Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kể từ khi Tổng Thống Mỹ công bố các mức thuế đối ứng hồi đầu tháng 4, các doanh nghiệp trong ngành thủy sản như 'ngồi trên đống lửa'.

Không tránh khỏi những tác động

Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, nếu chịu riêng mức thuế 46% cùng nhiều loại thuế khác như thuế trợ cấp, thuế chống phá giá... thì tổng thuế phải chịu tối đa lên đến 75%. Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam thường sử dụng phương thức giao hàng CIF - chịu toàn bộ chi phí vận tải, bảo hiểm và thuế trước khi giao hàng cho đối tác.

Tại thời điểm Mỹ công bố mức áp thuế mới, Việt Nam đang có gần 40.000 tấn thủy hải sản đang trên đường xuất khẩu sang quốc gia này. Hiện, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã dừng việc ký hợp đồng và tạm dừng xuất khẩu, điều này dẫn đến việc phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng. Cần nhắc lại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của thủy sản Việt Nam, nhất là với các mặt hàng như tôm sú, cá tra... chiếm 1,8 - 2,1 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng, tác động đến cuộc sống của hàng triệu nông - ngư dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, ngành đồ gỗ - nội thất cũng là những lĩnh vực sẽ chịu tác động rất nặng nề trong thời gian tới. Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ lâm sản Việt Nam chia sẻ, trong những ngày vừa qua, doanh nghiệp gỗ sống trong những thời điểm rất “sốc”. Đầu tháng 3, Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra việc áp thuế, hạn ngạch nhập khẩu với mặt hàng đe dọa an ninh Mỹ. Hiệp hội đang giải trình phản biện. Một lượng hàng xuất khẩu vào Mỹ trị giá 800 triệu USD đang chờ kết quả điều tra, dự kiến sẽ có kết quả trong 270 ngày. Do đó, các doanh nghiệp ngành gỗ khó lượng hóa được thiệt hại. Hiện, nhiều đối tác nhập khẩu đã đề nghị hoãn một số đơn hàng và có khả năng sẽ không ký đơn hàng mới.

Theo TS. Santiago Velasquez - Phó Chủ nhiệm chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại Trường Đại học RMIT Việt Nam, phương pháp tính toán mức thuế cho từng nền kinh tế mang tính chất phi truyền thống cho thấy, động thái này áp mức thuế mới còn có thể được coi là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ, nhằm định hình lại ảnh hưởng toàn cầu của quốc gia này.

Cùng chung quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, Tổng Thống Donald Trump sử dụng thuế quan như một trong những công cụ chính nhằm cơ cấu lại chính sách kinh tế và đối ngoại với các nước.

Doanh nghiệp cần có tầm nhìn xa chủ động tìm các thị trường ngách, thị trường mới

Doanh nghiệp cần có tầm nhìn xa chủ động tìm các thị trường ngách, thị trường mới

Củng cố nội tại để phát huy lợi thế

Sau 9 ngày công bố mức thuế đối ứng mới, Tổng Thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố sẽ tạm dừng chính sách này trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam để Mỹ và các đối tác có thời gian đàm phán về thuế quan. Tuy nhiên các mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ vẫn phải chịu mức thuế cơ sở là 10%.

Trước những khó khăn hiện tại, ông Ngô Sỹ Hoài đánh giá, trong nguy luôn có cơ. Thách thức hiện tại có thể là động lực để chúng ta cơ cấu lại ngành, tập trung vào các nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao như nội thất mà Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Một cơ hội đáng chú ý là chính sách thuế quan mới lại là “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp Việt Nam nhập nguyên liệu thô từ Mỹ và xuất khẩu các sản phẩm chất lượng cao sang đối tác. Hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp đồ nội thất lớn thứ hai cho Mỹ. Điều đó cũng khiến ngành gỗ Việt Nam dễ bị theo dõi sát sao hơn. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam và Mỹ vẫn đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác kỹ thuật, đảm bảo gỗ khai thác hợp pháp. Đây có thể là cách để góp phần cân bằng thương mại song phương ngành gỗ với Mỹ.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng tin tưởng rằng, với nội lực, năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam, trong thời gian tới, chúng ta không mất đi lợi thế cạnh tranh tương đối đối với lĩnh vực này. Dù tổng cầu thế giới có giảm, ngành không đạt được tốc độ tăng trưởng cao như quý I vừa qua, nhưng khó có thể rơi vào suy giảm sâu.

Cùng chung nhận định này, các chuyên gia khẳng định, doanh nghiệp lúc này cần có tầm nhìn xa, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ, minh bạch về quá trình sản xuất cũng như chủ động tìm các thị trường ngách, thị trường mới, chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau.

Hương Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/binh-tinh-truoc-kho-khan-de-cung-co-suc-manh-noi-tai-162623.html
Zalo