Bộ Công Thương ban hành loạt quy định mới về điện lực

Bộ Công Thương ban hành loạt thông tư và nghị định mới, quy định chi tiết về truyền tải, phân phối, đo đếm điện năng, điều độ vận hành và quản lý nhu cầu điện.

Quy định hệ thống truyền tải điện, phân phối điện và đo đếm điện năng

Cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL) đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Thông tư số 05/2025/TT-BCT ngày 01/02/2025 quy định hệ thống truyền tải điện, phân phối điện và đo đếm điện năng nhằm bảo đảm tuân thủ và phù hợp với các quy định của Luật Điện lực năm 2024 và các văn bản pháp luật có liên quan trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với điều kiện thực tế.

Nội dung Thông tư 05/2025/TT-BCT được kế thừa các quy định từ Thông tư số 25/2016/TT-BCT quy định hệ thống truyền tải điện; Thông tư số 39/2015/TT-BCT quy định hệ thống phân phối điện; Thông tư số 42/2015/TT-BCT quy định về đo đếm điện năng trong hệ thống điện; Điều 1 và Điều 2 của Thông tư số 39/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BCT và Thông tư số 39/2015/TT-BCT; Thông tư số 30/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BCT và Thông tư số 39/2015/TT-BCT; Điều 2 Thông tư số 12/2024/TT-BCT sửa đổi bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến điều độ, vận hành hệ thống điện Quốc gia và thị trường điện.

Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hệ thống truyền tải điện, phân phối điện và đo đếm điện năng. - Ảnh: TTXVN

Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hệ thống truyền tải điện, phân phối điện và đo đếm điện năng. - Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, Thông tư này cũng có sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng sự gia tăng nhanh chóng về quy mô và công suất của các nguồn điện, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), đòi hỏi phải nâng cấp và tối ưu hóa hệ thống truyền tải và phân phối điện để đảm bảo khả năng duy trì ổn định lưới điện. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, các nguồn điện lưu trữ và nguồn điện linh hoạt sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai; số lượng các nguồn đấu nối vào lưới truyền tải và phân phối ngày càng tăng, bao gồm cả các nguồn điện quy mô nhỏ, làm gia tăng áp lực lên hệ thống. Hệ thống đo đếm điện năng cũng đóng vai trò rất cốt lõi trong việc quản lý, thanh toán và giám sát hiệu quả sử dụng điện.

Các quy định liên quan đến hệ thống truyền tải và phân phối điện, đo đếm điện năng đã được ban hành từ nhiều năm trước, dẫn đến một số nội dung không còn phù hợp với thực tế vận hành hiện tại. Sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và mô hình vận hành đòi hỏi các quy định mới phải bắt kịp xu hướng và đáp ứng yêu cầu thực tế, để bảo đảm tính thực tiễn và nhất quán trong thi hành Luật Điện lực năm 2024.

Thông tư gồm 11 Chương, 164 Điều và 14 Phụ lục.

Rà soát các vấn đề phát sinh trong vận hành, điều độ hệ thống điện

Nhằm mục đích rà soát các quy định kỹ thuật hiện hành, giải quyết các vấn đề phát sinh trong vận hành, điều độ hệ thống điện, bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện trong bối cảnh mới, Cục Điều tiết điện lực đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nội dung và trình Lãnh đạo Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 06/2025/TT-BCT ngày 01/02/2025 quy định điều độ, vận hành, thao tác, xử lý sự cố, khởi động đen và khôi phục hệ thống điện quốc gia.

Thông tư số 06/2025/TT-BCT quy định chi tiết khoản 4 Điều 53 của Luật Điện lực, bao gồm: Quy định chức năng, nhiệm vụ và phân cấp quyền điều khiển của cấp điều độ có quyền điều khiển, nguyên tắc điều độ, vận hành thao tác, xử lý sự cố, khởi động đen và khôi phục hệ thống điện quốc gia; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điện lực, sử dụng điện hoặc có hoạt động khác liên quan đến điện lực tại Việt Nam.

