Bình Thuận tái cấu trúc ngành du lịch trên nền tảng công nghệ số

Với lợi thế về thiên nhiên, văn hóa và con người, tỉnh Bình Thuận xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, để phát triển nhanh, bền vững và có sức cạnh tranh cao, việc tái cấu trúc toàn diện hoạt động du lịch trên nền tảng công nghệ là yêu cầu cấp thiết.

Ngày 16/5, tại Khu du lịch ở phường Hàm Tiến, Tp.Phan Thiết (Bình Thuận) đã diễn ra hội thảo với chủ đề "Chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo – Kết nối hệ sinh thái du lịch Bình Thuận".

Du lịch Bình Thuận bắt nhịp thời đại số

Tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về du lịch với nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, văn hóa và con người. Tỉnh Bình Thuận đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tuy nhiên, để ngành du lịch của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và mang tính cạnh tranh cao, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới tư duy phát triển, chủ động chuyển đổi số, ứng dụng khai thác và ứng dụng hiệu quả các thành tựu của khoa học – công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, trong hoạt động du lịch.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, chuyển đổi số trong du lịchkhông đơn thuần là số hóa thông tin, mà là tái cấu trúc toàn diện hoạt động du lịch trên nền tảng công nghệ mới. AI có thể hỗ trợ phân tích dữ liệu, cá nhân hóa trải nghiệm, tối ưu quản lý và dự báo xu hướng du lịch...

Trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều cố gắngtrong xây dựng bản đồ số, hệ thống thông tin du lịch thông minh, ứng dụng QR code, thanh toán không tiền mặt,... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn thiếu thông tin, thiếu kỹ năng, nhân lực công nghệ - đây là khoảng trống cần lấp đầy.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phát biểu tại hội thảo.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề trọng tâm như: Nhận diện rõ những xu hướng mới về chuyển đổi số và AI trong du lịch. Phân tích các rào cản hiện nay của doanh nghiệp, địa phương khi chuyển đổi số.

Chia sẻ mô hình, kinh nghiệm, bài học thực tiễn trong và ngoài nước. Đề xuất các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Xây dựng cơ chế hợp tác công tư, chuyển giao công nghệ, phát triển nhân lực số", ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phát biểu tại hội thảo.

Bước đi tất yếu để du lịch Bình Thuận phát triển

Ông Lương Thanh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận cho biết, với lợi thế nổi trội về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, văn hóa và con người, du lịch Bình Thuận đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững và thông minh hơn, chúng ta cần đổi mới cách tiếp cận, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) vào toàn bộ chuỗi giá trị du lịch: từ quản lý, tiếp thị, vận hành đến trải nghiệm khách hàng.

Điểm du lịch nổi tiếng ở xã Tiến Thành,Tp.Phan Thiết.

Điểm du lịch nổi tiếng ở xã Tiến Thành,Tp.Phan Thiết.

"Hội thảo hôm nay là diễn đàn khoa học – kết nối – đổi mới sáng tạo, với các nội dung chính sẽ được bàn thảo bao gồm: Đánh giá thực trạng ứng dụng chuyển đổi số và AI trong ngành du lịch tỉnh nhà; nhận diện cơ hội, thách thức và rào cản trong tiến trình này; chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương trong và ngoài nước; thảo luận giải pháp công nghệ, chính sách hỗ trợ, cơ chế hợp tác liên ngành; đề xuất các sáng kiến, dự án cụ thể nhằm kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái du lịch Bình Thuận.

Thông qua Hội thảo, chúng tôi kỳ vọng sẽ góp phần định hình tầm nhìn, hành động chiến lược và những hoạt động cụ thể để đưa du lịch Bình Thuận phát triển theo hướng thông minh, hiện đại, có sức hút, có bản sắc – đồng thời sẵn sàng hội nhập sâu rộng trong thời đại số", ông Lương Thanh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh.

Chuyển đổi số và AI không còn là lựa chọn mà là con đường bắt buộc để nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch địa phương. Muốn đi nhanh, cần có sự liên kết: Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Cộng đồng. Tỉnh Bình Thuận cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các sáng kiến, mô hình, giải pháp được áp dụng thực tế tại Bình Thuận.

Dịp lễ 30/4, 1/5 mới đây, khách du lịch đến với Hàm Tiến - Mũi Né rất đông.

Dịp lễ 30/4, 1/5 mới đây, khách du lịch đến với Hàm Tiến - Mũi Né rất đông.

Năm 2024 đón 9,68 triệu lượt khách, đạt 101,36% kế hoạch, tăng 15,91% so với năm 2023, doanh thu hoạt động du lịch 25.530 tỷ đồng, đạt 100,12% kế hoạch, tăng 14,44%. Riêng trong dịp lễ 30/4 -1/5 năm nay, du lịch Bình Thuận ước đón 228.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú; công suất phòng lưu trú vào các ngày cao điểm bình quân khoảng 75 - 95%, doanh thu ước đạt 450 tỷ đồng.

Nguyễn Đắc Phú

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/binh-thuan-tai-cau-truc-nganh-du-lich-tren-nen-tang-cong-nghe-so-204250516130151446.htm
Zalo