Doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu còn nhiều yếu tố khó lường, việc doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch phòng ngừa rủi ro tỷ giá được xem là yếu tố then chốt để tiết giảm chi phí trong thời gian tới.

Kiểm tiền USD. AFP/TTXVN

Kiểm tiền USD. AFP/TTXVN

Áp lực tỷ giá gia tăng khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ lớn… có nguy cơ phải đối mặt với chi phí tăng cao. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu còn nhiều yếu tố khó lường, việc các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch phòng ngừa rủi ro tỷ giá được xem là yếu tố then chốt để tiết giảm chi phí trong thời gian tới.

Tỷ giá vẫn căng thẳng

Sau một tuần biến động mạnh, tỷ giá USD/VND trong phiên 14/4 tiếp tục neo cao. Giá USD bán ra tại các ngân hàng ở mức 26.000 VND/USD, gần với mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Dù đã giảm đáng kể so với mức cao kỷ lục 26.182 VND/USD trong phiên 9/4/2025, song tỷ giá nhìn chung vẫn còn neo ở ngưỡng cao.

Đáng chú ý, không chỉ riêng cặp tỷ giá USD/VND, các ngoại tệ khác trong ngân hàng cũng tăng giá mạnh. Giá bán EUR sáng nay tại Vietcombank ghi nhận ở mức cao lịch sử, lên đến 30.189,26 VND/EUR ở chiều bán ra, tăng hơn 10% kể từ đầu năm đến nay. Các cặp tỷ giá khác cũng có sự biến động mạnh so với hồi đầu năm.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, kể từ đầu năm đến nay, đồng USD ghi nhận giảm giá đáng kể so với các đồng tiền khác, trong khi đó VND lại giảm giá so với đồng USD. Điều này khiến cho tỷ giá đồng VND ghi nhận giảm giá kép so với các ngoại tệ khác như EUR, GPB, JPY...

Thực tế, chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 loại tiền tệ mạnh khác) ghi nhận giảm sâu xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, hiện đang giao dịch quanh mức 99,6 điểm, giảm 7,8% so với đầu năm.

Điều này diễn ra trong bối cảnh sức mạnh của đồng USD suy yếu bởi sự bất định trong chính sách và quan ngại về rủi ro suy thoái kinh tế tại Mỹ. Dù đồng USD suy yếu, song giá bán USD tại các ngân hàng vẫn tăng khoảng 1,75% kể từ đầu năm đến nay, do nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng.

Các chuyên gia cho rằng, dù hiện tại Mỹ đã tạm hoãn áp thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam trong 90 ngày, tuy nhiên trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu gia tăng, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn ít nhiều chịu ảnh hưởng do nền kinh tế có độ mở cao. Áp lực tỷ giá USD/VND theo đó có thể gia tăng trong thời gian tới, vì thiếu hụt nguồn cung ngoại tệ khi xuất khẩu và dòng vốn FDI dự kiến suy giảm.

Báo cáo chiến lược tiền tệ và lãi suất của Ngân hàng UOB (Singapore) mới đây nhận định, các đồng tiền châu Á sẽ bước vào giai đoạn suy yếu tiếp theo. Theo UOB, việc Mỹ áp thuế đối ứng cao sẽ khiến hàng hóa Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ, vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất. UOB nhận định dự báo áp lực tỷ giá có thể lên cao vào quý III/2025 và sau đó hạ nhiệt trong quý IV/2025.

Cần chủ động phòng ngừa rủi ro

Theo các chuyên gia, các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gỗ, dệt may, thủy sản... đang đối mặt với nhiều áp lực từ chính sách thuế quan khó đoán định của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vì vậy, việc chủ động chuẩn bị các kịch bản ứng phó trước những diễn biến khó lường là điều cần thiết, bao gồm cả ẩn số tỷ giá.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân cho rằng, trụ đỡ chính của tỷ giá là xuất khẩu, nếu Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam chắc chắn sẽ gây áp lực cho tỷ giá. Do đó, bên cạnh việc thích ứng với biến động mạnh, linh hoạt tìm kiếm thị trường mới, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cần có kế hoạch phòng ngừa rủi ro tỷ giá chặt chẽ.

Theo ông, các doanh nghiệp cần tính toán việc chuẩn bị nguồn USD để nhập khẩu nguyên liệu, cân nhắc giữ lại USD khi nhận thanh toán đơn hàng hay chuyển sang VND ngay cần có tính toán để có hiệu quả nhất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải tính toán luôn vấn đề chi phí đầu vào có thể gia tăng, do biến động tỷ giá để có kế hoạch hoạch toán cụ thể.

Để ứng phó với biến động tỷ giá, Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Giảng viên Kinh tế, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cũng cho rằng, doanh nghiệp cần thiết lập một chiến lược quản lý rủi ro tỷ giá toàn diện, bao gồm việc phân tích các kịch bản biến động tỷ giá và xác định mức độ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Việc này giúp doanh nghiệp chủ động trong việc ứng phó với các biến động của thị trường ngoại hối.

Theo Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, các doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ tài chính phái sinh như hợp đồng kỳ hạn hoặc hoán đổi để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Việc này giúp cố định tỷ giá cho các giao dịch trong tương lai, giảm thiểu tác động của biến động tỷ giá đến chi phí và doanh thu.

Doanh nghiệp cần theo dõi và quản lý trạng thái ngoại tệ bằng cách cân đối giữa các khoản phải thu và phải trả ngoại tệ. Việc này giúp giảm thiểu rủi ro tỷ giá do biến động của các đồng tiền liên quan. Việc thường xuyên theo dõi diễn biến của thị trường ngoại hối và cập nhật các thông tin kinh tế, chính trị quan trọng sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định kịp thời và hiệu quả trong việc quản lý rủi ro tỷ giá.

Ở góc độ ngân hàng, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhấn mạnh quan điểm từ cơ quan quản lý với mục tiêu ổn định lãi suất, tỷ giá nhưng không cố định hay neo cứng, vì kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng theo hướng kinh tế thị trường vốn rất cần sự linh hoạt. Do vậy, giải pháp tốt nhất được UOB khuyến nghị đến các khách hàng là việc quản lý dòng tiền chặt chẽ.

“Trên cơ sở có được kế hoạch sử dụng dòng tiền, dòng vốn chi tiết, các ngân hàng và khách hàng hoàn toàn có thể xây dựng được kế hoạch huy động vốn, chuyển đổi ngoại tệ đúng thời điểm có lợi nhất. Chúng tôi cũng khuyến nghị các khách hàng xây dựng quy chế tài chính chi tiết hóa việc sử dụng các sản phẩm, công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất một cách hợp lý để tối ưu hóa quá trình vận hành hoạt động kinh doanh, đầu tư của mình”, ông Đinh Đức Quang cho biết.

Hứa Chung/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-can-chu-dong-phong-ngua-rui-ro-ty-gia/370061.html
Zalo