Những năm trở lại đây, quy mô hệ thống điện ngày càng lớn, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo phát triển mạnh về quy mô công suất, do đó cần thiết phải rà soát các quy định về bảo đảm cung cấp điện, quy định về quyền điều khiển của các cấp điều độ; các quy định về đấu nối, vận hành, điều tần và dịch vụ phụ trợ cần phải bổ sung các quy định để phù hợp để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định và tin cậy; các quy định điều độ, vận hành, phân cấp, cấp chứng nhận cho đội ngũ Trưởng ca các nhà máy điện năng lượng tái tạo cần được rà soát, sửa đổi và bổ sung quy định cụ thể, đảm bảo phù hợp với thực tế và khả thi cho các đơn vị thực hiện; mô hình Trung tâm điều khiển các trạm biến áp và các nhà máy điện (đặc biệt là các nguồn điện gió, mặt trời) đã và đang được các đơn vị triển khai với quy mô công suất và số lượng phần tử đấu nối ngày càng tăng cao; nâng cao năng lực của nhân viên vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần giảm các lỗi thao tác chủ quan do con người gây ra là cần thiết.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và các chính sách mới được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây, một số loại hình nguồn điện lưu trữ mới (thủy điện tích năng, pin lưu trữ), nguồn điện linh hoạt dự kiến sẽ được phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, Cục ĐTĐL đã bám sát nguyên tắc chỉ đạo tại Quyết định 1544/QĐ-TTg về Kế hoạch thi hành Luật Điện lực, bảo đảm tuân thủ và phù hợp với các quy định của Luật Điện lực số 61/2024/QH15 và các văn bản pháp luật có liên quan, sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với điều kiện thực tế.

Nội dung Thông tư số 06/2025/TT-BCT kế thừa các quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BCT quy định quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia; Thông tư số 44/2014/TT-BCT quy định quy trình thao tác trong hệ thống điện quốc gia; Thông tư số 28/2014/TT-BCT quy định quy trình xử lý sự cố trong hệ thống điện quốc gia; Thông tư số 22/2017/TT-BCT quy định khởi động đen và khôi phục hệ thống điện quốc gia; Điều 2 của Thông tư số 31/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 40/2014/TT-BCT, 44/2014/TT-BCT, 28/2014/TT-BCT; Điều 2 Thông tư 12/2024/TT- BCT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia và thị trường điện.

Thông tư quy định điều độ, vận hành, thao tác, xử lý sự cố, khởi động đen và khôi phục hệ thống điện quốc gia gồm: 11 Chương, 249 Điều và 9 Phụ lục.

Quy định mới về hồ sơ, trình tự, thủ tục mua bán điện với nước ngoài

Ngày 01/02/2025, Ban hành Thông tư số 03/2025/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục mua bán điện với nước ngoài, thay thế Thông tư số 09/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự, thủ tục mua bán điện với nước ngoài.

Thông tư số 03/2025/TT-BCT quy định khoản chi tiết khoản 8 Điều 46 Luật Điện lực, áp dụng đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam có nhu cầu mua, bán điện với nước ngoài. Nội dung thông tư cơ bản kế thừa các quy định tại Thông tư số 09/2015/TT-BCT và được sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với điều kiện thực tế để bảo đảm tính thực tiễn và nhất quán trong thi hành Luật Điện lực năm 2024.

Việc xây dựng thông tư nhằm rà soát các quy định kỹ thuật hiện hành, giải quyết các vấn đề phát sinh trong vận hành hệ thống điện, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện trong bối cảnh mới.

Thông tư bao gồm: 03 Chương, 08 Điều.

Bổ sung quy định mới phát sinh trong thực tế vận hành

Ngày 08/02/2025 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực liên quan đến hoạt động mua bán điện và tình huống bảo đảm cung cấp điện.

Theo đó, Nghị định số 18/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về thực hiện biện pháp bảo đảm và chất lượng điện năng, điều kiện giao kết hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt; việc ghi chỉ số đo điện năng; các tình huống cấp bách đe dọa nghiêm trọng đến khả năng bảo đảm cung cấp điện.

