Bình Dương: Thách thức và giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025
Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu về công nghiệp của cả nước được Chính phủ giao nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế 10% theo Nghị quyết 25/NQ-CP.
![Đường vành đai 4, đoạn qua Bình Dương, đã được đầu tư cơ bản. (Ảnh: TTXVN phát)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_293_51482349/0600d5f6e6b80fe656a9.jpg)
Đường vành đai 4, đoạn qua Bình Dương, đã được đầu tư cơ bản. (Ảnh: TTXVN phát)
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận về Đề án bổ sung phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên.
Đây là nhiệm vụ thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, tạo đà cho những năm tiếp theo.
Trong bối cảnh đó, Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu về công nghiệp được giao nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế 10% theo Nghị quyết 25/NQ-CP.
Đây là thách thức lớn, đòi hỏi tỉnh phải có chiến lược cụ thể và các giải pháp đồng bộ để hiện thực hóa mục tiêu này.
Dự báo năm 2025 tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn, đặc biệt là nguy cơ chiến tranh thương mại mới giữa các nền kinh tế lớn, áp lực tỷ giá và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi các thị trường đang phát triển.
Với độ mở nền kinh tế lớn, Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các biến động toàn cầu. Doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp.
![Công nhân sản xuất đồ gỗ tại Bình Dương. (Nguồn: TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_293_51482349/973346c5758b9cd5c59a.jpg)
Công nhân sản xuất đồ gỗ tại Bình Dương. (Nguồn: TTXVN)
Ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhấn mạnh để Bình Dương đạt mục tiêu tăng quy mô nền kinh tế trên 10% và góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước ở mức 8% vào năm 2025, cần có những chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Trong số đó, Chính phủ cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài chính-tiền tệ linh hoạt và thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế.
Bình Dương cũng đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, giảm thiểu rủi ro trước các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Đồng thời, tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, đất đai và môi trường, hướng tới cắt giảm ít nhất 50% thời gian cấp phép cho các dự án trọng điểm.
Song song đó, Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục và đào tạo, đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần tập trung vào ba yếu tố cốt lõi gồm thể chế, hạ tầng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Đây không chỉ là những nền tảng cơ bản mà còn là động lực then chốt giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, việc hoàn thiện thể chế, đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương sẽ giúp giảm chồng chéo trong thực thi chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Điều này sẽ giúp loại bỏ những bất cập trong quá trình thực thi chính sách, giảm thiểu rào cản hành chính, từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, hạ tầng giao thông, logistics và công nghệ số cũng cần được nâng cấp đồng bộ để nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và thu hút thêm nguồn vốn đầu tư trong nước cũng như FDI.
Nếu hạ tầng không phát triển kịp tốc độ của nền kinh tế, Việt Nam có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội quan trọng trong cuộc đua tăng trưởng toàn cầu.
Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần mang tính toàn diện và lâu dài, bao trùm từ cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, đến việc hỗ trợ tài chính, giảm chi phí tuân thủ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần có những chính sách đào tạo bài bản, chuyên sâu nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường và công nghệ.
![Một góc thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. (Nguồn: TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_293_51482349/0c30dcc6ef8806d65f99.jpg)
Một góc thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. (Nguồn: TTXVN)
Trong khi đó, ông Lê Như Thạch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Bình Dương nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phát triển mô hình TOD (đô thị gắn kết với giao thông công cộng) nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị bền vững.
Ông Lê Như Thạch đề xuất việc đẩy mạnh kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, điều này không chỉ giúp thu hút các nhà đầu tư chiến lược mà còn tạo môi trường thuận lợi để giữ chân lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong dài hạn.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Bình Dương cũng đề nghị tỉnh có những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp, bao gồm các ưu đãi thuế, đầu tư phát triển hạ tầng số đồng bộ và hiện đại, cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Nhìn chung, mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ và nỗ lực bền bỉ từ tất cả các bên.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự đồng hành tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự chung sức của người dân, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu này.
Nếu các chính sách được triển khai đồng bộ, linh hoạt và kịp thời, nền kinh tế Việt Nam không chỉ đạt được mức tăng trưởng đề ra mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo./.