Dạy học 2 buổi/ngày: Hướng tới chất lượng giáo dục toàn diện

Sau quyết định miễn học phí cho học sinh phổ thông, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được nhiều ý kiến đánh giá là quyết định nhân văn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đến giáo dục và thế hệ tương lai.

Học sinh Trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Học sinh Trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Từng bước triển khai dạy học 2 buổi/ngày từ năm học 2025 - 2026

Theo Thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc ngày 18/4 với Chính phủ và các ban, bộ, ngành về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo; chuẩn bị nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo, cũng như một số chủ trương hỗ trợ dạy và học, Tổng Bí thư thống nhất chủ trương các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở dạy học 2 buổi mỗi ngày, tùy theo điều kiện từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên. Chủ trương này cần có lộ trình thực hiện từng bước, trong đó, Nhà nước đầu tư chính và khuyến khích xã hội hóa. Nhà trường không được thu phí dạy 2 buổi mỗi ngày, đồng thời, tăng cường dạy văn hóa, nghệ thuật, giảm áp lực, đảm bảo học sinh phát triển toàn diện.

Tổng Bí thư giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan, địa phương chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nội dung chương trình dạy học, hoạt động giáo dục để các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở dạy học 2 buổi mỗi ngày, nâng cao chất lượng giáo dục. Thời gian thực hiện từ năm học 2025 - 2026.

Với chủ trương này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Việc học 2 buổi/ngày đối với học sinh phổ thông có thể giúp học sinh nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển toàn diện cả kiến thức và kỹ năng mềm. Việc tăng thời gian đến trường cũng sẽ tạo điều kiện để giáo viên quan sát và tổ chức các hoạt động giáo dục cá nhân hóa, phát huy thế mạnh của từng học sinh. Chủ trương học 2 buổi/ngày cũng rất phù hợp với tinh thần của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm, nhằm giảm áp lực học thêm, góp phần tiết kiệm chi phí học thêm của các gia đình, trong khi học sinh vẫn được nhà trường quản lý học tập, tránh tham gia những lớp học không đảm bảo chất lượng.

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục Việt Nam cho rằng, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày miễn phí có thể xem như một chính sách an sinh xã hội của ngành Giáo dục, đem lại lợi ích cho cả phụ huynh, học sinh và giáo viên. Học sinh sẽ có điều kiện tập trung học tốt chương trình chính khóa, nếu cần bổ trợ thêm kiến thức sẽ được miễn phí. Các thầy cô có thêm thời gian giúp học sinh hiểu nội dung kiến thức chương trình, đồng thời, rèn luyện thêm kĩ năng cho các em. Về phía phụ huynh, khi con học cả ngày ở trường, bố mẹ có thể yên tâm công tác, lao động. Về lâu dài, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sẽ tác động tới chất lượng giáo dục và cả kỳ vọng đổi mới giáo dục, tạo điều kiện để thầy cô thích ứng với chương trình giáo dục mới và đổi mới phương pháp giảng dạy.

Đối với yêu cầu “giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật, bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện” khi dạy học 2 buổi/ngày, theo ông Đặng Tự Ân, các thầy cô có thể hướng dẫn học sinh rèn luyện khả năng tự học, phát triển tinh thần học tập suốt đời cho các em. Bên cạnh đó, có thể dạy thêm kĩ năng sống, công nghệ và các ứng dụng của công nghệ cho học sinh. Tính chất của buổi dạy thứ hai nhất định phải khác buổi thứ nhất, đặc biệt cần “dẹp loạn” với việc tiếp tục dạy kiến thức - một cách làm rất sai trong giáo dục những năm gần đây, nhất là khi ngành Giáo dục đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Giải bài toán về cơ sở vật chất, giáo viên

Cả nước hiện có 23,2 triệu học sinh phổ thông. Trong đó, bậc Tiểu học có khoảng 8,9 triệu em, bậc Trung học Cơ sở khoảng 6,5 triệu em. Từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, việc dạy học 2 buổi mỗi ngày là bắt buộc với bậc Tiểu học và khuyến khích ở Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông. Thống kê sơ bộ, cả nước hiện có hơn 10 địa phương áp dụng thí điểm cho học sinh Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông học 5 ngày/tuần và nghỉ thứ bảy, chủ nhật.

Ông Bùi Văn Khiết, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định cho biết: Từ ngày 17/3/2025, các trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định đã bắt đầu triển khai dạy học 5 ngày/tuần. Các trường bố trí học buổi sáng không quá 5 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết. Việc dạy học phải bảo đảm đúng, đủ nội dung chương trình chính khóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không gây quá tải cho học sinh, giáo viên và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của nhà trường.

Tuy nhiên, ông Bùi Văn Khiết cho rằng, mô hình “dạy học 5 ngày/tuần” khác với việc “dạy học 2 buổi/ngày” theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu dạy học 2 buổi/ngày, các trường cần đảm bảo được điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Hiện Nam Định chưa có trường trung học nào áp dụng dạy học 2 buổi/ngày, khi nào đủ điều kiện sẽ triển khai.

Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ cũng chia sẻ, địa phương đã triển khai dạy học 2 buổi/ngày tại 100% cơ sở giáo dục Tiểu học. Với Trung học Cơ sở, Phú Thọ mới bắt đầu thí điểm dạy học 2 buổi/ngày từ học kỳ II năm học 2024 - 2025 với 30 trường trên tổng số 248 trường toàn tỉnh.

Theo ông Phùng Quốc Lập, để thực hiện hiệu quả chủ trương này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện đáp ứng việc dạy học như chương trình, đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị... Bên cạnh đó, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cũng cần đẩy mạnh nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Nhấn mạnh vấn đề cốt lõi để triển khai thành công mô hình dạy học 2 buổi/ngày nằm ở đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, cần tập trung giải quyết tình trạng thiếu trường lớp, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhà giáo ở các địa phương, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Khi các nhà trường có đội ngũ giáo viên vững vàng về trình độ chuyên môn, cùng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đi kèm được đồng bộ theo hướng hiện đại thì khi đó, việc dạy học 2 buổi/ngày mới thực hiện được.

Đề cập đến nội dung buổi học thứ hai, ông Nguyễn Đức Tú Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu (Đà Nẵng) bày tỏ, khác với cấp Tiểu học, nội dung buổi học thứ hai ở cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông phải tính đến đáp ứng mục tiêu định hướng nghề nghiệp và cá nhân hóa theo nhu cầu học sinh.

Nhà trường nên được trao sự chủ động, linh hoạt khi tổ chức buổi học thứ hai, trong đó, chú trọng việc phát triển năng khiếu, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, hướng nghiệp, hoạt động trải nghiệm cho học sinh hoặc dạy học các nội dung cho học sinh có năng lực học tập còn hạn chế, những nội dung nâng cao cho học sinh có tố chất học tập vượt trội… Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ hiện có của các trường, muốn tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM, STEAM, giáo dục kỹ năng sống, trang bị kỹ năng số, khởi nghiệp… hay các sân chơi sáng tạo cho học sinh, đòi hỏi phải có sự liên kết nguồn lực mới có thể triển khai hiệu quả.

Việt Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ban-tron-giao-duc/day-hoc-2-buoingay-huong-toi-chat-luong-giao-duc-toan-dien-20250513164936636.htm
Zalo