Nghị định số 18/2025/NĐ-CP bổ sung quy định mới phù hợp với phát sinh trong thực tế vận hành, các tình huống cấp bách để bảo đảm cung cấp điện. - Ảnh minh họa

Nghị định số 18/2025/NĐ-CP bổ sung quy định mới phù hợp với phát sinh trong thực tế vận hành, các tình huống cấp bách để bảo đảm cung cấp điện. - Ảnh minh họa

Nghị định được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điện lực, sử dụng điện hoặc có hoạt động khác liên quan đến điện lực tại Việt Nam.

Nghị định bao gồm 04 Chương, 09 Điều và 01 Phụ lục:

- Chương I – Quy định chung bao gồm 02 điều (từ Điều 1 đến Điều 2).

- Chương II – Quy định chi tiết về biện pháp bảo đảm, chất lượng điện năng, điều kiện giao kết hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt, ghi chỉ số điện năng bao gồm 05 điều (từ Điều 3 đến Điều 7).

- Chương III – Quy định chi tiết về các tình huống cấp bách đe dọa nghiệm trọng đến khả năng bảo đảm cung cấp điện gồm 01 điều (Điều 8).

- Chương IV- Hiệu lực thi hành: gồm 01 điều (Điều 9).

- Phụ lục: Công thức xác định hệ số công suất cosϕ và tiền mua công suất phản kháng.

Trong quá trình thực hiện các quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, chất lượng điện năng, điều kiện giao kết hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt, ghi chỉ số đo điện năng theo Luật Điện lực năm 2004, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012 và các văn bản pháp lý hướng dẫn thi hành không có vướng mắc đáng kể. Tuy nhiên, do một số quy định pháp luật khác có liên quan đã có thay đổi như Luật cư trú, Luật Căn cước công dân.. và một số tình huống phát sinh trong thực tiễn đòi hỏi phải có quy định chi tiết hơn, có hành lang pháp lý để đảm bảo tình huống cấp bách trong bảo đảm cung cấp điện.

Nghị định 18/2025/NĐ-CP đã kế thừa nội dung đã được quy định tại Nghị định 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 104/2022/NĐ-CP) và quy định một số nội dung phát sinh trong thực tế vận hành, các tình huống cấp bách để bảo đảm cung cấp điện, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với quy định mới tại Luật Điện lực.

Bên cạnh đó, một số nội dung quy định về điều kiện giao kết hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt, bảo đảm thực hiện hợp đồng mua bán điện cũng cần rà soát để hiệu chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật khác có liên quan (ví dụ về Luật Cư trú) và phát sinh trong thực tiễn thực hiện thời gian qua.

Việc xây dựng và ban hành Nghị định 18/2025/NĐ-CP nhằm quy định chi tiết các nội dung được giao tại Luật Điện lực năm 2024, qua đó tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực điện lực đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Thông tư quy định trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện

Thông tư số 04/2025/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định trình tự ngừng, giảm cung cấp điện được ban hành ngày 01/02/2025 vừa qua, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điện lực, sử dụng điện hoặc có hoạt động khác liên quan đến điện lực tại Việt Nam.

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quyết định số 3317/QĐ-BCT ngày 16 tháng 12 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thành lập Tổ soạn thảo các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến điều độ, vận hành hệ thống điện, hệ thống truyền tải điện, hệ thống phân phối điện, đo đếm điện năng, ngừng giảm cung cấp điện, quản lý nhu cầu điện và mua bán điện với nước ngoài, Cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL) đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Thông tư quy định về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện (Thông tư số 04/2025/TT-BCT).

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục ĐTĐL đã rà soát các quy định tại Luật Điện lực và tiến hành xây dựng Dự thảo Thông tư quy định trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện. Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tạo sự thuận lợi trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, Cục ĐTĐL đã tích hợp các Thông tư quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện và Thông tư quy định về việc lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện do các quy định trên có một số điểm chung, việc tích hợp sẽ tạo sự thuận lợi trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Các trường hợp ngừng, giảm cung cấp điện đã được quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Điện lực, bổ sung thêm trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Điện lực hoặc quy định của luật khác và phải áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện theo quy định của luật đó. Do đó, quy định về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm quy định pháp luật cần phải sửa đổi tương ứng.

