ chức một tổ sửa chữa làm nhiệm vụ cứu kéo, sửa chữa những xe bị sa dệ mà các đại đội không giải quyết được. Cấp trung (lữ) đoàn tổ chức một đến hai đội sửa chữa, mỗi đội từ 15 đến 20 thợ các loại, được trang bị một xe công trình sửa chữa đi sau đội hình của đơn vị, làm nhiệm vụ giúp đỡ cứu kéo, sửa chữa xe hư hỏng của các tiểu đoàn không khắc phục được...

Bộ đội Tăng thiết giáp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Bộ đội Tăng thiết giáp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Với cách tổ chức này, tính chung trong hành quân, các tổ, đội ở trung (lữ) đoàn và Bộ tư lệnh đã sửa chữa được bình quân 80,6% tổng số xe bị hỏng, kịp thời đưa về đội hình chiến đấu. Nhờ đó, các cuộc hành quân của Bộ đội Tăng thiết giáp tham gia những chiến dịch lớn đầu năm 1975 đã đạt những kỷ lục trong lịch sử hành quân của binh chủng. Số lượng xe bị hủy trong hành quân rất ít (0,3%), xe đến đích đạt trung bình 92,5%, nhiều đơn vị đạt 100%. Ví dụ: Tiểu đoàn 66, Lữ đoàn 202 hành quân xa gần 1.700km vượt 6 con sông đã đưa được 96% số xe đến đích an toàn. Mặc dù đường hành quân chưa quen thuộc và bị địch phá hủy trước khi rút chạy phải đi đường tránh, song tốc độ hành quân có đơn vị đã đạt 249km/ngày đêm, như Tiểu đoàn xe tăng 2, Lữ đoàn 203. Hầu hết các đơn vị đều hành quân 16 giờ/ngày đêm, kể cả thời gian nghỉ kiểm tra xe và ăn uống. Trong những ngày thần tốc, có đơn vị hành quân liên tục 19 giờ, các chiến sĩ lái xe vẫn hăng hái, vui vẻ lái xe an toàn.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, một kinh nghiệm thực tế được rút ra đó là công tác BĐKT tấn công và vận động thọc sâu đòi hỏi tốc độ hành quân cao, cự ly xa, bộ đội phải hành quân và chiến đấu liên tục. Điều này đòi hỏi công tác BĐKT phải thật đầy đủ, chuẩn xác trước và trong hành quân chiến đấu để xe đến đích nhanh, đủ, kỹ thuật tốt, sẵn sàng đánh địch trong mọi tình huống. Vì thế công tác kiểm tra BĐKT xe tăng, xe thiết giáp trước khi hành quân phải làm tỉ mỉ, đầy đủ các nội dung theo quy định. Trong hành quân phải thực hiện đầy đủ các chế độ, nội dung kiểm tra kỹ thuật khi nghỉ ngắn hoặc tạm dừng. Các tổ, đội BĐKT phải bám sát đội hình đơn vị hành quân chiến đấu phía trước và phía sau mới có thể kịp thời chi viện cho các đơn vị...

Sự sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn của ngành kỹ thuật tăng thiết giáp đã góp phần làm tăng sức cơ động của xe tăng thiết giáp trong điều kiện hành quân thần tốc, thiếu khí tài vật tư. Qua đó đưa các đơn vị xe tăng thiết giáp vào kịp chiến đấu cùng với các quân, binh chủng khác, làm nên chiến thắng 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

MINH QUANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/bo-doi-tang-thiet-giap-chu-dong-sang-tao-bao-dam-ky-thuat-trong-hanh-quan-than-toc-mua-xuan-1975-826749
Zalo