TP Hồ Chí Minh quy hoạch đô thị thông minh gắn với nền kinh tế số và hạ tầng hiện đại

Thành phố Hồ Chí Minh đang vạch ra lộ trình để trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và bền vững trong tầm nhìn đến năm 2050. Từ Quyết định số 1711/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Thành phố đã xác định mục tiêu rõ ràng: Phát triển mạnh mẽ kinh tế số, công nghiệp công nghệ cao và mô hình kinh tế xanh. Đây là những yếu tố then chốt giúp TP Hồ Chí Minh duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững và nâng cao sức cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu.

TP Hồ Chí Minh quy hoạch đô thị thông minh gắn với nền kinh tế số và hạ tầng hiện đại. Ảnh minh họa

TP Hồ Chí Minh quy hoạch đô thị thông minh gắn với nền kinh tế số và hạ tầng hiện đại. Ảnh minh họa

Kinh tế số - hướng đi của tương lai

Kinh tế số được xác định là một trong những yếu tố chủ lực trong quy hoạch TP Hồ Chí Minh, đóng vai trò then chốt trong việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh. Thành phố đặt mục tiêu đạt tỷ trọng kinh tế số chiếm trên 40% GRDP vào năm 2030, đồng thời duy trì đà tăng trưởng bền vững trong các thập kỷ tiếp theo.

Theo nhận định của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Thành phố đang triển khai các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực từ công nghiệp, dịch vụ đến thương mại điện tử. Bởi kinh tế số sẽ tạo ra các ngành công nghiệp mới, từ đó giúp TP Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm sáng tạo và công nghệ cao của khu vực Đông Nam Á.

Trong khuôn khổ chương trình “Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng 2030”, Thành phố sẽ triển khai mạnh mẽ các dịch vụ công trực tuyến và tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước. Dự án này nằm trong khuôn khổ Chương trình chuyển đổi số quốc gia, được Chính phủ phê duyệt theo Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, dự kiến có khoảng 50.000 việc làm mới trong ngành công nghệ số sẽ được tạo ra trong vòng 5 năm tới, góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng GRDP của thành phố, từ 8,5% đến 9% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Thành phố cũng sẽ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như chế tạo linh kiện điện tử, vi mạch, công nghiệp năng lượng tái tạo và vật liệu mới.

TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai mạnh mẽ các dịch vụ công trực tuyến và tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước. Ảnh minh họa

TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai mạnh mẽ các dịch vụ công trực tuyến và tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước. Ảnh minh họa

Theo báo cáo kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2023, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo hiện chiếm hơn 25% tổng GRDP của thành phố, trong đó công nghiệp điện tử và vi mạch đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra, các dự án điện mặt trời và điện gió quy mô lớn sẽ giúp TP Hồ Chí Minh giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Mặt khác, TP Hồ Chí Minh cũng chú trọng đến việc phát triển mô hình kinh tế xanh và sạch như “Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp” theo Quyết định 129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giúp các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải khí carbon và tối ưu hóa tài nguyên.

Để phát triển các ngành công nghiệp này, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP Hồ Chí Minh cần khoảng 300.000 lao động trình độ cao trong các ngành công nghệ thông tin và công nghiệp 4.0 vào năm 2030.

Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 11 triệu dân, trong đó một nửa là lực lượng lao động trẻ và năng động. Theo đó, Thành phố sẽ hợp tác với các trường đại học lớn trong và ngoài nước như Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh để phát triển các chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu.

Bên cạnh việc phát triển công nghệ nội địa, TP Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn công nghệ lớn như Intel, Samsung và Microsoft. Thành phố sẽ tiếp tục triển khai các dự án hợp tác công-tư (PPP) như xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia và các khu công nghiệp công nghệ cao, qua đó thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm

Với mục tiêu cải thiện chất lượng sống và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, TP Hồ Chí Minh đã đặt ra mục tiêu đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là các dự án hạ tầng kết nối vùng và giải quyết ùn tắc giao thông. Đây không chỉ là việc tạo ra các tuyến đường mới mà còn là chiến lược dài hạn nhằm tạo ra một thành phố hiện đại, có khả năng kết nối linh hoạt và hiệu quả giữa các khu vực.

Sau tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) hiện đã hoàn tất giải phóng mặt bằng.

Sau tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) hiện đã hoàn tất giải phóng mặt bằng.

Dự án đường Vành đai 2, với tổng mức đầu tư 13.800 tỷ đồng là một trong những công trình quan trọng nhất trong giai đoạn tới. Dự án này giúp kết nối các quận vùng ven như thành phố Thủ Đức, Quận 7 và các khu vực lân cận, giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường trọng điểm như Nguyễn Hữu Cảnh, Mai Chí Thọ. Đây là công trình không chỉ phục vụ việc đi lại của người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển các khu đô thị vệ tinh, mở ra cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thạch nhận định: “Dự án đường Vành đai 2 không chỉ giúp giảm tắc nghẽn giao thông mà còn tạo cơ hội phát triển đồng bộ cho khu vực phía Đông và phía Nam thành phố”.

Bên cạnh đó, dự án cầu Nguyễn Khoái (vốn đầu tư 3.700 tỷ đồng) sẽ kết nối các quận trung tâm với khu vực phía Nam, giảm bớt ùn tắc và tăng cường kết nối giữa các Quận 1, 4, 7 và các khu vực lân cận.

TP Hồ Chí Minh cũng chú trọng đến việc cải tạo hệ thống kênh rạch, với các dự án như cải tạo rạch Xuyên Tâm (vốn đầu tư 17.200 tỷ đồng) và cải tạo bờ Bắc kênh Đôi (vốn đầu tư 7.400 tỷ đồng), sẽ giúp giảm ngập úng và cải thiện môi trường sống cho cư dân. Các dự án này không chỉ cải thiện giao thông mà còn tạo ra không gian sống xanh, sạch và đẹp.

Một trong những dự án giao thông chiến lược của TP Hồ Chí Minh là metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) hiện đã hoàn tất giải phóng mặt bằng và chuẩn bị cho các gói thầu xây dựng lớn. Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết: “Metro số 2 sẽ là bước đột phá, giải quyết ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và nâng cao năng lực vận chuyển hành khách trong trung tâm thành phố và các khu vực ngoại thành”.

Việc phát triển hạ tầng giao thông được TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ trong năm 2025.

Việc phát triển hạ tầng giao thông được TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ trong năm 2025.

Để thực hiện các dự án này, TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị nguồn vốn lên tới 84.313 tỷ đồng cho năm 2025, tăng 6,2% so với năm trước. Việc hợp tác với các ngân hàng thương mại và các nhà đầu tư quốc tế sẽ giúp Thành phố thu hút thêm nguồn lực, đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình giao thông trọng điểm.

Với các dự án giao thông trọng điểm và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số, TP Hồ Chí Minh sẽ không chỉ giải quyết các vấn đề giao thông mà còn tạo ra cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Các công trình này sẽ góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành một thành phố thông minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong tương lai.

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tp-ho-chi-minh-quy-hoach-do-thi-thong-minh-gan-voi-nen-kinh-te-so-va-ha-tang-hien-dai-20250210165541139.htm
Zalo