Trường hợp ngừng cấp điện do không thực hiện thanh toán tiền điện, khoản 4 Điều 48 Luật Điện lực đã quy định về về trường hợp thực ngừng cấp điện khi không trả tiền điện. Do đó, quy định về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện trong trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện thanh toán tiền điện cần phải sửa đổi tương ứng.

Điểm a khoản 2 Điều 49 Luật Điện lực đã quy định trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện khi xảy ra thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện, do đó cần tích hợp nội dung về quy định về việc lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện vào nội dung của thông tư.

Xuất phát từ những lý do chính nêu trên, việc ban hành Thông tư số 04/2025/TT-BCT ngày 01/02/2025 quy định trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện thay thế các Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 14/11/2020 quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện và Thông tư số 34/2011/TT-BCT ngày 07/9/2011 quy định về việc lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện là cần thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật và để đảm bảo lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động điện lực, sử dụng điện.

Việc xây dựng thông tư nhằm rà soát các quy định kỹ thuật hiện hành, giải quyết các vấn đề phát sinh trong vận hành hệ thống điện, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện trong bối cảnh mới.

Thông tư số 04/2025/TT-BCT gồm: 06 Chương, 18 Điều và 06 Phụ lục.

Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về thực hiện quản lý nhu cầu điện

Trong những năm gần đây, việc thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM - Demand Side Management) tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song hiệu quả vẫn chưa như mong đợi và còn nhiều thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là nhận thức của người sử dụng điện chưa cao, dẫn đến việc tham gia các chương trình DSM chưa đồng bộ. Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ quản lý điện tại Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển các giải pháp tiên tiến. Bên cạnh đó, vấn đề cơ chế tài chính và chính sách khuyến khích cũng cần được cải thiện để thu hút sự tham gia rộng rãi hơn từ các thành phần kinh tế và người dân.

Thông tư số 07/2025/TT-BCT ngày 01/02/2025 được ban hành trên cơ sở kế thừa các quy định tại Thông tư số 19/2017/TT-BCT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung, phương pháp và trình tự thực hiện nghiên cứu phụ tải điện và Thông tư số 23/2017/TT-BCT ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện; đồng thời bổ sung các trình tự thực hiện dưới Thông tư, chi tiết trong các Phụ lục kèm theo. Đặc biệt, Thông tư số 07/2025/TT-BCT đã cập nhật, bổ sung mới nội dung “Chương trình dịch chuyển phụ tải điện” nhằm giảm chênh lệch phụ tải giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm, giảm bớt áp lực phụ tải tăng cao trong các khung giờ cao điểm lên hệ thống, phù hợp với yêu cầu thực tế. Việc tích hợp các quy định tại các Thông tư nêu trên tạo sự thuận lợi trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 30 tháng 11 năm 2024, Luật Điện lực số 61/2024/QH15 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2025. Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Điện lực, quản lý nhu cầu điện bao gồm các hoạt động: khuyến khích, hướng dẫn việc thay đổi phương thức sử dụng điện; chống lãng phí, giảm tổn thất điện năng; giảm phụ tải đỉnh, giảm chênh lệch phụ tải giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm. Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 54 Luật Điện lực năm 2024: Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quản lý nhu cầu điện quốc gia phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ, trong đó bao gồm các biện pháp quản lý nhu cầu điện, cơ chế tài chính và trách nhiệm tham gia của các bên liên quan. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về thực hiện quản lý nhu cầu điện.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục ĐTĐL đã rà soát các quy định tại Luật Điện lực và tiến hành xây dựng Thông tư quy định về thực hiện quản lý nhu cầu điện.

Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng: Tập đoàn Điện lực Việt Nam; đơn vị phân phối điện; đơn vị bán lẻ điện; khách hàng sử dụng điện; đơn vị cung cấp dịch vụ điều chỉnh phụ tải điện; đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Thông tư bao gồm: 05 Chương, 45 Điều và 06 Phụ lục.

Thế Duy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-ban-hanh-loat-quy-dinh-moi-ve-dien-luc-373844.html
Zalo