Tổng thống Trump thay đổi luật chơi, AI Mỹ được hưởng lợi đến đâu?

Sự khởi sắc gần đây của cổ phiếu nhà sản xuất chip AI hàng đầu thế giới Nvidia cho thấy địa chính trị đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của ngành trí tuệ nhân tạo tại Mỹ.

Tuy nhiên, sự lạc quan trên thị trường có thể là quá sớm, khi các chính sách liên quan đến công nghệ và AI vẫn còn nhiều biến động dưới chính quyền mới.

Theo Financial Times, trong một tuần, vốn hóa thị trường của Nvidia đã tăng hơn 500 tỉ USD, nhờ các tín hiệu cho thấy chính quyền Mỹ đang thay đổi cách tiếp cận đối với chính sách kiểm soát xuất khẩu công nghệ AI.

Các nhà đầu tư coi đây là động lực mạnh mẽ để mua vào cổ phiếu công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, hiệu ứng “cú sốc Trump” đối với thị trường công nghệ từ những tháng đầu nhiệm kỳ đã khiến nhiều chuyên gia thận trọng, bởi các chính sách có thể thay đổi đột ngột.

Nvidia và kỳ vọng từ việc nới lỏng kiểm soát AI

Chuỗi tăng trưởng của Nvidia trên Phố Wall bắt đầu sau khi có chính quyền Tổng thống Donald Trump lên kế hoạch đình chỉ một số quy định kiểm soát xuất khẩu AI mà chính quyền tiền nhiệm Joe Biden đưa ra. Trong đó đáng chú ý nhất là “quy tắc khuếch tán AI”, vốn được thiết kế để hạn chế việc bán các công nghệ AI tiên tiến cho phần lớn các quốc gia trên thế giới.

Theo quy định này, chỉ 18 quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ được tiếp cận tương đối tự do với công nghệ AI, trong khi phần còn lại - được xếp vào nhóm “cấp độ 2”, bị hạn chế tiếp cận cả phần cứng (chip AI) và phần mềm (mã nguồn đào tạo mô hình AI). Việc tạm dừng hoặc điều chỉnh những quy tắc này không chỉ mở rộng thị trường tiềm năng cho các công ty công nghệ Mỹ, mà còn có thể cho phép họ tự do hơn trong việc quyết định đặt cơ sở phát triển ở nước ngoài.

Tiếp theo đó, Washington cũng bất ngờ giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc, một động thái trái ngược với các chính sách thương mại cứng rắn trước đó. Đặc biệt, cổ phiếu Nvidia tiếp tục tăng vọt sau khi hãng này công bố một thỏa thuận lớn bán các dòng chip trung tâm dữ liệu cao cấp cho Ả Rập Saudi, trùng với chuyến thăm của Tổng thống Trump tới khu vực Trung Đông.

Tổng thống Donald Trump và CEO Nvidia Jensen Huang (hàng trước, ngoài cùng bên phải) cùng gia đình hoàng gia Ả Rập Saudi và các nhà lãnh đạo công nghệ Mỹ - Ảnh: Getty

Tổng thống Donald Trump và CEO Nvidia Jensen Huang (hàng trước, ngoài cùng bên phải) cùng gia đình hoàng gia Ả Rập Saudi và các nhà lãnh đạo công nghệ Mỹ - Ảnh: Getty

Dù các động thái này tạo cảm giác tích cực cho thị trường, một số nhà quan sát cho rằng chúng phản ánh một sự thiếu nhất quán trong chính sách công nghệ của chính quyền mới. Các nguyên tắc kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt là với công nghệ nhạy cảm, hiện chưa rõ sẽ được thay thế bằng cơ chế nào. Điều này mở ra nguy cơ các chính sách có thể bị điều chỉnh tùy thuộc vào áp lực từ các nhóm lợi ích trong nội bộ chính phủ, hoặc chính từ quyết định cá nhân của tổng thống.

Trong khi các quốc gia như Ả Rập Saudi và UAE đang có những bước tiếp cận nhanh chóng với công nghệ AI của Mỹ, chính quyền Trump vẫn đang cân nhắc các biện pháp bổ sung để ngăn ngừa nguy cơ công nghệ này bị chuyển giao gián tiếp cho Trung Quốc. Điều này cho thấy chính sách vẫn còn đang trong giai đoạn định hình và chưa thể gọi là ổn định.

