Bỏ bằng tốt nghiệp trung học cơ sở: Tăng tự chủ, giảm thủ tục

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề xuất bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, thay vào đó, hiệu trưởng xác nhận hoàn thành chương trình qua học bạ và dữ liệu số.

Đề xuất này không chỉ liên quan đến đổi mới giáo dục mà còn gắn chặt với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương theo hai cấp (tỉnh, xã) thay cho ba cấp truyền thống (tỉnh, huyện, xã).

Bỏ bằng tốt nghiệp, tăng tính tự chủ

Hiện nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo là cơ quan cấp huyện có thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Một số chuyên gia cho rằng, trao quyền xác nhận tốt nghiệp cho hiệu trưởng là lựa chọn phù hợp với xu thế tổ chức bộ máy mới, vừa giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường tính tự chủ cho nhà trường.

Phân tích về đề xuất này, bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) đánh giá, đây là một chuyển biến lớn về tư duy quản lý. Theo bà Thúy, việc hiệu trưởng, người trực tiếp theo sát quá trình học tập của học sinh, đứng ra xác nhận học sinh đủ điều kiện tốt nghiệp là một hướng đi hợp lý. Bởi trên thực tế, hội đồng xét tốt nghiệp hiện hành đã do trường chủ trì, trong đó, hiệu trưởng giữ vai trò chủ tịch hội đồng.

Đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp nhận được sự quan tâm từ dư luận. Ảnh minh họa

Đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp nhận được sự quan tâm từ dư luận. Ảnh minh họa

Chúng tôi có đầy đủ minh chứng trên phần mềm cơ sở dữ liệu, Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn giám sát được. Quan trọng là cách làm phải thống nhất, minh bạch”, bà Thúy nói.

Bà Thúy cũng nhấn mạnh: “Bỏ bằng tốt nghiệp không phải là bỏ chuẩn mà là bắt đầu một tư duy giáo dục mới nơi học sinh học thật, giáo viên dạy thật và hiệu trưởng khẳng định uy tín bằng chất lượng”.

Tăng tự chủ cho nhà trường

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Hà Nội), cũng hoàn toàn đồng tình với đề xuất. Ông cho rằng, ở nhiều địa phương, tỷ lệ tốt nghiệp Trường trung học cơ sở gần như đạt 100%. Bản chất bằng tốt nghiệp hiện nay chủ yếu mang tính xác nhận đã hoàn thành cấp học.

Nếu vậy thì giao về cho hiệu trưởng là hợp lý và chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm nếu được giao”, ông Cường nói.

Tuy nhiên, ông cũng nêu ra một số thách thức, nhất là vấn đề lưu trữ cơ sở dữ liệu vĩnh viễn, bởi không ít học sinh sau tốt nghiệp, 5 - 10 năm sau quay lại cần chỉnh sửa, xác nhận lại do thông tin bị sai lệch hoặc thất lạc. Ngoài ra, nếu hiệu trưởng thiếu năng lực quản lý dữ liệu học sinh, rất dễ dẫn tới lúng túng và áp lực khi phải chịu trách nhiệm trực tiếp.

Bà Lê Thị Loan, nguyên Phó trưởng Khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, việc bỏ cấp bằng trung học cơ sở là một động thái cải cách phù hợp, khi chuyển dần từ tư duy học để lấy bằng sang học để phát triển năng lực.

Việc để hiệu trưởng xác nhận kết quả học tập cần có lộ trình, nếu không đồng bộ, rất dễ gây mất niềm tin trong xã hội nhất là khi bằng cấp vẫn còn đóng vai trò “cửa ngõ” trong xét tuyển học nghề, tiêu chí phụ xét vào trường chuyên hoặc phân luồng sau trung học cơ sở.

Bà Loan cho rằng, khi chính quyền địa phương chuyển sang mô hình hai cấp, việc giao quyền xác nhận tốt nghiệp về cho hiệu trưởng không chỉ hợp lý về mặt quản trị mà còn thể hiện sự tin tưởng vào năng lực của cơ sở giáo dục.

Theo bà Loan, để triển khai thực tế cũng cần có tập huấn, nâng cao năng lực quản lý cho hiệu trưởng, thành lập tổ chức kiểm định độc lập, thanh tra ngẫu nhiên, đảm bảo tính khách quan và phòng tránh việc “nới lỏng chuẩn” đầu ra và cũng tính đến việc không còn bằng tốt nghiệp liệu có ảnh hưởng đến cơ hội tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Bất kỳ cải cách nào liên quan đến chuẩn đầu ra của hệ thống giáo dục phổ thông cũng cần thực hiện một cách thận trọng, có lộ trình, giám sát chặt chẽ và sự đồng thuận của xã hội.

Chỉ khi đảm bảo được sự minh bạch, công bằng và chất lượng đồng đều giữa các địa phương, việc bỏ bằng tốt nghiệp trung học cơ sở mới thực sự trở thành bước tiến, chứ không phải là một khoảng trống trong quản lý chất lượng giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó, có nhiều thay đổi. Một trong những thay đổi là bỏ bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, giao hiệu trưởng xác nhận học bạ việc hoàn thành chương trình thay vì Trưởng Phòng Giáo dục của quận, huyện cấp bằng như hiện nay.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều này nhằm đảm bảo phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục, xu thế quốc tế hiện nay. Chẳng hạn, nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Anh, Úc, Phần Lan không cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở mà sử dụng xác nhận của hiệu trưởng về kết quả học tập ở lớp dưới để xét học ở bậc học cao hơn hoặc phân luồng.

Thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến cho dự luật từ nay tới hết ngày 9/7.

Minh Khánh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-bang-tot-nghiep-trung-hoc-co-so-tang-tu-chu-giam-thu-tuc-387335.html
Zalo