Góp ý Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Xã hội, Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng góp ý Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng các văn bản được trình, tôi cơ bản nhất trí và đánh giá cao các nội dung trong dự thảo trên tinh thần tổng kết thi hành Luật Khoa học công nghệ 2013; hướng đến tạo môi trường linh hoạt, năng động và hiện đại phù hợp với xu hướng hiện nay trên thế giới. Qua đó, tôi xin tham gia góp ý một số nội dung như sau:

1. Giải thích từ ngữ (Điều 3)

Đề nghị ban soạn thảo rà soát, bổ sung giải thích từ ngữ đối với một số từ, cụm từ trong dự thảo Luật. Ví dụ: hệ thống tiêu chuẩn hóa (khoản 8 - Điều 4), kiến tạo giá trị đổi mới (khoản 2 - Điều 4) và một số từ, cụm từ khác xuất hiện tại các giải pháp cụ thể trong chương 2, 3, 4 của dự thảo Luật.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Xã hội, Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Xã hội, Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng.

2. Nguyên tắc và chính sách hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Điều 4 dự thảo Luật)

Tôi nhận thấy có 2 vấn đề sau đây:

+ (1) Chưa nêu rõ cơ chế cụ thể cho việc triển khai và đánh giá kết quả tham gia của các tổ chức xã hội, đơn vị và doanh nghiệp. Các nội dung liên quan đến Nhà nước bao trùm hầu như các nhiệm vụ và xuất hiện khá nhiều, trong khi vai trò của các chủ thể khác khá mờ nhạt và bị động trong nguyên tắc và hệ thống chính sách. Điều này dẫn đến tình trạng chính sách trở nên khá chung chung và thiếu động lực thúc đẩy các thành phần khác có vai trò không kém phần quan trọng trong việc áp dụng và thực thi chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

+ (2) Tính cân đối và hợp lý của nguyên tắc và chính sách mang tính định hướng: Nguyên tắc có thể hiểu là những quy định phổ biến, chung nhất, có tính chất định hướng buộc phải tuân theo. Còn chính sách là các chủ trương, biện pháp cụ thể mà Nhà nước áp dụng để thực hiện các nguyên tắc, đường lối.

Tuy nhiên, trong Điều 4, tại một số khoản (cụ thể từ khoản 2 đến khoản 9) lại mang tính chất chính sách như các giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực cụ thể, không phải là các chính sách mang tính định hướng để đáp ứng nguyên tắc chung.

Ví dụ, tại khoản 2, Điều 4, đây là các giải pháp mang tính diễn giải chi tiết về khuyến khích hình thành và phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; chưa mang tính chính sách tổng thể và định hướng chung của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Vì vậy, tôi xin đề xuất:

- (1) Lập luận, diễn đạt và cấu trúc lại các nội dung của Điều 4 theo nêu nguyên tắc và chính sách chung, bao quát nhất, tạo hành lang pháp lý và nền tảng thông suốt cho việc tổ chức triển khai thực hiện, không nên sa vào cái cụ thể, chi tiết. Như vậy sẽ dễ trùng lặp với các điều, khoản sau về giải pháp trên từng lĩnh vực, tương quan và tác động từng đối tượng cụ thể. Trong đó, Nhà nước tập trung vào chính sách mang tính định hướng; giao quyền chủ động, tự chủ nhiều hơn cho các chủ thể khác như doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu trong các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện cho các đơn vị khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (nhất là trong một số hoạt động như: thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ).

- (2) Dự thảo cần xem xét, bổ sung điều, khoản về chính sách “tạo điều kiện cho các hội khoa học kỹ thuật, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia tư vấn, phản biện, giám định và triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ” để phù hợp với chính sách định hướng tại khoản 4 Điều 4 của dự thảo Luật.

3. Về khuyến khích sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và phổ biến tri thức khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Điều 18 dự thảo Luật)

Từ thực tiễn hiện nay về thực trạng sáng kiến nói chung và sáng kiến cải tiến kỹ thuật lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nói riêng với tư cách là một yếu tố quan trọng để đánh giá/ hay đề xuất các danh hiệu thi đua, đánh giá đội ngũ..., Chính phủ cần chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức giám sát, rà soát, đánh giá lại nhận thức, ý nghĩa, thực trạng hiệu quả, sự vận dụng và đóng góp của các sáng kiến trong thực tế với vai trò thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Để từ đó có sự điều chỉnh phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực, ngân sách và công sức của đội ngũ. Sáng kiến phải thực sự có sự lan tỏa lâu dài về giá trị và phạm vi, hiệu quả áp dụng chứ không phải dừng lại ở một số nơi, một số đơn vị, một số “sáng kiến” như việc tổng kết, báo cáo hằng năm về thực trạng, giải pháp thực hiện, phụ trách công việc bản thân cán bộ, công chức, viên chức được giao, đảm nhận; được công nhận để xét các danh hiệu hoặc dùng làm tiêu chí đánh giá năng lực, khả năng hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể xác định/ thời gian tới sẽ tiếp tục định lượng hiệu quả triển khai như thế nào.

4. Chính sách thu hút, trọng dụng, ưu đãi cá nhân, nhân tài về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Tại Điều 51, 52 của dự thảo Luật có nêu cụ thể về các chính sách và các ưu đãi đối với nhân tài khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, tôi xin đề xuất nêu cụ thể các cá nhân thuộc đối tượng “Nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” tại điểm b, khoản 1, Điều 51 “được nhận diện cơ bản dựa trên năng lực đột phá và khả năng thực tiễn, được xác định thông qua các thông tin” phải đáp ứng bao nhiêu tiêu chí, một, một vài hay tất cả tiêu chí thì được công nhận là nhân tài để Nhà nước có chính sách ưu đãi và đãi ngộ đặc biệt phù hợp với tài năng của nhân tài khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm - Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Xã hội, Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202505/gop-y-du-thao-luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-d06008e/
Zalo