Doanh nghiệp bình tĩnh ứng phó với chính sách thuế của Mỹ
Động thái tạm dừng áp thuế trong 90 ngày và áp mức thuế đối ứng thấp hơn (chỉ 10%) của Mỹ đã giúp doanh nghiệp giảm bớt lo lắng, có thêm thời gian đám phán với đối tác cũng như tìm kiếm thêm thị trường.
Rạng sáng 10/4 ( theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Truth Social tuyên bố tăng thuế ngay lập tức với Trung Quốc lên 125%. Ông thông báo có hơn 75 quốc gia đã chủ động liên hệ với Mỹ để đàm phán các vấn đề thương mại.
Tuy nhiên, do các nước này đã không trả đũa Mỹ, ông quyết định tạm dừng áp thuế trong 90 ngày và áp mức thuế đối ứng thấp hơn, chỉ 10% trong thời gian này. Việt Nam cũng nằm trong số 75 quốc gia nói trên, qua đó giúp doanh nghiệp giảm bớt lo lắng vì có thêm thời gian để đám phán với đối tác cũng như tìm kiếm thêm thị trường.
Thị trường Mỹ chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ. Các doanh nghiệp ngành này cho biết cảm giác lo lắng đã tạm thời qua đi, ít nhất là trong 3 tháng tới.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết: "So với tin sốc ban đầu thì tin hoãn thuế 90 ngày là một tin tốt cho Việt Nam. Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất, các nhà mua hàng có thời gian để chuẩn bị thu xếp các đơn hàng đang dở dang, các đơn hàng đang di chuyển trên biển cũng như đàm phán cho các đơn hàng mới. Về thời gian 90 ngày và mức thuế khoảng 10%, tôi nghĩ là có thể thương lượng được với nhau một cách nhẹ nhàng".
Theo các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, việc Mỹ tạm áp mức thuế đối ứng 10% thay vì 46% như trước đó là kết quả đầu tiên sau những nỗ lực đàm phán của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ và các bộ ngành. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có những chuyển hướng chiến lược quan trọng trong đàm phán thuế đối ứng, đàm phán thỏa thuận song phương với Mỹ cũng như cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh..
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Chuyên gia Kinh tế, nhận định: "Vẫn phải làm giàu nội lực của mình bằng cách phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, bằng cách phát triển và tận dụng tối đa các thể chế kinh tế thị trường, bằng cách phát huy sức cầu nội địa, bằng cách tăng cường nội lực của lực lượng lao động về công nghệ, về năng lực, về kỹ năng".
Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng: "Làm sao để chúng ta cân đối được nội lực của nền kinh tế trong bối cảnh có 100 triệu dân như Việt Nam? Phụ thuộc vào xuất khẩu là đương nhiên, nhưng chúng ta cũng có những thế mạnh khác. Đó là đầu tư công, sức cầu nội địa. Vấn đề đặt ra là sửa đổi các thế chế để những mục tiêu đó không bị rào cản".
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam có khả năng kéo giảm mức thuế đối ứng do các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ hiện nay không phải là sản phẩm cạnh tranh trực tiếp mà mang tính bổ sung. Tuy nhiên, vấn đề là cần có thời gian. Có thêm thời gian đàm phán đồng nghĩa với việc, các doanh nghiệp có thêm thời gian để thích ứng trong bối cảnh cuộc chơi toàn cầu có thể rất khác.