Đồng thời, chính phủ Mỹ cũng đang xây dựng một cơ chế thuế quan mới đối với chất bán dẫn, bên cạnh việc duy trì các lệnh cấm bán chip AI trực tiếp cho Trung Quốc, một yếu tố đã gây ảnh hưởng lớn tới các công ty công nghệ trong thời gian qua. Minh chứng là chỉ một tháng trước, giá trị thị trường của Nvidia đã bốc hơi 370 tỉ USD trong 3 phiên giao dịch, sau khi công ty tiết lộ về các quy định xuất khẩu mới làm giảm đáng kể doanh thu từ thị trường Trung Quốc.

Thị trường AI rủi ro với địa chính trị

Các động thái gần đây của chính quyền Mỹ cho thấy xu hướng mở cửa hơn với các đồng minh thân cận tại Trung Đông. Việc Nvidia đạt được thỏa thuận bán chip cho Ả Rập Saudi là một tín hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng thúc đẩy hợp tác AI với các đối tác được lựa chọn.

Các quốc gia như Ả Rập Saudi hiện vẫn cần nhiều thời gian để xây dựng năng lực công nghệ, từ đội ngũ nhân lực cho đến hệ sinh thái phần mềm. Bù lại, họ có nguồn lực tài chính và năng lượng dồi dào để trở thành thị trường tiềm năng lâu dài cho công nghệ Mỹ.

Tuy nhiên, không phải thị trường nào cũng dễ tiếp cận như vậy. Trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại mới, Mỹ có thể dùng quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến làm "quân bài mặc cả", điều này khiến tương lai thị trường AI phụ thuộc lớn vào các tính toán chính trị.

Một trong những mối quan tâm chính của giới công nghệ Mỹ hiện nay là nguy cơ các mô hình AI của Trung Quốc, đặc biệt khi được tối ưu hóa cho các dòng chip nội địa, có thể trở thành lựa chọn thay thế hợp lý trên thị trường toàn cầu trong tương lai.

Gần đây, Huawei đã ra mắt dòng chip Ascend chuyên cho trung tâm dữ liệu. Bộ Thương mại Mỹ ngay sau đó cũng ban hành hướng dẫn mới, trong đó nêu rõ: việc sử dụng dòng chip do tập đoàn Trung Quốc sản xuất “ở bất kỳ đâu trên thế giới” sẽ bị coi là vi phạm các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy sản phẩm này được đón nhận bên ngoài Trung Quốc.

Ngoài ra, bộ cảnh báo rằng việc sử dụng chip có nguồn gốc từ Mỹ để đào tạo hoặc vận hành các mô hình AI do Trung Quốc phát triển cũng bị nghiêm cấm theo các quy định hiện hành.

Tuy nhiên, với tốc độ tiến bộ nhanh chóng của công nghệ Trung Quốc, điều này có thể thay đổi. Một khi mô hình AI mở của Trung Quốc có thể chạy hiệu quả trên các chip sản xuất trong nước, nước này có thể tạo ra hệ sinh thái AI khép kín, khó bị loại bỏ khỏi thị trường toàn cầu.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu Mỹ đã hành động đủ nhanh và hiệu quả để bảo đảm các nền tảng AI do mình phát triển trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, trước khi Trung Quốc đạt được khả năng cạnh tranh tương đương.

Trong bối cảnh biến động chính sách, các nhà đầu tư công nghệ tại Mỹ đang kỳ vọng vào sự rõ ràng hơn từ chính phủ. Việc chính quyền thể hiện sự ưu ái với các công ty AI nội địa là tín hiệu tích cực, nhưng điều quan trọng hơn là cần có chiến lược dài hạn, nhất quán và không bị chi phối bởi biến động chính trị ngắn hạn.

Nếu các chính sách vẫn duy trì tính tùy biến cao, các công ty công nghệ Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với rủi ro khó lường từ sụt giảm giá cổ phiếu, bất ổn chuỗi cung ứng, đến nguy cơ mất thị phần toàn cầu.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Nvidia trong tuần qua phản ánh niềm tin của thị trường vào tiềm năng của AI Mỹ, nhưng cũng cho thấy mức độ nhạy cảm của ngành này đối với chính sách và địa chính trị. Trong khi một số cơ hội mới đang mở ra, đặc biệt tại Trung Đông, thì các thách thức về kiểm soát công nghệ, cạnh tranh toàn cầu và sự ổn định chính sách vẫn là những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tương lai ngành AI.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tong-thong-trump-thay-doi-luat-choi-ai-my-duoc-huong-loi-den-dau-232669.html
Zalo